Quảng cáo, tiếp thị du lịch & khách sạn trực tuyến

(hieuhoc_hieuhoc.com) Việt Nam đang tiếp tục là một trong các thị trường du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á và thị trường này còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, việc quảng cáo, tiếp thị du lịch trên Internet hiện nay còn hạn chế, chưa phát triển được tiềm năng của loại hình dịch vụ trực tuyến này.

Trong các năm sắp tới Việt Nam sẽ là một trong những thị trường du lịch có tốc độ phát triển hàng đầu trong khu vực. Việt Nam trở thành 1 trong 4 quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng du lịch cao nhất trên thế giới và dự báo sẽ vượt chỉ tiêu đón 4,2 triệu lượt khách năm 2010. (Vietnamtourism.com)

Du lịch Việt Nam tăng trưởng ấn tượng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9/2010 đạt 383.463 lượt khách, tăng 26% so với tháng 9/2009. Trong đó, lượng khách đến bằng phương tiện đường không đạt 303.463 lượt; đường biển đạt 5.000 lượt và đường bộ đạt 75.000 lượt khách.

Tính chung cho 9 tháng đầu năm 2010, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3.731.919 lượt, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, tất cả các thị trường khách đều tăng so với cùng kỳ năm 2009 như Campuchia tăng 92,2%, Trung Quốc tăng 89,2%, Thái Lan tăng 39,5%, Hàn Quốc tăng 29,4%, Australia tăng 27,9%, Malaysia tăng 23,1%, Đài Loan tăng 20,7%, Nhật Bản tăng 18,7%, Pháp tăng 12%, Mỹ tăng 2,4%.

Có được kết quả trên, theo các nhà làm du lịch là do sự thuận lợi, nỗ lực của các yếu tố như: sự kiện Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thực hiện chương trình “Việt Nam điểm đến của bạn”, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và khu vực và nguồn khách dịch chuyển từ Thái Lan sang Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu của Du lịch Việt Nam năm 2010 là đón 4,2 triệu lượt khách quốc tế, ngành du lịch cũng đã có các chương trình giới thiệu hình ảnh ra nước ngoài. Tuy nhiên, việc quảng cáo, tiếp thị du lịch trên Internet hiện nay còn hạn chế, chưa phát triển được tiềm năng của loại hình dịch vụ trực tuyến này.

Tiếp thị khách sạn trên internet

Dịch vụ trực tuyến có ưu điểm là giúp khách sạn thay đổi và cập nhật những hình ảnh mới nhất về sản phẩm, dịch vụ một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó những thông tin hữu ích khác về du lịch và điểm đến đăng tải trên trang web của khách sạn cũng được thay đổi thường xuyên.

Tỷ lệ bán phòng khách sạn qua mạng Internet ở Việt Nam mặc dù còn khá khiêm tốn nhưng dịch vụ này đang được các khách sạn tập trung phát triển bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống. Với doanh nghiệp thì đây là xu hướng tất yếu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn; với người sử dụng thì sự đơn giản, nhanh chóng chỉ là hai trong số nhiều yếu tố khuyến khích họ đặt phòng qua mạng.

Hầu hết khách sạn hạng ba sao trở lên ở Việt Nam đều phát triển kênh bán phòng trực tuyến bên cạnh các hình thức phổ biến trước nay là nhận yêu cầu đặt phòng của khách qua điện thoại hay bán phòng qua các công ty du lịch, lữ hành. Việc bán phòng trực tuyến có thể thông qua trang web của khách sạn, khu nghỉ dưỡng hoặc qua trang web của hệ thống phân phối toàn cầu GDS (Global Distribution System). Du khách cũng có thể sử dụng trang web của các công ty du lịch hay các trang web chuyên về dịch vụ bán phòng khách sạn để mua dịch vụ.

Khách sạn Renaissance Riverside Saigon (TP.HCM) đã cung cấp dịch vụ bán phòng qua Internet từ năm 1999. Hiện tỷ lệ khách đặt phòng qua mạng chiếm 40% tổng số lượng phòng được khách đăng ký lưu trú tại khách sạn. (agents.buffalotours.com)

Có một thực tế là số du khách nước ngoài hiện đang đặt phòng khách sạn tại Việt Nam qua hệ thống trực tuyến nhiều hơn khách hàng trong nước. Một trong những lý do chính là lượng khách hàng chủ đạo của các khách sạn cao cấp tại các thành phố lớn ở Việt Nam là người nước ngoài và Việt kiều. Ngoài việc so sánh để có được giá cả dịch vụ tốt nhất, khách hàng có thể đặt phòng bất kể nơi nào, giờ nào mà không cần phải gọi điện thoại đến khách sạn để hỏi thông tin.

