Siêu thu nhập của giáo viên thành phố

Lương thấp, nhưng tại các thành phố lớn, không ít những giáo viên sống sung túc hoàn toàn bằng nghề!

Nghề Y: Thu nhập của bác sỹ, y tá

Chọn nghề dạy học: Không luẩn quẩn với tiền.

“Chân ngoài” dài hơn “chân trong” mấy chục lần?

Tiểu học K.D là một trường luôn nằm trong tầm ngắm của nhiều phụ huynh khi có con bắt đầu vào lớp 1. Trên các diễn đàn, rất nhiều thông tin liên quan đến trường này được các phụ huynh truyền tai nhau, trong đó đáng chú ý nhất là muốn con vào được trường điểm này (xin học trái tuyến), ngoài “quan hệ” quen biết sẵn có, mỗi người phải mạnh tay móc hầu bao chi thêm 1.000 USD/suất.

Còn với các giáo viên dạy các bộ môn, cách tăng thu phổ biến là dạy thêm (dưới mọi hình thức: dạy thêm ở nhà riêng, dạy thêm tại trường, dạy thêm ở các trung tâm, vv…). Tuy nhiên, không chỉ có giáo viên trực tiếp giảng dạy mới có thể tăng thu nhờ dạy thêm mà ngay cả những người làm quản lý giáo dục trong các trường học cũng hưởng lợi lớn từ việc này.

Trong đề tài “Nghiên cứu những hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm – học thêm và đánh giá hiệu quả các giải pháp quản lý đối với các hiện tượng tiêu cực đó trong giáo dục phổ thông ở TP.HCM” tiến hành năm 2004 của TS Nguyễn Thị Quỵ (Viện Nghiên cứu Giáo dục, ĐHSP TP HCM), một số liệu cho thấy có 45,3% học sinh ở TP HCM học thêm ở trường.

Với hình thức dạy thêm ở trường, trong số tiền học thêm mà học sinh phải đóng có một khoản tiền gọi là “Quản trị phí”. Ban lãnh đạo trường có thể thu đến 15%-20% (và có nơi đến 40%) số tiền học phí học thêm, và khoản thu này gọi là “quản trị phí”. Ban giám hiệu hưởng quản trị phí này, tính ra có thể đến mấy chục triệu đồng một tháng cho mỗi người!

Sau giờ học chính trên trường là giờ học thêm bên ngoài (Ảnh minh họa)

Còn đối với thu nhập của giáo viên từ việc dạy thêm hiện nay, theo khảo sát của VietNamNet, mức này phụ thuộc các yếu tố như: Môn học, cấp học, độ “nổi tiếng” của các thầy cô, …

Đối với việc dạy thêm ở trường, thông thường các thầy cô có thu nhập thêm từ 3-5 triệu đồng/tháng. Nghiên cứu năm 2004 của TS Quy cũng cho thấy: Ở các thành phố lớn, mức thu trung bình qua dạy thêm của một giáo viên có thể đến 4-6 triệu/tháng, ở những chỗ khác có thể là 1-3 triệu/tháng.

Nhưng với những thầy cô đã có tiếng một chút thì hình thức dạy thêm phổ biến là dạy thêm ngay tại nhà hoặc lập nhóm để dạy thêm một cách quy mô.

Tại một trong những trường THPT “danh giá” của Hà Nội là HN-Ams, không học sinh nào không biết tiếng cô V.A, thầy V. dạy toán, cô N. dạy văn. Không chỉ tự tổ chức lớp học tại nhà riêng, hiện nay, nắm được nhu cầu học theo khối của học sinh, đã có những nhóm thầy cô mà mỗi người là người dạy khá/giỏi nhất một môn ở trường đã tự lập thành một nhóm rồi tổ chức dạy các môn như Toán, Văn, Anh cho học sinh có nhu cầu.

Các lớp học này trên phố Núi Trúc luôn đông đúc nhưng không ai không muốn vào. Bởi đây đều là những thầy cô dạy tốt nhất trường đứng ra mở lớp.

Theo tìm hiểu, thù lao cho một ca dạy thêm một lớp từ 50-60 học sinh tại đây không có giá dưới 1 triệu. Thậm chí, có một số giáo viên trong trường này còn “rỉ tai” nhau về mức thu nhập 60-70 triệu/tháng (gồm cả dạy thêm tập trung lẫn dạy tại nhà) của những giáo viên có chuyên môn rất tốt này.

Với một thầy giáo dạy Toán có tiếng ở trường THPT K.L, nơi khá nhiều học sinh THPT đang theo học thì chỉ cần chậm chân là thầy đã không nhận bởi lớp học luôn trong tình trạng quá tải. Thầy thường duy trì lớp với sĩ số khoảng 12-15 học sinh, mỗi buổi học kéo dài 2 tiếng, giá mỗi buổi học là 600 ngàn đồng. Dạy kín cả tuần vào các buổi chiều tối (6h-8h), tính sơ sơ mỗi ngày 1 buổi thì thu nhập 1 tuần của thầy là trên 4 triệu đồng. Tính cả lương tháng, phụ cấp đứng lớp và thu nhập từ việc dạy thêm ở nhà của thầy giáo này cũng rơi vào khoảng 20 triệu đồng.

