Nhân lực có trình độ ngành dệt may hiện đang rất thiếu

(Hiếu học) Theo thống kê, năm 2010 doanh số xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam là hơn 9 tỷ USD. Đây là một trong những ngành có doanh số xuất khẩu liên tục tăng trong nhiều năm và thuộc nhóm hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất của Việt Nam.

Nhân lực có trình độ ngành dệt may hiện đang rất thiếu. (Hình VTC)

Hiện nay xu thế người tiêu dùng ngày càng chi tiêu nhiều hơn cho quần áo, ăn mặc vì vậy thị trường việc làm của ngành này là rất lớn. Thực tế ngành dệt may đang rất thiếu các kỹ sư dệt. “Học dệt may không phải ra trường làm công nhân các nhà máy may với thu nhập thấp. Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật dệt may ra trường sẽ làm thiết kế dây chuyền và các quy trình dệt may, thiết kế vải sợi, thiết kế sản phẩm dệt may với mức lương rất cao”, thầy Sơn (PGS.TS Hoàng Minh Sơn, trưởng phòng đào tạo ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết.

Với kim ngạch xuất khẩu trên 11,2 tỉ USD trong năm 2010, tăng hơn 23% so với năm trước, Việt Nam là một trong năm nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới. Ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, năm 2011, các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật đều tăng nhập khẩu, các nước ở châu Á, châu Phi, Trung Đông cũng đặt hàng nhiều hơn. Ông Hồng cho rằng, tuy chịu sức ép cạnh tranh ở các nước có nguồn nhân lực rẻ như Bangladesh, Pakistan, Myanmar… nhưng Việt Nam có ưu thế hơn về tay nghề và chất lượng sản phẩm.

Dệt may cần 384.500 lao động

Nhiều năm gần đây các ngành liên quan đến lĩnh vực dệt may như công nghệ dệt may, công nghệ dệt, công nghệ sợi, công nghệ da giày, kỹ thuật dệt may, thiết kế thời trang… dù điểm tuyển chỉ tương đương điểm sàn vẫn khó tuyển. Thí sinh nghĩ học dệt may là làm công nhân tại các nhà máy, thu nhập thấp, trong khi thực tế vị trí tuyển dụng rất đa dạng. Chẳng hạn ngành kỹ thuật dệt may phù hợp với người giỏi kỹ thuật, ra trường sẽ làm thiết kế dây chuyền và các quy trình dệt may, thiết kế sản phẩm… mức lương rất cao; ngành thiết kế thời trang phù hợp với người có khiếu nghệ thuật, thích làm việc trong các môi trường mang tính ngẫu hứng, không khuôn mẫu…

Thêm vào đó, theo quyết định phê duyệt chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành dệt may Việt Nam đến năm 2015 của Bộ Công Thương thì nhu cầu đào tạo mới lao động dệt may giai đoạn 2011-2015 cần rất nhiều nhân lực, cụ thể (bình quân người/năm): quản lý 860, khối kinh tế: 2.200, khối kỹ thuật 2.300, công nhân kỹ thuật: 71.600. Dự báo đến năm 2015-2020 cần đến hơn 384.500 người từ cán bộ quản lý đến công nhân kỹ thuật.

Ngành Công nghệ dệt may đào tạo kỹ sư có kiến thức, kỹ năng nghiên cứu mặt hàng và điều hành tốt các dây chuyền sản xuất của ngành dệt may, gồm các ngành kéo sợi, dệt, nhuộm, may mặc, thiết kế thời trang. Khi ra trường, kỹ sư có khả năng công tác ở các công ty, xí nghiệp sản xuất để thiết kế các mặt hàng sản xuất ra thị trường; nghiên cứu khai thác công nghệ mới, mặt hàng mới; điều hành dây chuyền thiết bị công nghệ; quản lý công tác bảo trì thiết bị… Cũng có thể, khi tốt nghiệp làm việc tại các công ty kinh doanh thiết bị, nguyên vật liệu về ngành dệt may hoặc các viện, trung tâm nghiên cứu vật liệu và sản phẩm, các trường, cơ sở đào tạo và chuyển giao công nghệ ngành công nghệ dệt may.

