Hướng dẫn viên giỏi nhất

Nghề hướng dẫn viên không chỉ đòi hỏi sức khỏe, sự kiên nhẫn mà còn phải có kiến thức rộng, trí nhớ tốt. Để làm được điều đó, anh phải tự học tập, rèn luyện mỗi ngày

Dáng người tròn trịa, vẻ mặt thân thiện và đặc biệt nụ cười luôn nở trên môi, anh Huỳnh Công Hiếu, hướng dẫn viên Công ty TNHH một thành viên Lữ hành Saigontourist (thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – Saigontourist), để lại nhiều thiện cảm cho người đối diện. (Anh Huỳnh Công Hiếu vinh dự đoạt giải nhất tại Hội thi hướng dẫn viên du lịch giỏi toàn quốc)

Lựa chọn… bất đắc dĩ

Mới 22 tháng tuổi, Hiếu đã gánh chịu nỗi bất hạnh lớn trong đời là sự chia tay của các đấng sinh thành. Mỗi người đi tìm hạnh phúc mới, Hiếu về ở với ông bà nội. Ý thức được thân phận “mồ côi” của mình nên Hiếu rất chăm học và học rất giỏi.

Ông bà nội đã già, lại khó khăn, Hiếu quyết tâm tìm học bổng để nhẹ gánh học phí. “Chuyên gia săn học bổng” là biệt danh bạn bè đặt cho anh.

Không phụ lòng mong mỏi của mọi người, Hiếu đậu cả 3 trường: Đại học Bách khoa, Đại học Ngoại ngữ – Tin học và Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM.

Thương ông bà nghèo, không thể lo cho mình suốt 4 năm ròng học đại học nên Hiếu quyết định chọn Khoa Văn hóa Du lịch của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật để theo học. “Đơn giản vì vào trường này, tôi được nhận học bổng. Nhờ các kỹ năng sinh hoạt Đoàn, Đội từ nhỏ cùng với tình yêu môn lịch sử và sở thích đi đó đây, tôi đã thích nghi và ngày càng yêu thích nghề mà trước đó mình đã lựa chọn một cách… bất đắc dĩ”- Hiếu kể.

Không quản nhọc nhằn

Làm ở công ty du lịch 2 năm, Hiếu thi hành nghĩa vụ quân sự. Đến năm 2008, xuất ngũ, anh lại vào làm tại bộ phận quốc tế (hướng dẫn khách nước ngoài đến Việt Nam và khách Việt Nam đi nước ngoài) của Công ty TNHH một thành viên Lữ hành Saigontourist. Để bổ sung kiến thức, anh tiếp tục theo học ngành ngoại ngữ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.

Hiếu chia sẻ: “Mọi người thường bảo khách hàng là thượng đế nhưng với tôi, khách hàng là người thân”. Đồng nghiệp của anh kể: Trong các chuyến đi, Hiếu không câu nệ khó khăn mà luôn tìm cách nào cho “người thân” của mình được phục vụ tốt nhất, hài lòng nhất. Khi khách hàng không hài lòng hay gặp khó khăn, anh đều lắng nghe, từng bước tháo gỡ.

Mọi người cứ nghĩ làm hướng dẫn viên là sướng lắm vì đi được nhiều nơi nhưng ít ai biết được khi khách nhận phòng, về phòng nghỉ ngơi, hướng dẫn viên phải đi khắp các phòng, kiểm tra từng dụng cụ sinh hoạt, dặn dò mọi người; khi đến các địa điểm vui chơi, ăn uống, hướng dẫn viên phải lo cho khách còn thiếu món gì, ăn có ngon miệng không, đôi khi phải lao vào phục vụ khách. “Nhiều khi đợi khách ăn xong đã hơn 14 giờ, chúng tôi mới được ngồi vào bàn ăn trưa, vừa đói vừa mệt nhưng rất vui vì khách có bữa ăn ngon miệng” – anh tâm sự.

Nghề không phụ người

Với sự nhiệt tình, xông xáo ấy, anh được chọn vào đội tuyển của công ty tham gia cuộc thi Hướng dẫn viên giỏi TPHCM vào tháng 7-2010 và đoạt hạng nhì. “Thừa thắng xông lên”, anh tiếp tục tham gia cuộc thi Hướng dẫn viên giỏi toàn quốc vào tháng 8-2010 (10 năm mới tổ chức một lần).

Các thí sinh phải trải qua các nội dung: thuyết minh băng hình, trả lời câu hỏi, thuyết minh bằng ngoại ngữ, thuyết trình. Với sự chuẩn bị kỹ càng và kiến thức tích lũy sau bao năm đi làm, anh đã giành giải nhất cộng thêm giải thuyết trình băng hình hay nhất.

Kinh nghiệm của anh là ngày nay, mọi người đi du lịch không chỉ để giải trí mà còn để mở mang kiến thức; tìm hiểu phong tục, tập quán, nếp sống của người dân nơi mình đến. Để chuyến du lịch được thành công, ngoài việc chuẩn bị chu đáo mọi thứ, hướng dẫn viên còn phải nắm vững đối tượng khách của mình để có cách ứng xử, thuyết minh phù hợp, hấp dẫn.

“Việt Nam có nhiều cảnh đẹp, khách sạn rẻ, thức ăn ngon nhưng vẫn chưa thu hút đông du khách vì nạn kẹt xe, địa điểm tham quan còn nghèo nàn và cung cách phục vụ chưa chuyên nghiệp. Để du lịch Việt Nam phát triển, cần có sự chung tay góp sức các cơ quan chức năng và đặc biệt cần một đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, tận tâm” – anh nói.

* Hướng dẫn viên – nghề không chỉ đòi hỏi sức khỏe, sự kiên nhẫn mà còn phải có kiến thức rộng, trí nhớ tốt. Để làm được điều đó, anh phải tự học tập, rèn luyện mỗi ngày. Các hội thảo, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm do công ty tổ chức anh đều tham gia vì ở đó anh tìm được rất nhiều điều hay, bổ ích từ các chuyên gia và đồng nghiệp. – Không chỉ là một hướng dẫn viên giỏi, Huỳnh Công Hiếu còn rất tận tâm với nghề. Trong công ty, Hiếu không chỉ được đồng nghiệp yêu quý vì sự nhiệt tình, hay giúp đỡ người khác mà còn vì anh rất khiêm tốn, ham học hỏi. (- Bà Nguyễn Thị Bạch Lan – Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn)

Theo: Hồng Đào/(NLDO)

Bài liên quan

Các chuyên ngành khối kinh tế du lịch

(Hiếu học) Các chuyên ngành thuộc lĩnh vực kinh tế du lịch gồm có: Du lịch học; Văn hóa du lịch; Quản trị du lịch và khách sạn - nhà hàng; Hướng dẫn du lịch; Kinh doanh du lịch; Du lịch lữ hành; Quản lý môi trường và du lịch sinh thái... Các chuyên ngành Du lịch này được trên 30 trường Đại học đào tạo...

Cùng chuyên mục