Kỹ năng làm tốt bài thi trong kỳ thi THPT Quốc gia

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có nhiều điểm mới với nhiều môn thi chuyển sang hình thức trắc nghiệm, trừ môn văn. Vì thế, kỹ năng làm tốt bài thi trong kỳ thi THPT Quốc gia là điều học sinh cần quan tâm

Kỹ năng làm tốt bài thi trong kỳ thi THPT Quốc gia là điều học sinh đang quan tâm. Ảnh: Khả Hòa

Chú ý kỹ năng đọc câu hỏi ở môn tiếng Anh

Theo thạc sĩ Lê Thị Thanh Hòa, giáo viên Trường Quốc tế Á Châu, ngoài việc nắm kỹ cấu trúc đề thi, học sinh cần chú ý đến kinh nghiệm làm bài.

Trước hết, thí sinh nên phân bổ thời gian hợp lý khi làm bài. Học sinh có 60 phút để hoàn thành bài thi. Các em nên làm các câu trắc nghiệm liên quan đến Ngữ âm, Ngữ pháp và từ vựng tổng hợp, Tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa, Tìm lỗi sai, Chức năng giao tiếp và Tìm câu đồng nghĩa trong khoảng 30 phút, phần đọc hiểu trong 20 phút và 10 phút còn lại để kiểm tra lại bài và giải quyết các câu chưa hoàn thành.

Gặp những câu khó, thí sinh nên đánh dấu lại để làm sau và chuyển sang câu kế tiếp. Khi làm xong bài, các em quay lại các câu này và tuyệt đối không bỏ trống bất kỳ câu nào.

Đối với những câu quá khó, học sinh có thể dùng phương pháp loại trừ để chọn ra đáp án đúng nhất. Ngoài ra, thí sinh phải tô cẩn thận đúng số câu trong đề thi và trên phiếu làm bài trắc nghiệm, tránh tình trạng tô lệch dòng hàng loạt. Quan trọng hơn hết là học sinh phải bình tĩnh và tự tin khi làm bài để tránh những lỗi sai đáng tiếc.

Lưu ý khi làm bài thi môn toán

Theo ông Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), trước đây môn toán chỉ cần tập trung làm bài tập thì năm nay do đổi sang hình thức thi trắc nghiệm nên có một số khái niệm liên quan cần nắm vững.

Trước ngày thi, ông Toàn cho rằng học sinh hãy thay đổi thói quen tư duy từ tự luận sang trắc nghiệm với những lưu ý sau: Học kĩ tất cả các định nghĩa, khái niệm, công thức, đồng thời nắm vững các định lí và tính chất có trong sách giáo khoa. Bao quát toàn bộ kiến thức trong chương trình lớp 12. Nắm vững kiến thức cơ bản, hiểu rõ bản chất vấn đề. Cần tìm hiểu thêm ý nghĩa hình học và vật lí của một số khái niệm toán học, cũng như các bài toán thực tiễn. Không quá chú tâm đến các bước giải của một bài toán, mà cần học cách suy luận nhanh để có kết quả. Tìm hiểu thêm một số công thức và tính chất thường dùng. Không nên chú trọng quá nhiều các bài toán giải phương trình, bất phương trình.

Khi làm bài, phải biết đánh giá nhanh câu dẫn để loại bỏ ngay các phương án sai. Đối với các câu cần tính toán, có thể lấy kết quả của phương án thay vào câu hỏi.Nên làm bài thành nhiều lượt. Lượt một làm thật nhanh các câu hỏi dễ. Lượt hai nên làm những câu cần sự tính toán và suy luận. Lượt ba dành cho những câu vẽ hình. Lượt bốn, năm… dành cho những câu còn lại.


(Hình VNE)

Bí quyết làm bài thi các môn xã hội

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có nhiều điểm mới với nhiều môn thi chuyển sang hình thức trắc nghiệm, trừ môn văn. Kim Ngân(hiện là sinh viên Học viện An ninh Nhân dân) chia sẻ rằng, khoảng thời gian này, các thí sinh nên bắt đầu tổng hợp, xâu chuỗi kiến thức các môn thi. Sau đó, các bạn thử làm đề thi để tập quen cách làm, kiểm tra lại kiến thức và tư duy nhạy bén khi làm trắc nghiệm.

Đối với môn sử, các bạn phải nhớ đúng mốc thời gian diễn ra các sự kiện. Nếu bạn không nắm vững mốc thời gian thì học hoài mà cứ lẫn lộn. Những sự kiện tiêu biểu, bạn nên nhớ cả ngày, tháng, năm. Điều lưu ý là bạn cần học tốt trong sách giáo khoa. Ngoài ra, các bạn xem phim tài liệu, đọc sách tham khảo để nhớ kiến thức tốt hơn. Mỗi ngày, bạn chăm chỉ học một ít. Gần ngày thi, bạn ôn lại sẽ dễ dàng nhớ kiến thức lâu hơn.