Tiện ích cho khách hàng

Một trong những ưu điểm của dịch vụ bán phòng trực tuyến là các trang web cung cấp dịch vụ đều cập nhật khá đầy đủ thông tin về dịch vụ lưu trú tại các vùng miền, thành phố hay địa danh du lịch của nơi mà du khách muốn đến. Chẳng hạn, nếu muốn tìm hiểu về phòng nghỉ của một khách sạn nào đó ở miền Trung, du khách sẽ chọn một thành phố mình muốn đến, từ đó có thể chọn khách sạn theo nhu cầu. Sau một số thao tác như nhập thông tin ngày đặt phòng, ngày trả phòng, số lượng phòng, trang web sẽ cho du khách biết liệu khách sạn có còn phòng trống trong thời điểm đó hay không và giá cả là bao nhiêu. Tùy vào mỗi khách sạn mà hình thức thanh toán trực tuyến sẽ được áp dụng ra sao, nhưng phổ biến hơn cả vẫn là thông qua thẻ ghi nợ quốc tế.

Một tiện ích khác của dịch vụ này, đó là người sử dụng có thể xem thông tin về tất cả các khách sạn cùng hạng trong thành phố mình định đến, qua đó có thể so sánh giá phòng, tìm hiểu về các dịch vụ mà khách sạn sẽ cung cấp trước khi đưa ra quyết định đặt phòng. Nhiều trang web còn cung cấp bản đồ mô tả vị trí của khách sạn, bản đồ thu nhỏ một số điểm du lịch nổi tiếng trong thành phố và cả lời giới thiệu tóm tắt về những quy định, tập quán của địa phương để giúp những du khách đi lần đầu bớt phần bỡ ngỡ.

Cần chú trọng việc quảng bá hình ảnh Việt Nam tại thị trường quốc tế.

Việc quảng cáo, tiếp thị du lịch & khách sạn trên Internet của Việt Nam vẫn còn ít ỏi và chưa đa dạng; các trang web mới chỉ phục vụ chủ yếu cho doanh nghiệp trong nước, chưa có nhiều trang web phục vụ cho đối tượng nước ngoài, nhất là các dịch vụ về du lịch.

Kinh nghiệm của các nước có nền du lịch phát triển cho thấy, số người sử dụng internet ngày càng tăng nên các trang web đóng vai trò rất quan trọng. Thông tin chi tiết trên các website giúp mọi người chủ động kế hoạch cho chuyến du lịch, từ đó tiết kiệm thời gian mà vẫn có thể tiếp cận, khám phá được những chương trình du lịch thú vị

Ngoài ra, còn có xu hướng du lịch “bụi”, du lịch ‘tự lo” (họ tự lên mạng đặt khách sạn, mua vé máy bay rồi đến thẳng khu nghỉ nào đó chơi mà không cần đặt tour trọn gói của các công ty du lịch). Bởi thông qua Internet, du khách có thể đến thẳng các nhà cung cấp dịch vụ tận gốc, tìm đến các khách sạn, khu nghỉ có ưu đãi, có khuyến mãi cho khách hàng. Đây cũng là xu hướng tất yếu khi khách tìm hiểu đủ thông tin thì họ sẽ tự đi vì du khách sẽ được lợi khi đi du lịch theo kiểu này. Xu hướng này phát triển làm cho khách đi theo tour của các công ty lữ hành giảm nhiều, nhưng điều này lại thêm lý do cho các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cần thiết phải tăng cường quảng bá tiếp thị trên internet

Nhận định về xu hướng phát triển kinh doanh du lịch trực tuyến, giới kinh doanh cho rằng nhu cầu du lịch ngày càng tăng và xu hướng sử dụng Internet trong các hoạt động thường nhật cũng ngày càng phổ biến rộng rãi, chính vì lẽ đó mà việc sử dụng các loại hình dịch vụ này sẽ ngày càng được nhân rộng.

Như Lịch tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Quản trị Du Lịch và Khách Sạn

(Hiếu học) Quản trị Du lịch - Khách sạn - Nhà hàng làm việc ở cương vị quản lý trong các lĩnh vực dịch vụ như giám đốc nhà hàng, khách sạn, giám đốc quan hệ khách hàng, giám đốc sales & marketing ngành dịch vụ, giám đốc sự kiện ngành dịch vụ…

Học ngành quản lý khách sạn.

(Hiếu học). Quản lý khách sạn là một trong những ngành quản trị được nhiều sinh viên yêu thích. Theo một thống kê gần đây, ngành công nghiệp khách sạn là ngành phát triển nhanh nhất trong tất cả các ngành công nghiệp trên thế giới. Số khách du lịch không ngừng tăng; và theo dự đoán, lượng người đi du lịch trong năm sau sẽ lên đến con số 1 tỷ.

Cùng chuyên mục