Nghề Ngoại giao: Tinh tế và Sắc sảo

(hieuhoc_hieuhoc.com): Người ta gọi nghề ngoại giao là nghề được “đi mây về gió”, tới nhiều quốc gia, nhiều lãnh thổ, được tiếp xúc nhiều người và đôi khi là “bộ mặt” của cả một công ty hay một quốc gia nào đó. Những yếu tố ấy khiến nghề ngoại giao hấp dẫn rất nhiều bạn trẻ. Nhưng bạn đã hiểu gì về thực chất của ngoại giao- một nghề nghiệp lôi cuốn nhưng mang đầy thử thách?

Vậy ngoại giao là gì?

Ngoại giao là một nghệ thuật trong đàm phán, dàn xếp thương lượng giữa những người đại diện cho một nhóm hay một quốc gia. Thuật ngữ này thông thường đề cập đến quan hệ ngoại giao quốc tế. Việc chỉ đạo, thực hiện các mối quan hệ quốc tế thông qua sự can thiệp hay hoà giải của các nhà ngoại giao liên quan đến các vấn đề như kinh tế, thương mại, văn hoá, du lịch, chiến tranh và tạo nền hòa bình … Các hiệp ước quốc tế trước tiên thường được các nhà ngoại giao đàm phán trước khi được chính trị gia của các nước xác nhận chính thức.

Về mặt xã hội, ngoại giao là việc sử dụng tài xử trí, ứng biến để giành được sự thuận lợi, là một công cụ tạo ra cách diễn đạt các tuyên bố hay truyền đạt thông điệp một cách không đối đầu, mà là một cách cư xử lịch thiệp.

Nghề ngoại giao cần những yếu tố nào?

Nghề ngoại giao là nghề đòi hỏi cho các bạn trẻ phải hoàn thiện mình nhiều nhất. Ngoại giao đòi hỏi con người phải cẩn thận và chăm chỉ. Không những thế, họ cần phải bình tĩnh, điềm đạm, sâu sắc trong từng công việc, luôn sẵn sàng lắng nghe người đối diện nói gì mỗi khi họ đàm phán song phương. Khả năng nhận thức của người làm ngoại giao sẽ tăng lên bởi công việc bắt buộc họ phải nhìn nhận sự việc một cách chính xác nhất. Họ nên biết mình đang làm gì và tìm ra con đường ngắn nhất để đạt được mục đích của mình, không được đưa ra những mánh khóe không cần thiết cho những người mà mình đang đàm phán với họ. Ngoài ra, sáng suốt là yếu tố hàng đầu giúp nhà ngoại giao thành công. Một nhà ngoại giao tài ba, cần phải nhạy cảm để đoán được những ý nghĩ của người khác, biết kiềm chế cảm xúc của mình và nhạy bén để có thể trả lời những câu hỏi bất ngờ, không thể nào lường trước được. Đôi khi, trong công việc, các nhà ngoại giao sẽ đối mặt với những câu hỏi nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến một nhóm hay một quốc gia. Vì thế, nhà ngoại giao nên cẩn thận và phán xét kỹ lưỡng trước khi trả lời.

Anh Nguyễn Đức Tiến đã đỗ kỳ thi tuyển công chức Bộ Ngoại giao 2006 và hiện đang công tác tại Ban Nghiên cứu tâm sự: “Tôi chọn ngoại giao vì cảm thấy mình phù hợp với ngành này. Môi trường nghiên cứu giúp tôi phát huy tối đa những kiến thức và khả năng của bản thân. Nói chung công tác ngoại giao khó khăn và vất vả, đòi hỏi có sự đam mê. Nếu chỉ để biết thôi thì tốt nhất đừng nên vào ngành ngoại giao làm gì”.

Phạm Thùy Trang đã đỗ kỳ thi tuyển công chức Bộ Ngoại giao năm 2006 và hiện đang là chuyên viên Vụ Châu Mỹ. Sau gần một năm làm việc, Trang cho biết công việc hiện tại của cô khá tốt, gần đúng như những gì đã tưởng tượng khi còn là sinh viên Học viện Quan hệ quốc tế. Trang bộc bạch: “Làm việc ở đây, tôi có điều kiện phát huy nhiều nhất những gì mình đã được học trong trường”.
Bất cứ nghề nào dù khó khăn đến đâu, cũng thu hút được nhiều giới trẻ chọn lựa. Việc chọn nghề ngoại giao cho tương lai đòi hỏi bạn phải có một quá trình tích lũy nghiệp vụ và kiến thức. Những năng khiếu bẩm sinh của bạn như tinh tế, linh hoạt, có khả năng thuyết phục và có duyên trong ăn nói sẽ giúp bạn ngày một nâng cao kinh nghiệm của mình trong nghề ngoại giao. Ngoại giao sẽ giúp bạn bỏ bớt những tính nóng nảy, hấp tấp, thiếu kiên trì, nhút nhát, vụng về khi đứng trước công chúng hay khả năng giao tiếp còn yếu.

Trải qua một thời gian công tác, nhiều cán bộ ngoại giao trẻ đã tìm thấy cho mình sự hứng thú đối với công việc và một môi trường phát huy những kiến thức đã được học. Họ lựa chọn con đường ngoại giao trước hết xuất phát từ sự đam mê và cảm thấy công việc phù hợp với mình.
Cũng như ở các ngành nghề khác trong xã hội, những cán bộ ngoại giao trẻ mới vào nghề không tránh khỏi bỡ ngỡ khi làm quen với công việc. Những chuyên viên tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế có lợi thế là được đào tạo cơ bản về quan hệ quốc tế và nghiệp vụ ngoại giao nên hoà nhập nhanh hơn vào môi trường đối ngoại cấp nhà nước.

Tuy nhiên, công tác ngoại giao đa dạng, phong phú với rất nhiều công việc không tên và có tên nên để đảm bảo hiệu quả hoạt động, ngay sau khi kết thúc kỳ thi tuyển công chức, Bộ Ngoại giao tổ chức một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn kéo dài 2 tháng dành cho các thí sinh trúng tuyển.

Học nghề ngoại giao ở đâu?

Nếu bạn cảm thấy đây là công việc phù hợp và cho bạn phát huy hết khả năng của mình thì hãy đăng ký vào các trường sau – nơi sẽ đào tạo cho bạn trở thành một nhà ngoại giao đầy tài ba và bản lĩnh.

– Học viện Quan hệ Quốc tế

Địa chỉ: 69 phố Chùa Láng – Đống Đa, Hà Nội. Website: www.iir.edu.vn

– BM Quan hệ Quốc tế – ĐH. KHXH&NV TP.HCM

Địa chỉ: Phòng A106, 10 – 12 – Đinh Tiên Hoàng – Q.1 – TP.HCM; Tel: 08.9104946; Fax: 08.221903; E-mail: fir.ussh@gmail.com ; qhqt@hcmussh.edu.vn; website: www.hcmussh.edu.vn

Cùng chuyên mục