Ngành Luật kinh tế, Luật Thương Mại và Luật thương mại quốc tế

(hieuhoc_hieuhoc.com) Ngành Luật Thương Mại (ĐH Luật TPHCM) và Luật thương mại quốc tế (Khoa Kinh Tế – ĐHQG TPHCM) có gì khác nhau ? Đào tạo trong bao nhiêu năm ? Để có chứng chỉ hành nghề Luật sư thì phải học tiếp những gì ? Ở đâu ? Ngành Luật có trường nào đào tạo văn bằng 2 hay không ? Đứa em vẫn đang học khối Kỹ Thuật, tính thi Luật dạng Văn Bằng 2, hay vừa học vừa làm hoặc từ xa để có bằng Cử Nhân Luật có được không? – (Hoa Quynh/Diễn đàn hieuhoc_hieuhoc.com)

Hơn 15 năm hình thành phát triển, trường ĐH Luật TP.HCM đã từng bước khẳng định được là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý, truyền bá pháp luật lớn nhất ở khu vực phía Nam…

ĐH Luật TPHCM: Ngành Luật Thương Mại

Trang bị cho sinh viên những kiến thức pháp luật có liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, thuế, đất đai và môi trường… Mục tiêu của ngành Luật Thương mại trường ĐH Luật là trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về pháp luật, thực tiễn pháp lý và những kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có liên quan đến lĩnh vực pháp luật bước đầu có định hướng chuyên sâu và rèn luyện kỹ năng thực hành để sinh viên ra trường có thể giải quyết một số vấn đề thông thường trong lĩnh vực pháp luật.

Chương trình đào tạo Cử nhân của Trường ĐH Luật TP.HCM kéo dài trong thời gian 4 năm (8 học kỳ) với tổng số đơn vị học trình là 190 (mỗi đơn vị học trình bằng 15 tiết học), trong đó có 60 đơn vị học trình thuộc các môn cơ bản và 130 đơn vị học trình thuộc các môn học chuyên ngành, thực tập cuối khóa và thi tốt nghiệp

Chương trình cung cấp sinh viên kiến thức lý luận chuyên sâu về pháp luật nói chung và lĩnh vực luật thương mại nói riêng. Sinh viên tốt nghiệp Khoa Luật thương mại có thể làm cán bộ tư vấn pháp luật, cán bộ kinh doanh trong các cơ quan kinh tế, các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Sở Thương mại, Cục hải quan, Sở kế hoạch – Đầu tư…Hoặc làm chuyên viên ở các cơ quan cấp huyện như Ủy ban Nhân dân, Phòng Kinh tế, Phòng thuế. Hoặc cũng có thể công tác ở các Toà án kinh tế, Viên Kiểm sát hoặc trở thành luật sư chuyên về lĩnh vực kinh tế thương mại.

Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM): Ngành Luật kinh tế (Quản trị – luật)

Nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức hiện đại về kinh doanh, quản trị và luật làm nền tảng nghề nghiệp cho nhà quản trị và nhà tư vấn. Sinh viên ngành này có khả năng hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp, hiểu biết các vấn đề quản trị và các vấn đề có liên quan đến các yếu tố pháp lý. Sinh viên ngành này ra trường có thể làm việc trong các lĩnh vực đòi hỏi kiến thức tổng hợp quản trị và luật như: dịch vụ công, thương mại quốc tế, quản trị doanh nghiệp, tài chính, tư vấn quản trị, tư vấn kinh doanh…

Kể từ năm 2011, trường Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã thay đổi tên gọi ngành đào tạo và thông báo tuyển sinh theo đúng tên ngành quy định là Luật kinh tế. Sinh viên ra trường được cấp bằng tốt nghiệp ngành chính là Luật kinh tế, những chuyên ngành Tài chính-ngân hàng-chứng khoán, hoặc Kinh doanh, Thương mại quốc tế… chỉ được ghi vào bảng điểm học tập của sinh viên. Trước đây ngành học Quản trị luật tại Trường ĐH Luật TP.HCM được thiết kế đào tạo trong năm năm với hai khối lượng kiến thức song hành, vừa quản trị kinh doanh vừa luật. Đến nay, theo quy định mới của Bộ GD&ĐT thì ngành học này bị buộc vào khung chương trình đào tạo gói gọn trong bốn năm và chương trình đào tạo sẽ được thiết kế lại theo ngành Quản trị kinh doanh nhưng chuyên ngành Quản trị-luật.

Trong thiết kế chương trình đào tạo của Trường ĐH kinh tế – Luật TP.HCM, khi học xong chương trình này sẽ hoàn tất được 18 tín chỉ về chương trình luật. Nếu học văn bằng hai chính quy của trường về ngành luật sẽ được miễn những môn đã học, tốt nghiệp sẽ được cấp hai bằng cử nhân chính quy là Quản trị kinh doanh và Luật.