Chạy sô dạy thêm ở các lò luyện là cách tăng thu được nhiều giáo viên, giảng viên lựa chọn (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, các thầy cô có tiếng cũng có thể đi dạy ở các trung tâm dạy thêm. Học sinh học thêm ở các trung tâm ở HN thường rỉ tai nhau về thầy T.V.B, dạy chuyên toán một trường ở quận Hà Đông, nổi tiếng về việc “chạy sô” dạy thêm và theo mô tả của học sinh thì thầy chuyên nghiệp đến độ “từ lúc bước vào lớp đến lúc ra về thầy chỉ nói và viết, sau đó ra về, cả buổi thậm chí không nhìn xuống lớp”.

Có những ngày thầy B. dạy thêm đến 3 ca ở trung tâm mà giá mỗi ca như thế cũng không dưới ít nhất là 500 ngàn đồng. Nếu duy trì được nhịp độ này, mỗi ngày thầy B. thu về 1,5 triệu. Tính ra, một tháng thu nhập của thầy B. đã gấp mấy lần cả năm lương Nhà nước trả thầy ở trường thầy đang công tác.

Theo những người công tác lâu năm trong ngành giáo dục, những trường hợp có thu nhập cao như thầy B. ở trên “không hiếm tí nào”, bởi nhu cầu học tập của xã hội ngày càng lớn với nhiều mức độ và hình thức khác nhau!

Ngay từ năm 2004, nghiên cứu về thực trạng dạy thêm học thêm ở TP HCM đã cho thấy một thông tin đáng chú ý: có thầy nổi tiếng có tháng kiếm được đến 200 triệu đồng qua dạy thêm nhờ mật độ dạy thêm dày đặc!

Ngao ngán nhìn lương

Tổng thu nhập thực tế của một số thầy/cô dạy Toán, Văn tại trường HN-Ams có khả năng “gây sốc” cho giới giáo viên nhưng lương Nhà nước trả họ cũng rất “thường thường”: Thầy V. đã gần 50 tuổi, lương cũng chỉ được 3,6 triệu/tháng. Còn cô V.A năm nay đã gần về hưu nhưng lương cũng chỉ vỏn vẹn 3,9 triệu/tháng.

Tại một trong những trường điểm của Hà Nội là Tiểu học K.D, có những giáo viên sinh năm 1971 vẫn đang nhận mức lương 1,3 triệu/tháng. Ngay cả Hiệu trưởng của trường Tiểu học này năm nay đã 48 tuổi, công tác trong ngành được trên 20 năm mức lương (đã bao gồm cả phụ cấp chức vụ) cũng chỉ vỏn vẹn 3,4 triệu đồng/tháng. Còn lại đại đa số đều dừng ở mức trên 2 triệu đồng/tháng.

Thâm niên hơn Hiệu trưởng trường Tiểu học K.D 10 năm nhưng Hiệu phó trường Tiểu học K.L, một trong những trường tiểu học top đầu của TP Hà Nội, cũng dừng ở mức gần 3,7 triệu/tháng (đã bao gồm phụ cấp chức vụ), tức chênh nhau 300 ngàn/tháng. Số giáo viên có mức lương trên 3 triệu/tháng ở trường này chỉ đếm trên đầu ngón tay và đó đều là những người đã sắp nghỉ hưu.

Các trường THPT, do được thực hiện nghị định 43 về tự chủ tài chính, thu nhập của giáo viên có tăng thêm một chút (khoảng 300 đồng/tháng).

Với trường mầm non, tiểu học, THCS thì ngoài lương và phụ cấp đứng lớp (30%) do ngân sách Nhà nước chi trả không có thêm các khoản thu nào vì không thực hiện tự chủ tài chính.

Tại trường Tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội), bằng các cách tiết kiệm chi phí, kết hợp với việc mở dịch vụ dạy tiếng Anh Phonics – LBUK và thu tiền học phí, ông Đỗ Quang Hợp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khoản dư thừa do tiết kiệm, không sử dụng hết ngân sách nhà nước và khoản thu học phí học tiếng Anh này không phải được dùng để tăng thu cho giáo viên mà cho vào quỹ bình ổn lương dịp nghỉ hè hoặc tạo điều kiện để cho cán bộ công nhân viên nhà trường được đi nghỉ mỗi năm một lần vào dịp hè”.

Cũng theo ông Hợp, ngoài dịch vụ học tiếng Anh như trên, trường tiểu học cát Linh không có thêm bất kỳ một dịch vụ xã hội hóa giáo dục nào để tăng thu cho giáo viên.

