Hiểu thế nào là độc dược?

Dược phẩm thiết yếu ngày nay đều có nguồn gốc từ những loại độc dược bào chế từ thời cổ đại.

Trước tiên, cần hiểu “độc dược” là gì? Chỉ 2 từ này đã nói lên trọn vẹn ý nghĩa của nó: “độc” là độc chất, còn “dược” là dược liệu. Vậy tạm định nghĩa “độc dược là những dược liệu có chứa chất độc được con người bào chế để chữa trị nhiều bệnh chứng”.

Hoa cà độc dược Ảnh: WIKIPEDIA

Trong lịch sử và truyền thuyết, chất độc giữ vai trò chủ đạo, vừa như một chất gây hại vừa như một loại thuốc giải độc. Dược phẩm thiết yếu ngày nay đều có nguồn gốc từ những loại độc dược bào chế từ thời cổ đại. Đặc điểm của độc dược là những chất gây hại cho cơ thể, qua da hay qua đường ruột. Trong khi nọc độc được truyền từ một vết cắn hay vết đốt thì độc tố lại được sản sinh một cách tự nhiên. Từ “độc dược” được sử dụng để mô tả những chất có hại nhằm nhấn mạnh đến sự nguy hiểm.

Paracelsus – bác sĩ, nhà thực vật học và là nhà giả kim thuật thời Phục hưng – từng lưu ý: “Mọi thứ đều là độc dược, vạn vật đều chứa độc. Sự nguy hiểm của chất độc phụ thuộc vào liều lượng”. Với liều lượng nhỏ, một số chất nguy hiểm sẽ vô hại. Ví dụ, thạch tín với liều nhỏ hợp lý có tác dụng kích thích tủy xương tạo máu nhưng với liều cao sẽ gây ngộ độc, có khi chết người. Theo ghi chép, Paracelsus là cha đẻ của độc dược. Ông đã tiến hành phân tích các loại chất độc, từ đó sử dụng hóa chất và khoáng chất trong y học.

Như vậy, trong đông dược có các dược liệu độc nguồn gốc từ thực vật – 40 loại như ba đậu, ba đậu nam, bạch hoa xà, bán hạ nam (sống), cà độc dược, mã tiền…; dược liệu độc nguồn gốc từ động vật – như rắn, rết, bọ cạp, nhện, bọ hung, ngô công, sâu ban miêu, cóc, toàn yết… và dược liệu độc nguồn gốc từ khoáng vật – như bàng sa, duyên đơn, duyên phấn, hùng hoàng, kinh phấn, lưu hoàng, mật đà tăng, thần sa…

Bởi vậy, trong đông dược, người ta chỉ đích danh từng loại độc dược có độc tính như cà độc dược, cam thảo dây, bạch hoa xà, bọ hung, cóc, hùng hoàng, rắn, rết, bọ cạp… Còn trong tây y, người ta có quy định nhãn mác. Ví dụ, loại độc bảng A mang nhãn màu đen như morphine, atropin, digitalis…; loại mang nhãn màu đỏ ít độc hơn gọi là thuốc độc bảng B như sparteine… Đã gọi là thuốc thì khi sử dụng phải đúng liều, nếu quá liều đều gây hại cho cơ thể, còn nếu là độc dược thì có thể gây tử vong.

Ngày nay, do sự tiến bộ của khoa học, người ta đã chế ra nhiều loại thuốc có độc chất để điều trị bệnh, riêng đông y vẫn sử dụng dược liệu thô. Đặc biệt, về độc chất, có nước bị nghi đã chế thành loại vũ khí hóa học giết người hàng loạt! Còn trong nông nghiệp thì đã có thuốc trừ sâu và diệt côn trùng…

Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo thông tư ban hành Danh mục dược liệu độc sử dụng làm thuốc tại Việt Nam dựa trên các căn cứ khoa học, trong đó có bằng chứng khoa học về độc tính và an toàn của dược liệu; cơ sở dữ liệu về dược liệu độc ở một số nước trên thế giới…

Việc làm này là kịp thời và hoàn toàn phù hợp. Nó chỉ ra cụ thể trong điều trị có sử dụng các độc chất, từ đó cảnh báo thận trọng khi dùng độc chất để trị liệu, bảo đảm an toàn cho người bệnh. Ngay cả người bệnh cũng cần biết để tránh những tai biến đáng tiếc trong quá trình sử dụng và điều trị…

Bác sĩ Hoàng Xuân Đại (Suckhoe/NLD)

Cùng chuyên mục