Nghề giáo viên dạy trẻ chuyên biệt

Nghề giáo viên dạy trẻ chuyên biệt được coi là nghề gây stress dữ dội vì áp lực công việc cao, đối tượng học phức tạp, lại đòi hỏi sức khỏe, kinh nghiệm tốt để trụ được lâu dài. Họ dạy học nhưng không có trường lớp, không thuộc biên chế ngành giáo dục. Và họ cũng không biết đến cảm giác nghỉ hè hay thưởng tết.

Các giáo viên, học sinh ở Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí (Hình PNO)

Số trẻ chậm phát triển, bại não, tự kỷ… tăng cao trong khi trường học còn thiếu. Nhiều gia đình muốn thuê giáo viên về nhà dạy con với mục đích rèn cho trẻ những động tác, thói quen cơ bản để có thể tự chăm sóc bản thân và phân biệt mọi thứ xung quanh, nếu khá hơn thì có thể cho con đi học hòa nhập. Đó là những lý do khiến nhiều giáo viên rời bỏ công việc tại các trường để trở thành giáo viên tự do chuyên dạy trẻ chuyên biệt tại nhà.

Mỗi học sinh một giáo án

Chúng tôi gặp các giáo viên chuyên biệt đang làm nghề “dạy tự do” ở TP.HCM trong bữa gặp mặt cuối năm tại một quán ăn chay. Hiếm hoi lắm họ mới có một buổi gặp mặt như thế để chia sẻ kinh nghiệm và thư giãn. Câu chuyện xoay quanh đứa học trò mà ba cô giáo tên Đ. (Q.Tân Bình), Th. và T. (Q. Gò Vấp) đang dạy ở quận 5. Học trò tên Bi, 13 tuổi, nặng gần 60kg, bị tự kỷ và hiện chưa thể tự chủ vệ sinh cơ thể. Ba cô giáo phụ trách ba ca sáng, chiều và tối, mỗi ca 90 phút. Dạy trẻ tập trung, ghi nhớ các động tác cầm, nắm, chỉ trỏ, tập nói một đến hai chữ, tập phân biệt màu sắc, đồ vật, luyện tập cho trẻ vận động, matxa cho trẻ… là những dòng giáo án được ghi trong nhật ký giảng dạy mà ba cô giáo chuyền tay nhau mỗi khi kết thúc ca dạy của mình.

Nghề giáo viên dạy trẻ chuyên biệt được coi là nghề gây stress dữ dội vì áp lực công việc cao, đối tượng học phức tạp, lại đòi hỏi sức khỏe, kinh nghiệm tốt để trụ được lâu dài. Đối với trẻ tự kỷ, giáo viên phải dạy tất cả mọi thứ: dạy cả những động tác tưởng chừng đơn giản như thè lưỡi, liếm môi, thổi, nhai, chỉ tay bằng một ngón cho đến cầm, nắm đồ vật, thậm chí tập lăn, lộn, bò. Những phần khó hơn là dạy trẻ nghe lời, biết báo khi chuẩn bị đi vệ sinh, biết phân biệt màu sắc, chữ cái, hình ảnh… Nói chung là vậy nhưng khi vào chương trình dạy, mỗi học sinh cần một giáo án khác nhau.

Cô Huy, một giáo viên ngoài 30 tuổi ở Gò Vấp, chia sẻ: “Tôi dạy một bé gái đã hai năm. Bé 5 tuổi và bắt đầu biết nghe lời cô giáo nhưng có những tật xấu của bé ròng rã mấy năm nay không thể dạy được. Bé không thể ra ngoài vì… không chịu đi vệ sinh ở bất cứ nơi nào khác ngoài nhà của mình, khi đi vệ sinh bé không chịu dùng bô hay bồn cầu mà khoái đi ra… đất. Nếu ai ngăn cản, bé tuyệt thực và nhịn… đi tiêu cả tuần”.

Những trường hợp giáo viên phải bó tay như trường hợp cô Huy gặp không phải hiếm. Công việc của các cô hầu hết đều phức tạp vì mỗi học sinh có thể trạng, bệnh tật, cách phản ứng khác nhau và nghề dạy trẻ chuyên biệt luôn tiềm ẩn những nguy cơ. “Những ngày đầu tôi thường xuyên bị bé bóp cổ. Hễ đòi gì không được là bé ăn vạ hoặc chạy vòng tròn. Tôi ôm lại thì bé quay qua bóp cổ. Mãi một thời gian tôi mới “trị” được bé bằng cách né thật nhanh và kẹp cả hai tay bé lại” – cô Huy kể.