Năm nay, môn sử được đổi mới bằng hình thức thi trắc nghiệm. Theo Ngân, hình thức thi khá khó vì các câu hỏi về những chi tiết dễ có thể bị bỏ qua. Hoặc nhiều câu có nội dung tương đồng khiến thí sinh rất dễ bị đánh lừa. Để tránh nhầm lẫn, sai xót, thí sinh nên đọc thật kỹ đề, gạch ra ý chính để chọn đúng đáp án.

Kim Ngân cho biết: “Khi làm bài môn địa, các bạn được mang Atlat vào phòng thi. Bạn nên nhớ, “Atlat là sách giáo khoa bằng hình”. Ngoài việc, bạn nắm vững các kiến thức như: Đặc điểm dân số Việt Nam, điều kiện kinh tế – xã hội của các vùng kinh tế… Khi làm bài, bạn có thể dùng Atlat để suy luận vấn đề, lý giải để tìm ra đáp án đúng”.

Về môn văn, khi làm bài, các bạn nên mạnh dạn nêu lên cảm nhận, suy nghĩ cá nhân. Môn văn không có dàn bài cố định nhưng những ý chính của tác phẩm bắt buộc phải có. Việc tự cảm nhận tác phẩm kết hợp với định hướng bài giảng của giáo viên giúp bạn không phải học thuộc lòng nhiều. Khi làm bài, các bạn phải đảm bảo những ý chính và nêu lên những phát hiện mới khi phân tích tác phẩm. Điều này giúp các bạn thể hiện tính sự sáng tạo, nhạy bén trước vấn đề. Khi đọc đề bài, bạn nên gạch ý chính ra giấy nháp để tránh lạc đề, thiếu sót ý trong khi viết.

Để viết một bài luận tốt phải bắt đầu từ đâu?

ThầyLê Minh Tân: Trước tiên phải xác định được vấn đề mình viết. Lúc đó viết sẽ không bị lạc đề. Yêu cầu đặt ra trong bài văn là kiến thức. Trang bị kiến thức, từ bài giảng của thầy cô, nghe kỹ để thẩm thấu. Đọc thêm tài liệu.

Sau đó, diễn đạt bài văn có hệ thống, liên kết mạch lạc, sử dụng biện pháp tu từ… Các em phải đọc để trau dồi vốn từ, học cách diễn đạt rồi vận dụng vào bài làm.

Cuối cùng, bài văn phải có cảm xúc. Chúng ta phải đặt tình cảm vào những vấn đề mình nêu ra, thì bài văn mới thực sự hay.

“Để có tâm lý tốt, thí sinh không nên tự tạo quá nhiều áp lực. Các bạn nên chia sẻ khó khăn, căng thẳng với người thân, bạn bè. Những lời động viên từ mọi người sẽ giúp các bạn trút bớt nỗi lo về điểm số, áp lực thi cử… Từ đó, các bạn sẽ cố gắng sắp xếp thời gian, tập trung ôn tập và làm bài đạt hiệu quả hơn”.

Chúc bạn thành công.

Hoàng Cường tổng hợp. (Theo: Giáo dục /TNO/VNE)

Bài liên quan

Giảm áp lực khi đi thi: Đừng quan tâm đến những gì người khác nghĩ.

( hieuhoc_hieuhoc.com.). “Học tài thi phận”, đó là một kết luận chính xác đối với những thí sinh thật sự có khả năng, thậm chí rất giỏi nhưng chẳng may bị hỏng thi. Loại trừ những nguyên nhân khách quan cho sự chẳng may như: bất ngờ đau yếu trong người, gặp chuyện bi ai trong gia đình…; thì nguyên nhân lớn nhất làm giảm sút khả năng của người đi thi chính là: “áp lực tạo nên căng thẳng”. Hẳn nhiên áp lực càng lớn thì kết quả của bài thi bị giảm sút càng nhiều.Vậy những lý do tạo nên áp lực đó là gì? Ta có thể loại trừ nó hoặc làm giảm thiểu tác hại của nó được không? Muốn cho lo lắng không còn đè nặng trong tâm trí, ta cần phải làm những gì để bước vào kỳ thi với một tâm trạng thoải mái, tự tin hầu đạt được kết quả đúng như khả năng của mình?  

Cùng chuyên mục