“Có cái gì đó không ổn”

“Phải nói những thầy cô kiếm tiền giỏi là những người có chuyên môn giỏi, họ xứng đáng được đãi ngộ cao. Xã hội lại có nhu cầu thì dạy thêm – học thêm là tất yếu và bản chất của nó cũng không có gì xấu. Nhưng nhìn ở khía cạnh khác, tôi thấy cái tâm của giáo viên hiện nay đã bị tiền làm cho thay đổi nhiều rồi.

Ngày nay chúng ta khó mà tìm được những thầy cô nghèo mà vẫn hết lòng hết sức như cái thời học phổ thông của GS Ngô Bảo Châu nữa. Ngay tại ngôi trường nổi tiếng, danh giá mà tôi đã từng dạy, phải nói các thầy cô có nhiều học sinh kéo đến học thêm đúng là dạy giỏi thật, nhưng trên lớp họ dạy qua loa thôi, dạy cầm chừng để kéo học sinh đến lớp học thêm. Ai không đi thì điểm sẽ kém”, một giáo viên đã nghỉ hưu (đề nghị giấu tên) đã thẳng thắn bộc bạch.

Từ thực tế trên, vị giáo viên đã nghỉ hưu nhìn nhận: “Những khoản thu khổng lồ như thế, chúng ta không kiểm soát được. Có quá nhiều thứ không ổn, không minh bạch trong chuyện dạy thêm học thêm hiện nay”.

Cũng theo vị giáo viên này, để chứng minh được giáo viên dạy cầm chừng trên lớp để kéo học sinh đến lớp học thêm là vô cùng khó. Thế nào là dạy cầm chừng? Thế nào là dạy qua loa? .. Chỉ có học sinh là đối tượng duy nhất đánh giá được thầy cô đó đã dạy mình trên lớp khác với dạy mình ở chỗ học thêm như thế nào.

Nhận định này cũng khá trùng hợp với kết quả khảo sát năm 2004 tại TP HCM cho thấy có tới gần một nửa (chiếm 44,2%) số học sinh được hỏi cho rằng học thêm thực chất là học kỹ hơn các nội dung đã học trên lớp, để hiểu rõ hơn những kiến thức và kỹ năng chưa được giảng dạy và luyện tập kỹ trong giờ học chính khóa.

Trong khi đó, có 1/4 giáo viên được hỏi trong đợt khảo sát này (chiếm 25,9%) cũng đã thừa nhận rằng việc dạy thêm tràn làn như hiện này đã “dẫn đến những tiêu cực ở một số giáo viên”.

Những tiêu cực đó là: phân biệt đối xử giữa học sinh có đi học thêm và không đi học thêm; không dạy hết chương trình quy định mà đem một phần chương trình vào dạy trong giờ học thêm.

Đặc biệt, khi lương chính thức thì quá thấp nhưng thu nhập do dạy thêm quá cao (bằng nhiều lần lương chính thức) thì dạy thêm lúc này không chỉ là một biện pháp tăng thu nhập mà đã trở thành một công việc hấp dẫn, hấp dẫn hơn cả việc dạy chính trên lớp khiến giáo viên lơ là nhiệm vụ của mình hoặc làm qua quýt cho hoàn thành nghĩa vụ.

Theo: Thu nhập ‘siêu khủng’ của giáo viên thành thị (Vnnet)

Bài liên quan

Nghề Y: Thu nhập của bác sỹ, y tá

Thu nhập của bác sỹ, y tá (bao gồm cả lương và phúc lợi bệnh viện) rất thấp (so với mặt bằng chung của toàn xã hội). Nhưng thực tế là các bác sỹ vẫn sống tốt!

Tuyển sinh 2010: Ngành Giáo dục – Sư phạm.

(Hiếu học). Hàng năm số thí sinh đăng ký dự thi vào ngành Sư phạm – Giáo dục khoảng hơn 20.000 hồ sơ. Khối Sư phạm gồm các môn: Toán, lý, hóa, sinh, ngữ văn, tin học… và khối Khoa học Giáo dục gồm: Giáo dục học, tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tâm lý…

Nỗi lo đầu vào Sư phạm?

(Hiếu học). Số lượng thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) vào các trường sư phạm ngày càng giảm. Những năm gần đây, số thí sinh ĐKDT vào các trường, ngành sư phạm ngày càng thấp. Đầu vào thấp, dự báo ảnh hưởng tới chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai!

Nghề diễn giả: Màu nào cũng đẹp!

(hieuhoc_hieuhoc.com) Làm nghề diễn giả phải hội đủ các điều kiện như có khả năng diễn thuyết; có kiến thức, có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực diễn thuyết và đặc biệt phải biết “diễn” đúng tâm lý ham thích của khán giả thì mới có thể lôi cuốn được người nghe.  

Cùng chuyên mục