Làm giàu từ nuôi đặc sản rừng

Gần đây, tỉnh Kon Tum chủ trương phát triển nghề nuôi “đặc sản rừng” vừa giúp dân làm giàu, vừa góp phần bảo vệ động vật hoang dã…

“Nuôi động vật hoang dã không những đem lại cho người nông dân có thu nhập khá cao mà còn làm phong phú thêm con vật nuôi ở địa phương, góp phần giảm tệ nạn săn bắt động vật hoang dã trái phép” – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Kon Tum – Trần Văn Độ (Hình: Cán bộ kiểm lâm theo dõi đàn heo rừng của ông Phạm Văn Khiêm) .

Nuôi thú lạ

Theo giới thiệu của cán bộ kiểm lâm tỉnh Kon Tum, tôi có dịp đến thăm hàng chục cơ sở nuôi nhím, cá sấu, heo rừng, ba ba ở các huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum. Nhiều hộ gia đình phất lên trông thấy nhờ nuôi động vật hoang dã.

Anh Phan Văn Lễ chuyên nuôi nhím ở xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi kể: Trước đây anh loay hoay mãi với cây trồng, vật nuôi truyền thống mà không khá nổi. Năm 2006, anh lên Sơn La mua 5 cặp nhím đem về nuôi. Được lực lượng kiểm lâm xác nhận nguồn gốc nhím nuôi hợp pháp và tạo điều kiện giấy tờ xuất bán khi đàn nhím phát triển, anh tập trung đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng cơ sở nuôi nhím.

Đến nay, trại nhím của anh thường xuyên có khoảng 50-60 con, trong đó có 20 cặp nhím sinh sản. Nhím dễ nuôi, phàm ăn (ăn chủ yếu rau xanh, củ quả, hạt bắp…). Nhím lại ít dịch bệnh, sinh trưởng nhanh, hàng năm cho gia đình anh một nguồn thu nhập khá lớn.

Bình quân một năm một con nhím mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1-3 con. Nhím con nuôi sau hai tháng có trọng lượng 2 kg/con là có thể xuất bán giống. Giá mỗi cặp nhím giống từ 8-10 triệu đồng. Bình quân mỗi năm, gia đình anh bán khoảng 20 cặp nhím giống. Trừ chi phí, còn lãi ròng trên 100 triệu đồng/năm.

Một cặp nhím giống sau hai tháng tuổi có giá gần bằng một cặp bò giống. Thấy gia đình anh Lễ ăn nên làm ra từ con nhím, nhiều người đã đến học hỏi phát triển nghề nuôi nhím. Theo cán bộ kiểm lâm Huỳnh Dũng, từ cơ sở đầu tiên của anh Lễ, đến nay trên địa bàn huyện Ngọc Hồi có 11 cơ sở nuôi nhím và heo rừng, được Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác nhận nguồn gốc nuôi hợp pháp.

Không chỉ là giá trị kinh tế…

Ở thành phố Kon Tum, nhiều người phát triển nghề nuôi heo rừng, cá sấu và ba ba. Ông Nguyễn Duy Lợi-chuyên nuôi cá sấu ở xã Ya Chiêm, thành phố Kon Tum hồ hởi: “Trước đây việc nuôi cá sấu của gia đình gặp khó khăn khâu thủ tục, nay đã được các cơ quan chức năng ở thành phố Kon Tum tháo gỡ rồi.

Cá sấu đầu tư ít, lợi nhuận cao. Năm ngoái gia đình tôi xuất bán 84 con sấu (1,4 tấn) thu được 150 triệu đồng. Trừ mọi chi phí còn lãi 60 triệu đồng. Nguồn cung cá sấu hiện không đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Anh Lợi móc túi lấy ra cái ví da: “Nó được làm một mặt từ da cá sấu, giá 900 nghìn đồng đó!”. Từ thành công bước đầu, anh Lợi lại tiếp tục nuôi thêm 110 cá sấu, trong đó có 6 con cá sấu sinh sản và dự kiến mở rộng cơ sở nuôi ổn định hàng năm khoảng 1.000 con cá sấu thương phẩm. Ngoài nuôi cá sấu, hiện anh còn nuôi khảo nghiệm 100 con ba ba.

Cũng ở xã Ya Chiêm còn nổi danh Hợp tác xã Thần Nông chuyên nuôi các loại động vật hoang dã. Ông Phạm Văn Khiêm, Chủ nhiệm HTX cho biết: HTX hiện có 9 thành viên chuyên nuôi heo rừng, cá sấu, nhím… Riêng cơ sở chăn nuôi của gia đình ông có 80 con heo rừng, 6 con nhím giống…

Heo rừng được ông Khiêm nuôi thả trong khu vườn rộng khoảng 6.000 m2. Heo có sức đề kháng cao nên ít khi bị dịch bệnh. Mỗi cặp heo rừng giống (10-12 kg/con) có giá từ 10-12 triệu đồng.

“Nuôi động vật hoang dã không những đem lại cho người nông dân có thu nhập khá cao mà còn làm phong phú thêm con vật nuôi ở địa phương, góp phần giảm tệ nạn săn bắt động vật hoang dã trái phép” – (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Kon Tum – Trần Văn Độ)

Theo: Làm giàu từ nuôi đặc sản rừng (TPO)

Bài liên quan

Tiềm năng các ngành khối Nông – lâm.

(Hiếu học). Ngành Nông Lâm là ngành nghề có tiềm năng phát triển và xã hội rất cần. Hàng năm, sinh viên hệ chính quy tốt nghiệp ra trường đều có việc làm, nhưng cũng không đủ số lượng nguồn nhân lực để thỏa mãn yêu cầu của thực tế.

Công nghệ chế tạo giấy từ bèo tây.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Ý định chế tạo giấy từ bèo tây đeo đuổi cho đến khi là sinh viên Bộ môn Giấy và Bột giấy, khoa Lâm nghiệp, trường Đại học Nông Lâm. Đến nay, công nghệ chế tạo giấy từ thân lục bình (bèo tây) đang được Chợ Công nghệ và Thiết bị TP.HCM Tech Mart giới thiệu chuyển giao   

Nghệ nhân hoa đất.

(Hiếu học). “Ước mơ của tôi là sẽ thực hiện nhiều mẫu hoa mới với kiểu dáng lạ, đẹp. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ dạy nghề để giúp bà con lao động trên địa bàn có công ăn việc làm ổn định”. Một số bạn trẻ đã tìm đến lớp học nghề làm hoa đất nhằm chuẩn bị nghiêm túc một nghề nghiệp sau này cho mình chứ không hẳn đơn thuần để thỏa mãn niềm vui thích riêng.

Yêu thiên nhiên, chọn nghề gì?

(hieuhoc_hieuhoc.com): Bên cạnh những người luôn cày cục tìm cho mình những công việc đem lại thu nhập cao, như lĩnh vực công nghệ thông tin hay phân tích chứng khoán…, những nghề “hot” mà nhiều người cảm thấy “oai” với bạn bè thì lại có không ít người sẵn sàng cống hiến mình cho những nghề có thu nhập thấp nhưng lại vô cùng quan trọng với cuộc sống con người.

Cùng chuyên mục