Ngành Công nghệ dệt may được đào tạo tại rất nhiều trường kỹ thuật như các trường ĐH Bách khoa Hà nội; Bách khoa TPHCM; ĐH Công nghiệp HN; ĐH Công nghiệp TPHCM. Khoa Công nghiệp May và Thời trang ở các trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cả nước; Ngành Mỹ thuật Công nghiệp của Viện Đại học Mở Hà Nội; Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Hiện đại đa truyền thông, Khoa Dệt may – Thời trang trường ĐH Hồng Bàng; Khoa thiết kế thời trang Trường Cao đẳng Mỹ thuật… Năm 2011, trường ĐH Yersin Đà Lạt cũng mở ngành Mỹ thuật công nghiệp, đào tạo chuyên ngành thiết kế thời trang có chú trọng đặc thù thời trang phù hợp với các dân tộc Tây Nguyên, tuyển 100 chỉ tiêu.

ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM: Tuyển sinh khối A bậc ĐH cho tất cả các ngành thuộc SP Kỹ thuật (điểm chuẩn từ 14 – 18). Ngành Thiết kế thời trang tuyển khối V, và Kỹ thuật Nữ công có tuyển thêm khối B. ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cũng tuyển sinh và đào tạo liên thông khối K ngành Công nghệ cắt may…

Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế tuyển Ngành Thiết kế đồ hoạ và Thiết kế thời trang (mỗi ngành 50 chỉ tiêu) sẽ do các giảng viên tu nghiệp ở nước ngoài cùng giảng viên Trường First Media Design School (Singapore) giảng dạy. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, trường sẽ liên kết với các trường đại học để đào tạo liên thông trình độ đại học cho những sinh viên có nhu cầu.

Để chọn đúng ngành học phải quan tâm đến 4 yếu tố: Đầu tiên phải có niềm yêu thích, đam mê để học tốt ngành đó; thứ hai là khả năng để lựa chọn trường thi có điểm chuẩn phù hợp; thứ ba là trường, ngành nghề có mức học phí mà gia đình đủ chi trả; cuối cùng là chọn trường gần nhà, gần gia đình. Bởi vì ngành nghề xã hội rất phong phú, đa dạng, việc chọn đúng ngành nghề phù hợp với mình là cơ sở để có được một công việc tốt, xây dựng cuộc sống của mình trong tương lai.

Chúc các bạn thành công

Trọng Tuấn tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Thiết kế thời trang - Sáng tạo và đam mê...

(hieuhoc_hieuhoc.com): Ngày nay, đi ra đường hay xem tivi chúng ta có thể thấy đủ loại trang phục dài ngắn, màu sắc sắc sặc sỡ hay êm dịu, chất liệu dày mỏng, thiên nhiên hay nhân tạo, cổ truyền hay hiện đại… Chỉ so với chục năm về trước thôi đã thấy phong cách trang phục đã thay đổi rất nhiều, và nó còn thay đổi nhiều nữa trong thời gian tới để phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ ngày càng cao của xã hội. Để đáp ứng cho nhu cầu đó, đã có rất nhiều trường học, trung tâm tiến hành đào tạo các nhà thiết kế thời trang.

Tiềm năng ngành dệt may, da giày Việt Nam.

Các điều kiện để phát triển ngành thời trang dệt may, da giày đã được rất nhiều chuyên gia đề cập như vấn đề nguyên vật liệu, lao động, công nghệ, thương hiệu... Ở đây, chỉ xin giới thiệu các giai đoạn phát triển lớn cần vượt qua để ngành dệt may, da giày trở thành ngành thời trang

Cùng chuyên mục