Tiềm năng phát triển điện mặt trời

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, tiềm năng phát triển điện mặt trời trong tương lai của Việt Nam là rất lớn. Trong giai đoạn này, tiếp cận vấn đề phát triển điện mặt trời là phù hợp.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho biết, giờ là lúc thích hợp nhất cho việc nghiên cứu, phát triển công nghệ và đưa ra các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện mặt trời và điện gió). Trụ đèn chiếu sáng sử dụng điện mặt trời và điện gió tại TP.HCM – Ảnh: Diệp Đức Minh

Hỗ trợ nghiên cứu điện mặt trời

Bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN) vừa ra thông báo tuyển chọn các tổ chức và cá nhân chủ trì các đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước thực hiện trong kế hoạch năm 2011. Ông Nguyễn Đình Hậu, Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế – kỹ thuật (Bộ KH-CN) cho biết, có 2 đề tài liên quan đến năng lượng mặt trời được chọn là: “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống phát điện sử dụng năng lượng mặt trời theo nguyên lý Stirling” và đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Spay ILGAS (I onLayer Gas Relation) để chế tạo các phần tử pin mặt trời màng mỏng họ Me/ZnO/CdS(InxSy)/Cu(In, Ga) (S,Se)2 /Me/Glass”. Theo ông Nguyễn Đình Hậu, đây là những đề tài được quan tâm, chú trọng trong chương trình KH-CN 2011 – 2015. Bộ KH-CN sẽ thành lập Hội đồng các nhà khoa học đánh giá để tuyển chọn, xét chọn tổ chức, cá nhân có đề tài khả thi nhất để chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học.

“Với tình hình thiếu hụt điện năng như hiện nay, Bộ KH-CN rất muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai sớm các đề tài năng lượng mặt trời, tuy nhiên đây là vấn đề mới nên phụ thuộc rất lớn vào năng lực của các tập thể, cá nhân tham gia”, ông Hậu nhấn mạnh. Ông Hậu cũng cho biết: “Nếu thành công có thể cải tiến kỹ thuật, đưa ra thị trường các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu cấp thiết thiếu hụt điện năng”. Theo ông Hậu, hai đề tài liên quan đến năng lượng mặt trời sẽ được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, bắt đầu triển khai đầu năm 2011 và sẽ được thực hiện trong 2 năm.

Nhiều cơ hội phát triển

Song song với việc hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, dự thảo Chiến lược quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng tái tạo đến năm 2025 đang được Bộ Công thương trình Chính phủ phê duyệt cũng đề cập đến cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch (Viện Năng lượng), thành viên ban soạn thảo cho biết, dự thảo đề xuất nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời. Trong điều kiện VN chưa sản xuất được thiết bị thì có thể giảm thuế nhập khẩu thiết bị bằng 0, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn trừ và giảm tiền thuê đất, tạo điều kiện đấu nối từ điện tái tạo đến hệ thống, mua bán điện thuận lợi nhất… Về cơ chế giá, hiện tại trong chiến lược bắt đầu đề xuất cơ chế cho điện gió.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, tiềm năng phát triển điện mặt trời trong tương lai của Việt Nam là rất lớn. Trong giai đoạn này, tiếp cận vấn đề là phù hợp.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Kiên, Vụ KH-CN ngành kinh tế – kỹ thuật (Bộ KH-CN) nhận định: “Đề tài nghiên cứu liên quan đến hệ thống năng lượng mặt trời công suất nhỏ khả năng thành công là rất cao. Nếu sản xuất hàng loạt sẽ giải quyết được vấn đề công nghệ, tất yếu hạ giá thành sản phẩm từ năng lượng mặt trời”. Một chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng của Bộ KH-CN nhận xét: “Nếu theo đúng tiến độ, khoảng năm 2015 đề tài nghiên cứu về năng lượng mặt trời sẽ phát triển thành dự án và sẽ phát triển mạnh vào năm 2020”.

Ông Lê Tuấn Phong, Vụ phó Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết, trong khoản vay được Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ hồi tháng 5.2010, Bộ Tài chính nhận và đã trích một khoản nhằm hỗ trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, chuyển cho các ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV, Sacombank… cho nhà đầu tư vay lại. Theo ông Phong, điều này sẽ tạo cho các ngân hàng thói quen cho vay vốn dự án năng lượng tái tạo. Các chủ đầu tư sẽ nộp hồ sơ theo quy định, Bộ Công thương rà soát và đề xuất sang WB, vốn vay được giải ngân theo tiến độ đầu tư dự án.

“Gói hỗ trợ này không chỉ tạo nguồn tài chính, mà còn tạo cơ chế thị trường vốn cho năng lượng tái tạo. Chủ đầu tư vay theo lãi suất thị trường nhưng vay dài hạn tối thiểu 12 năm, ân hạn bằng thời gian xây dựng” – ông Phong nói.

Ông Phong cũng cho biết, Bộ Công thương sẽ hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo tư vấn nhằm nâng cao năng lực cho các chủ đầu tư, các ngân hàng thương mại về quy trình đấu thầu, giải ngân…, tạo nền tảng cho vay dự án theo cơ chế thị trường.

Theo: Nghiên cứu phát triển điện mặt trời (TNO)

Bài liên quan

Đào tạo nhân lực cho điện hạt nhân.

(Hiếu học). Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực tiếp quản nhà máy điện hạt nhân. Song song với đó, nhiều người cũng sẽ được đào tạo ở Pháp, Mỹ, Nhật... để tạo mặt bằng chung về công nghệ điện hạt nhân.

Tiềm năng ngành Vật lý.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Các nhóm ngành thuộc Khoa học tự nhiên nào sẽ phát triển? Sự khác nhau giữa các ngành học trong và ngoài ngân sách?  Tiềm năng của ngành Vật lý … là các vấn đề nhiều học sinh cuối cấp đang quan tâm.    

Những ngành nghề dễ tìm việc và có giá trong tương lai.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Băn khoăn lớn nhất của các bạn trẻ chuẩn bị vào đời là chọn cho mình ngành nghề nào dễ tìm việc và có giá trong tương lai. Vì thế, (hieuhoc_hieuhoc) tổng hợp những ý kiến từ các chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm để các bạn tham khảo thêm về những ngành nghề dễ tìm việc, những ngành có tiềm năng phát triển mạnh tại Việt Nam trong tương lai như sau:

Ngành công nghệ cơ khí.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Qua mọi thời đại, ngành công nghệ cơ khí luôn đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển trên mọi lĩnh vực về kinh tế - xã hội của con người.

Cùng chuyên mục