Ngành Luật kinh doanh

Đào tạo cử nhân luật có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khoẻ tốt; có kiến thức cơ bản về pháp luật, thực tiễn pháp lý; có kỹ năng chuyên sâu về pháp luật trong kinh doanh, đồng thời có kiến thức cơ bản về kinh tế, quản trị kinh doanh, đủ khả năng nghiên cứu và xử lý những vấn đề pháp lý đặt ra trong thực tiễn hoạt động kinh doanh và quản lý nhà nước đối với nền kinh tế của Việt Nam. Sinh viên được trang bị các kỹ năng nghề nghiệp như: tư vấn, phát triển doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp, đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng, thực hiện chức năng của chuyên viên pháp lý tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; có thể độc lập đưa ra các đề xuất giải quyết các tình huống pháp lý trong kinh doanh, nắm vững các thao tác nghiệp vụ khi doanh nghiệp tham gia vào các vụ tố tụng phát sinh từ hoạt động kinh doanh.

Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành Luật kinh doanh có thể trở thành chuyên viên làm việc tại các cơ quan lập pháp, trong bộ máy quản lý nhà nước ; có thể làm tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh doanh; họ cũng có thể trở thành các chuyên gia tư vấn pháp lý, luật sư,…. Một bộ phận sinh viên tốt nghiệp có thể làm công tác giảng dạy & nghiên cứu về các lĩnh vực chuyên sâu thuộc lĩnh vực Luật học tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

Ngành Luật thương mại quốc tế

Ðào tạo 3 khối kiến thức cơ bản: Khối kiến thức về lĩnh vực Công pháp quốc tế; Khối kiến thức về lĩnh vực Tư pháp quốc tế và Khối kiến thức về Luật so sánh và Luật Thương mại quốc tế. Mục tiêu đào tạo là trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản liên quan đến chức năng đối ngoại của nhà nước trong quan hệ quốc tế, về kỹ năng lựa chọn và vận dụng pháp luật của các quốc gia, đàm phán hợp đồng ngoại thương, giải quyết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài…

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở các cơ quan nhà nước như Bộ, Sở Tư Pháp, cơ quan ngoại giao, các sứ quán Việt Nam tại nước ngoài; hoặc có thể làm việc cho các công ty nước ngoài tại Việt nam, các cơ quan quốc tế, các công ty tư vấn pháp luật. Ngành Thương mại quốc tế (Ngoại thương) từ truớc đến nay vẫn là ngành có nhu cầu lớn ở tất cả các doanh nghiệp, nhưng điểm chuẩn vào các trường ĐH rất cao.

Điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư:

-Có bằng tốt nghiệp đại học Luật

-Là thành viên của đoàn luật sư

-Đã hoàn thành các kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư

-Hoặc là người có nhiều kinh nghiệm trong hành nghề luật (đã làm thẩm phán được 10 năm; đã có ít nhất 15 năm hoạt động với tư cách chuyên gia pháp lý, nhà nghiên cứu pháp lý; giảng viên luật; điều tra viên, công chứng viên; thanh tra,… );

-Được Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Học Luật ra trường không phải chỉ làm việc trong các cơ quan nhà nước mà có thể làm việc ở rất nhiều ngành nghề và đơn vị khác nhau. Nhiều bạn nghĩ học Luật chỉ ra làm luật sư là không đúng. Không phải học Luật ra là làm tòa án, viện kiểm sát mà chúng ta có thể công tác trong ngành công an (hiện nay rất nhiều cựu sinh viên luật đang công tác ở các vị trí quan trọng trong ngành công an). Nếu không thích làm việc trong các cơ quan nhà nước, sinh viên luật cũng có thể làm việc trong các doanh nghiệp, làm tư vấn luật, làm nhà báo… Nhu cầu về ngành luật hiện nay là rất lớn. Khi học ngành luật, thí sinh có thể lựa chọn những ngành học phù hợp: Luật kinh tế, Luật thương mại, Luật thương mại quốc tế, Luật dân sự, Luật hình sự… Nhiều trường đào tạo cử nhân Luật có đào tạo văn bằng 2 (học văn bằng 1 khối nào thì cũng có thể dự thi văn bằng 2), hoặc học theo hệ vừa học vừa làm như: ĐH Luật Hà nội; Đại học Ngoại Thương TP.Hồ Chí Minh; Viện đại học Mở Hà Nội

Chúc bạn thành công.

Gia kỳ (hieuhoc_hieuhoc.com)

Cùng chuyên mục