Học nghề cảnh sát biển

Người Việt sang Nhật học nghề cảnh sát biển: Trong số 10 học viên quốc tế đang “dùi mài kinh sử” tại Học viện Cảnh sát biển Nhật Bản có 2 người Việt…

Giáo sư Jun Ichi Michimoto giới thiệu mô hình điều khiển tàu – Ảnh: TẤN VŨ

Họ đang trong những ngày cuối của một năm đào tạo khắc nghiệt tại trung tâm huấn luyện cảnh sát biển hàng đầu của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

“Điều ấn tượng trong tôi là các học viên Việt Nam chịu khó, rất chăm chỉ và học giỏi. Chúng tôi sẵn lòng chào đón các sinh viên Việt Nam tới Nhật học nghề cảnh sát biển. – Ông Kishida(phụ trách đào tạo, Tổng cục An ninh biển Nhật Bản)

Được học với những thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới về điều khiển tàu, các chương trình đào tạo rất khắt khe về an ninh, luật hàng hải, những sinh viên ưu tú Việt Nam vẫn được nhà trường đánh giá rất cao về tinh thần, năng lực học tập.

Đưa vịnh Tokyo vào mô hình học tập

Chọn chuyến bay sớm nhất từ thủ đô Tokyo đến Hiroshima, phải mất hơn một giờ taxi chúng tôi mới đến được vịnh Kure, nơi đặt đại bản doanh của Học viện Cảnh sát biển Nhật Bản.

Chen qua những dãy nhà cao tầng nơi cảng biển, học viện bình yên dưới những rặng thông già cong mình vì gió. Đứng ở phòng học viên có thể nhìn rất rõ những con tàu chiến đen ngòm của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản nơi cửa vịnh. Những nhà máy luyện thép, nhà máy đóng tàu đang nhả khói lên nền trời xanh.

Giáo sư Jun Ichi Michimoto – giảng viên học viện – tóc bạc phơ, đón chúng tôi bằng nụ cười hiền. Ông bảo: “Chào mừng anh đến với học viện. Chúng tôi thường đón những đoàn khách là sĩ quan cảnh sát các nước đến tham quan nhưng nhà báo quốc tế thì anh là người đầu tiên đấy!”.

Thầy hiệu phó Nakatsu cho biết sau Thế chiến thứ hai, lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản rất mỏng, đất nước lại không có quân đội. Học viện được thành lập nhằm đào tạo những sĩ quan cần thiết cho ngành này. Lúc đầu học viện ở Tokyo nhưng vì đất chật nên năm 1952 được dời về Kure đến tận ngày nay.

Chỉ tay ra nhà máy đóng tàu xa xa, thầy Nakatsu kể rằng đây chính là nơi cho ra con tàu chiến lừng danh của Nhật Bản, một trong năm chiến hạm hùng mạnh nhất thế giới tên là Yamato, dài 256m, rộng 26,9m, độ giãn nước 68.200 tấn.

Phía sau những dãy trường học là mô hình điều khiển tàu của học viện, đây cũng là nơi những sinh viên học xong phần lý thuyết và bắt đầu phần thực hành trước khi thành thủy thủ thực thụ. Tầng 2 của tòa nhà thiết kế giống hệt một cabin điều khiển của một con tàu tuần tra.

Tất cả hệ thống buồng lái từ la bàn, bản đồ, hải đồ, rađa, máy quét, máy dò, hệ thống máy chính của tàu… đều có sẵn. Trước mặt các thủy thủ là những màn hình nối liền nhau tạo thành một vòng cung 180 độ. Đèn chiếu sáng bật lên, trên màn hình là vịnh Tokyo, mô hình biến thành một con tàu đang vào cảng. Bên dưới là sóng nước, hai bên bờ với các cần cẩu, những đoàn tàu thuyền ra vào 
tấp nập…

Mặt biển chợt tối sầm, tất cả chế độ màn hình hiển thị thành ban đêm, tháp và các cây cầu chợt sáng đèn lung linh giống hệt Tokyo về đêm. Giáo sư Jun Ichi Michimoto bảo ban đêm vào cảng là thử thách lớn cho các học viên, nhưng chưa hết, màn hình có thể chuyển sang chế độ hệt như con tàu đang đi trong điều kiện thời tiết xấu, rất xấu.

Sóng biển dâng cao, con tàu chòng chành và mũi tàu gập ghềnh như đi trong ngày biển động. Giáo sư Jun Ichi Michimoto cho biết mô hình này cho các học viên cảm giác điều khiển con tàu thật 100% và cũng là nơi sát hạch, chấm điểm thi.

Anh Đỗ Văn Minh (trái) và anh Bùi Thế Dương (giữa) trao đổi với một học viên Nhật Bản – Ảnh: TẤN VŨ

Học để phụng sự Tổ quốc

Các giảng viên của Học viện Cảnh sát biển Nhật Bản cho biết hai sinh viên Việt Nam rất bận vì ngày 5-8 là ngày họ bảo vệ luận án kết thúc một năm học tập để lấy bằng thạc sĩ. Học viện hiện có tổng cộng 190 sinh viên từ năm 1 đến năm 4. Sinh viên quốc tế chỉ có 10 người, đến từ Việt Nam, Indonesia, Malaysia…

Anh Bùi Thế Dương (38 tuổi, quê Hải Dương, một trong hai sinh viên người Việt Nam) cho hay để thi vào và được học bổng học ở đây, các học viên phải thi qua lớp Grips Tokyo Japan rất khó khăn.