Nghề chọn người

Với nghề dạy trẻ chuyên biệt, kinh nghiệm mà các giáo viên chia sẻ cho nhau là những kiến thức quý giá nhất. Xuất thân là giáo viên môn năng khiếu ở một trường tiểu học, quyết định rời công việc ổn định để làm giáo viên tự do của cô Đ. là một sự tình cờ.

Cách đây sáu năm, cô nhận dạy kèm một học trò bị tự kỷ tại nhà. Từ đó, vừa học hỏi vừa tìm hiểu thêm về trẻ tự kỷ, cô trở nên “cứng” nghề từ khi nào không biết. Hiện cô đang dạy kèm ba học trò, thời gian còn lại thì đến nhà tư vấn cho những gia đình có con mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển khác. Cô Th. cũng từng là giáo viên mầm non. Cô bắt đầu quan tâm đến trẻ tự kỷ khi phát hiện một học sinh trong lớp có triệu chứng từ chối giao tiếp bên ngoài.

Trong nhóm giáo viên dạy trẻ chuyên biệt thường sinh hoạt chung, trẻ nhất là cô O. và cô H. đều thuộc thế hệ 7X “đời cuối”. Trước đây hai cô là giáo viên mầm non, sau vài năm công tác đã chọn hướng trở thành giáo viên dạy chuyên biệt tự do.

Không bị áp lực thành tích

Một giáo viên tâm sự: “Mức lương, thời gian dạy, sự chủ động trong công việc, không bị áp lực thành tích hay kỷ luật trong ngành, đó là những điểm mà giáo viên tự do thấy thoải mái. Mặt khác, những áp lực về sự tiến bộ của trẻ bao giờ cũng đặt các cô vào tâm thế luôn lo lắng, tìm tòi để cải thiện sức học của trẻ. Nếu trẻ xuất hiện thói quen xấu, trách nhiệm của giáo viên trước gia đình trẻ cũng rất lớn”.

Cuộc sống của giáo viên tự do tất bật hơn, chạy “sô” nhiều hơn nên hầu như không có thời gian riêng cho bản thân. Tự tìm học trò và khi đã có chút tên tuổi thì được phụ huynh tìm tới, các cô được đề xuất mức lương, giờ dạy. Hiện mức lương của các giáo viên giỏi dao động từ 80.000 – 100.000 đồng/ tiết. Tuy nhiên nhiều phụ huynh trả mức lương cao hơn, khoảng 150.000 đồng/tiết để giữ chân các giáo viên.

(Lưu Trang)

Trường sư phạm cần có khóa học bồi dưỡng cho GV chuyên biệt

Tôi được biết chỉ có ở các trường sư phạm lớn như ĐHSP TP HCM là có khoa chuyên biệt để đào tạo giáo viên dạy trẻ chuyên biệt. Đa số sinh viên ra trường gắn bó với nghề không lâu. Đọc bài báo này, tôi rất cảm phục cho các cô đã chọn con đường đi lắm gian truân: dạy cho trẻ tự kỷ! Các cô thường được mời dạy từ những gia đình có thu nhập cao. Nếu không may những gia đình có thu nhập thấp có trẻ bị mắc chứng tự kỷ thì sẽ khó khăn hơn để dạy cháu. Tôi nghĩ các trường sư phạm cần biên soạn giáo trình và phổ biến rộng rãi hay tổ chức những lớp học ngắn hạn để bồi dưỡng cho lực lượng giáo viên này. Ngoài ra, các tổ chức xã hội cần quan tâm, hỗ trợ trẻ tự kỷ hơn như cung cấp thú nuôi được huấn luyện cho các em làm bạn, tổ chức các buổi hợp mặt để các cô có dịp chia sẻ kinh nghiệm… (Đàm Thị Xuân Uyên)

Theo: (Giáo dục/TTO)

Bài liên quan

Nghề bảo mẫu : Cô nuôi dạy trẻ.

(Hiếu học). Dẫu biết thực tế không phải lúc nào cũng đầy màu hồng như trong ca khúc nổi tiếng “Cô đi nuôi dạy trẻ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhưng nghề nuôi dạy trẻ vẫn là lựa chọn của không ít phụ nữ.

Chữa lành những trái tim tổn thương

Mỗi sản phẩm được gắn một vòng dây xâu chuỗi những trái tim với ý nghĩa “Chữa lành những trái tim bị tổn thương”. Ám ảnh về những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi ở Việt Nam, một tiến sĩ sử học Mỹ, bà Marichia đã dành mọi tâm huyết, tài sản của hai vợ chồng để dạy nghề, tạo việc làm cho trẻ khuyết tật và phẫu thuật cho bệnh nhân tim. 

Cùng chuyên mục