Học theo sở trường

(hieuhoc_hieuhoc.com) Được học theo sở trường và đam mê giúp chúng ta tự tìm thấy nguồn vui và hạnh phúc, từ đó tạo ra hưng phấn để chủ động tìm đến những kiến thức mới mẻ và hấp dẫn hơn.

“Con người chỉ thành đạt khi sống và làm việc theo sở trường, sở thích của mình. Và chỉ có theo đuổi sở trường riêng thì sự cạnh tranh sinh tồn của xã hội mới bớt gay gắt hơn, làm cho việc cạnh tranh xã hội bớt căng thẳng hơn, và cũng làm cho xã hội được phong phú hơn”. – Triết gia Socrate (Ảnh CNN)

Bạn có quyền chỉ học những điều có ý nghĩa, nghĩa là chỉ chọn học những gì thật sự đáng quan tâm để quan tâm thôi.Cha mẹ và thầy cô thường bắt phải hứa đủ thứ: phải đi học đúng giờ, phải học bài, làm bài, phải có điểm tốt, phải đứng đầu lớp… (?) và càng lớn thì càng phải thế này, phải thế kia càng nhiều. Nhưng nếu thực hiện được hết những gì như yêu cầu thì tất cả sẽ là… thánh! Vả lại, có được học trò giỏi là nhờ có học trò kém và chuyện cùng tốt, cùng giỏi như nhau thì làm sao có được?

Dĩ nhiên chúng ta phải học để biết nhìn xa, suy sâu, nghĩ rộng, nhưng học chuyên sâu và học cái gì là tùy vào sở trường và ý thích của mình…

Quyền quyết định những gì giá trị nhất, phù hợp nhất với bạn là do bạn, không ai khác. (Tranh: Hugh MacLeod cartoon)

Bạn có quyền yêu Toán hay không thích Văn, có quyền học nhanh hay học chậm… Để có thể giữ tính độc lập cho mình, học hỏi và tiến bộ, bạn không cần so bì kết quả với một ai, chỉ cần theo đúng sở trường và sở thích của mình, đó cũng là quyền được học của bạn

Như thầy cô bảo rằng, nếu không học tốt môn Văn, lại kém môn Sử thì làm sao biết yêu quê hương đất nước !(?). Nhưng chẳng qua thầy cô ấy muốn nhấn mạnh và đề cao môn học đó với bạn thôi! Bởi những người “kém văn, dốt sử” và cả những người chẳng may bị thất học đều có thể là những anh hùng yêu nước thật sự. Ngược lại, chẳng phải trong số những kẻ mang trọng tội “bán nước” cũng có loại người thường ngày “nói rất hay, viết rất giỏi” đó hay sao? Vì vậy, bạn không cần tự đong đo nhân cách của mình từ việc có giỏi hay không giỏi các môn xã hội. Biết quê hương mình sinh ra có tất cả những đặc sản gì gì đó thì cũng tốt mà không biết được hết thì…cũng có sao đâu?

Hoặc giả như bạn có khả năng và thích học làm quản lý, làm kinh tế thì cứ học quản lý, học kinh tế… Nếu khi phải trồng rau, nuôi cá… và muốn vừa học vừa kiếm sống thì có thể học từ kinh nghiệm thực tế ở những người nuôi cá, trồng rau cũng được chứ sao. Quyền quyết định những gì giá trị nhất, phù hợp nhất với bạn là do bạn, không ai khác.

Lại nữa, chúng ta muốn học làm giàu, chúng ta cần động lực để bắt đầu, đó là niềm đam mê, nếu được kích hoạt – sẽ sản sinh ra ham muốn sâu thẳm trong tâm thức của chúng ta. (Muốn thành công phải học ở người thành công, muốn thành đạt, hãy nghĩ như người thành đạt. Muốn xuất sắc phải chơi với người xuất sắc hơn). Điều đó có nghĩa là mình phải muốn vươn lên và nỗ lực cố gắng. Nhưng trong tâm thức nếu vẫn còn mang định kiến “chê trách bọn giàu sang” một cách phiến diện (thậm chí phẫn nộ với những người giàu có và thành công) thì làm sao ta có thể tiếp nhận tư duy làm giàu để trở nên giàu có?

Con chim biết hót, cá biết bơi, mỗi loài đều là “giỏi nhất”theo sở trường của chúng.

Nếu chúng ta chỉ muốn được hạnh phúc, nó sẽ rất dễ; nhưng nếu chúng ta muốn được hạnh phúc hơn người khác là điều hầu như luôn luôn khó bởi vì chúng ta nghĩ họ hạnh phúc hơn mình. Đồng thời cảm giác chán nản “than thân trách phận” do so bì này có thể làm cho những ai dễ mắc càng chán nản hơn, nó thúc đẩy cảm giác ghen tỵ, dò xét và chối bỏ (mặc dù, họ – những người hơn ta – cũng có những khó khăn của con người). Và nếu cứ “thấy người thua mình thì chê, thấy người hơn mình thì khó chịu” như vậy, làm sao chúng ta có thể học được “cách làm” từ những người hơn mình? Môi trường giáo dục và truyền thông xã hội có thể giúp chúng ta cảm nhận “cái đẹp” của từng môn học, nhưng làm sao chúng ta “đam mê thật sự” được nếu ngành học đó nằm ngoài khả năng, sở trường của mình?

Tóm lại, người thành công thường tự hào về sở trường của họ, thì tại sao chúng ta không dùng quyền được học để học đúng theo sở trường của mình? Cho dù bạn quan tâm đến lĩnh vực công nghệ, kinh tế nhiều hơn, hoặc toán học và các ngành khoa học, xã hội… thì điều cốt lõi vẫn là khả năng, sở trường của bạn, cùng với nó là lòng tin, tự tin vượt qua khó khăn, khiêu chiến với thành công mình đã đạt được. Khoan hẳn so bì với ai, hãy cứ theo sở trường của mình, ban đầu có thể phát xuất từ nhỏ bé không đáng kể nhưng đến một lúc nào đó nó sẽ phát huy được tối đa nội lực…

“Vượt qua người khác hoàn toàn không phải là điều quan trọng, mà từng ngày vượt qua chính thành tựu của mình đã có mới là điều quan trọng. Sử dụng quyền được học của mỗi người, chọn đúng theo sở trường, ưu tiên cho ngành học phù hợp năng lực của bạn, đó chính là khởi điểm của thành công”.

Chúc bạn nhiều may mắn.

Văn Gia Nghi (hieuhoc_hieuhoc.com)

Cùng chuyên mục