Ngành Công nghệ vũ trụ

Việt Nam đã và sẽ gửi các nghiên cứu sinh sang học tập tại những nước có ngành Công nghệ vũ trụ phát triển như Mỹ, Nga, Nhật… Các trường ĐH Công nghệ, ĐH FPT cũng đã mở bộ môn chuyên giảng dạy Công nghệ vũ trụ, khóa đầu tiên sẽ tốt nghiệp trong một, hai năm tới…

(Hình: Khoahoc.com)

* Khởi động dự án Trung tâm Vũ trụ VN

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định thành lập Ủy ban Vũ trụ VN. Đây sẽ là tiền đề để VN nghiên cứu, ứng dụng và chinh phục công nghệ vũ trụ (CNVT) trong tương lai không xa.

Ủy ban Vũ trụ VN có 13 thành viên, do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) làm Chủ tịch. Ủy ban là tổ chức tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề liên ngành trong việc thực hiện “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020”. Đồng thời có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về chương trình, kế hoạch và các biện pháp thực hiện chiến lược cho từng thời kỳ…

Sẽ tiến nhanh và nổi danh

Thứ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Văn Lạng cho biết: “Ủy ban Vũ trụ ra đời sẽ định hướng chiến lược phát triển nghiên cứu khoảng không; khai thác khoảng không đất nước; phát triển các sản phẩm thông tin từ công nghệ vũ trụ, tàu vũ trụ… Bên cạnh đó, ủy ban sẽ là cơ quan đại diện của VN tạo mối quan hệ với các tổ chức quốc tế về CNVT của Nga, Mỹ, Nhật…”.

“Ủy ban Vũ trụ ra đời sẽ định hướng chiến lược phát triển nghiên cứu khoảng không; khai thác khoảng không đất nước; phát triển các sản phẩm thông tin từ công nghệ vũ trụ, tàu vũ trụ…” Thứ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Văn Lạng

TS Doãn Minh Chung, Viện trưởng Viện CNVT (Viện Khoa học – Công nghệ VN) cho rằng, đối với mỗi quốc gia, việc ứng dụng CNVT rất quan trọng trong việc quan sát trái đất, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, cháy rừng, an ninh quốc phòng… Chỉ có ứng dụng CNVT, các nhà khoa học mới có thể quan sát, theo dõi, dự đoán, phân tích và đưa ra những lời giải nhanh và kịp thời nhất. Theo TS Chung, không chỉ có các quốc gia phát triển mới đầu tư vào CNVT, một số nước nghèo ở châu Á và châu Phi cũng mạnh dạn đầu tư cho CNVT. “Cùng với việc ban hành Chiến lược Nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020, sự ra đời Ủy ban Vũ trụ thời điểm này là kịp thời và cần thiết”, TS Chung nhấn mạnh, và chia sẻ: “Với sự quan tâm của Chính phủ, việc đầu tư phát triển CNVT và sự ra đời của Ủy ban Vũ trụ, tôi tin chắc chắn VN sẽ có bước tiến nhanh và nổi danh trong lĩnh vực này”.

Khởi động dự án Trung tâm Vũ trụ VN

Theo “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 VN sẽ làm chủ công nghệ chế tạo các trạm mặt đất, tự chế tạo các trạm mặt đất có giá cạnh tranh; làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất; làm chủ được công nghệ và kỹ thuật tên lửa; đào tạo được đội ngũ cán bộ trình độ cao, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ vũ trụ ở VN… Đưa các ứng dụng của CNVT vào phục vụ rộng rãi và thường xuyên cho nhu cầu của các ngành sản xuất, dịch vụ, giáo dục, y tế…

Một trong những dự án khởi động đầu tiên thực hiện có hiệu quả “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020” là dự án Khu nghiên cứu, triển khai CNVT VN đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc do Viện CNVT triển khai. Theo đề án, trung tâm sẽ được xây dựng trên diện tích 9 ha, triển khai trong giai đoạn 2010 – 2017. Tổng kinh phí của dự án là 350 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản, với 14 khu chức năng như: trung tâm chế tạo, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh, khu vực thử nghiệm từ trường, trung tâm điều khiển và ứng dụng vệ tinh và nhà mô hình đài thiên văn…

Hiện tại, những công việc cần thiết cho việc xây dựng trung tâm đã hoàn tất. Từ năm 2012 – 2017 sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đội ngũ chuyên gia. Dự kiến, đến năm 2017, VN sẽ làm chủ công nghệ và tự chế tạo được vệ tinh nhỏ dưới 500 kg có khả năng chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ rada và quang học. Khi đi vào khai thác, trung tâm sẽ thực hiện các nhiệm vụ: giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, thảm họa môi trường; dự báo sản lượng nông nghiệp và nguồn lợi hải sản, nhằm phục vụ cho hoạch định chiến lược phát triển bền vững trong nông nghiệp và đánh bắt thủy – hải sản; cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và quy hoạch đất đai; xây dựng các hệ thống dẫn đường; nghiên cứu và phòng, chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo TS Phạm Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện CNVT, Trưởng ban Quản lý dự án Trung tâm Vũ trụ, đây sẽ là trung tâm nghiên cứu triển khai, đào tạo khoa học và CNVT hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á; có thể giảm thiểu được 10% thiệt hại do các thảm họa thiên tai gây ra. Đồng thời VN trở thành một trong những nước có khả năng tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất có độ phân giải cao tiên tiến trên thế giới, qua đó thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ cao cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ.

Để phát triển CNVT tại VN, TS Doãn Minh Chung cho biết, cần phải quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực vì đến nay nhân lực trong ngành này chưa nhiều. Thứ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Văn Lạng cũng cho hay, VN có khoảng gần 200 người được đào tạo về lĩnh vực này tại các nước trên thế giới, chủ yếu là học tại các nước thuộc Liên Xô (cũ). VN đã và sẽ gửi các nghiên cứu sinh sang học tập tại những nước có CNVT phát triển như Mỹ, Nga, Nhật… Còn trong nước, các trường ĐH Công nghệ, ĐH FPT cũng đã mở bộ môn chuyên giảng dạy CNVT. Khóa đầu tiên sẽ tốt nghiệp trong một, hai năm tới…

Theo: Khởi động dự án Trung tâm Vũ trụ VN (TNO)

Cùng chuyên mục