Ngoài ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Nhật, các học viên phải thông thạo nhiều về luật quốc tế. Sau đó nhà trường sẽ đào tạo chuyên sâu về hàng hải, luật biển và thực thi luật biển, luật về môi trường, trật tự an toàn, an ninh hàng hải và cả quan hệ quốc tế…

“Việc học ở đây rất khó khăn nhưng bù lại, các giáo sư Nhật Bản rất tận tụy chỉ vẽ. Các tài liệu chuyên ngành ở học viện tìm đọc cũng rất dễ dàng. Đặc biệt là quan hệ với các bạn sinh viên quốc tế là môi trường vô cùng thuận lợi cho mối quan hệ của mình sau này” – anh Dương chia sẻ.

Phòng học tập của anh Dương hướng ra phía biển, hứng những cơn gió nhẹ đầu mùa hè. Căn phòng học vừa chỗ cho bốn người được phân ô nhỏ để các học viên có thể tập trung tối đa cho việc nghiên cứu.

Bạn đồng hành người Việt duy nhất của anh Dương ở học viện là anh Đỗ Văn Minh, 30 tuổi, học chuyên ngành an ninh an toàn chính sách hàng hải. Cả anh Dương và anh Minh đều là cán bộ phòng cứu hộ cứu nạn và bảo vệ môi trường biển, Cảnh sát biển Việt Nam. Vùi đầu trong đống tài liệu chờ ngày bảo vệ, anh Minh cho biết: “Phải cố gắng học. Sau lưng mình là kỳ vọng của biết bao nhiêu người. Học không những để cho bản thân, phụng sự Tổ quốc, mà còn học để bạn bè quốc tế thấy rằng người Việt mình trí tuệ không thua kém ai”.

Anh Minh bảo học tập ở nhà trường ngoài kiến thức thì mối quan hệ với các đồng nghiệp cảnh sát biển của các nước láng giềng là những thứ vô giá.

Anh Minh cho biết những giờ rảnh không tìm kiếm tài liệu trên mạng thì nơi ưa thích của anh là thư viện và bảo tàng. Bảo tàng của học viện là căn nhà hai tầng, lưu giữ những hình ảnh, những câu chuyện, những vật liệu, khí tài và cả lá cờ của ngày đầu thành lập lực lượng đến nay. Lá cờ đã ố vàng và hình ảnh những con tàu đầu tiên của lực lượng an ninh biển Nhật Bản trên con tàu phá băng tiến vào Nam Cực để các lực lượng khác vào đây nghiên cứu gây ấn tượng mạnh.

Người quản lý của thư viện cho biết thư viện không chỉ là nơi trưng bày, nghiên cứu mà chính là nơi lưu trữ những chứng tích tranh chấp hoặc những hành động sai trái của các quốc gia khác.

Một băng video chiếu cho khách tham quan xem ngay tầng 2 cảnh con tàu tuần tra Amami Nhật Bản bị một tàu tình báo của CHDCND Triều Tiên nã súng vào cabin ngày 22-12-2001.

Có ba thuyền viên tàu Nhật Bản bị thương và sau đó họ chống trả ngay trong đêm tối. Cabin của con tàu to cùng các thiết bị hư hỏng đều được trưng bày tại đây cho sinh viên có thể nghe nhìn, nghiên cứu.

Ký túc xá của hai sinh viên Việt Nam ở cùng với các bạn quốc tế và các sinh viên nước chủ nhà Nhật Bản. Anh Shiomi, người quản lý ký túc này, cho hay vì học viện là nơi đào tạo các sĩ quan cao cấp nên việc bố trí ký túc xá và cách ăn ở cũng đặc biệt. Phòng học chỉ có bốn người và phải có đủ học viên từ năm 1 đến năm 4 ngồi cùng.

“Chúng tôi bố trí như vậy vì các bạn sinh viên phải biết chỉ bảo cho nhau. Ngoài ra cũng là nơi người lớn tập tính cách chỉ huy của mình. Nhưng hơn hết là họ học các mối quan hệ, cách ứng xử, cách chia sẻ, học tập nhau trong công việc” – anh Shiomi nói.

Mô hình học tập trị giá hàng trăm tỉ đồng

Quan chức Tổng cục An ninh biển Nhật Bản cho biết cách đây 12 năm, Học viện Cảnh sát biển Nhật Bản đã đưa mô hình điều khiển tàu vào phục vụ việc dạy và học. Đây là một trong những mô hình hiện đại nhất thế giới về đào tạo, huấn luyện hàng hải. Tổng kinh phí đầu tư cho mô hình lên tới khoảng 700 triệu yen (khoảng 150 tỉ đồng).

Theo: TẤN VŨ (từ Hiroshima, Nhật Bản)/(TTO)

Bài liên quan

Cùng chuyên mục