Công khai chuẩn “đầu ra” là cần thiết

Ngày 21-12, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH đầu tiên trong cả nước đã công bố chuẩn “đầu ra” như một sự công khai sản phẩm đào tạo

. Phóng viên:
Từ một năm nay, Bộ GD-ĐT kêu gọi các trường xây dựng chuẩn “đầu ra”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chương trình đào tạo đã có mục tiêu nhất định, mỗi người học cần phải đạt được mục tiêu đó khi ra trường. Vậy có cần chuẩn “đầu ra”?

– PGS-TS Thái Bá Cần: Xây dựng và công bố chuẩn “đầu ra” là điều cần thiết để công khai với xã hội về sản phẩm trường đào tạo ra, người học hình dung sau quá trình đào tạo có thể làm được việc gì và nhà tuyển dụng biết được sản phẩm đào tạo của trường. Dù chương trình đào tạo đã có mục tiêu nhưng mục tiêu đào tạo thường được xác định một cách định tính mang nặng tính chất định hướng và khá chung chung. Nếu dựa vào đó, người học khó hình dung ra những điều cần học để đạt mục tiêu… Trong khi đó, chuẩn “đầu ra” định lượng những kiến thức, kỹ năng của người học phải đạt được sau khi học xong. Điều này còn tác động đến cả những người thầy thực hiện việc giảng dạy chương trình đó.

. Nhưng thực sự chuẩn “đầu ra” không mới?

– Tuy không mới nhưng chuẩn “đầu ra” là sự tổng hợp cần thiết dựa trên chương trình đã có nhằm đưa ra chuẩn để người học hình dung sau khi tốt nghiệp có thể làm được những gì. Đơn giản là các khoa viết lại những cái đang làm, định lượng lại. Nếu có chỗ nào chưa đạt thì điều chỉnh, phấn đấu để đạt được. Người học cũng nhìn vào mà cố gắng, nỗ lực, có trách nhiệm trong học tập.

. Ông có thể nói cụ thể hơn về chuẩn “đầu ra” mà trường vừa xây dựng?

– Đây là lần đầu tiên trường xây dựng chuẩn “đầu ra” dựa trên chương trình đào tạo vừa mới được điều chỉnh. Về kết cấu, chuẩn “đầu ra” các chương trình đào tạo của trường gồm 5 phần: kiến thức, kỹ năng, thái độ, vị trí công tác và hướng phát triển. Trong phần kiến thức, ngoài kiến thức về khoa học Mác-Lênin, kiến thức xã hội – nhân văn, kiến thức toán học – khoa học tự nhiên, kiến thức chuyên ngành, sinh viên còn có trình độ tiếng Anh tương đương TOEIC 350 điểm, tin học tương đương trình độ B.

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh là chuẩn “đầu ra” các chương trình là khái niệm động. Trong quá trình đào tạo, việc bổ sung cho phù hợp nhu cầu xã hội là việc làm thường xuyên, có thể dẫn đến việc chuẩn kiến thức, kỹ năng của sinh viên ra trường cũng phải thay đổi.

. Với đa số sinh viên ở tỉnh, không phải một sớm một chiều có thể đạt được trình độ tiếng Anh, tin học như chuẩn “đầu ra” của trường, vậy trường tổ chức đào tạo thế nào để có chuẩn chung?

– Chúng tôi tuyên bố chuẩn “đầu ra” cho khóa sinh viên trúng tuyển năm 2008. Cũng cần nói rõ thêm, về quy định chuẩn tiếng Anh tương đương TOEIC 350 điểm phải hiểu là chúng tôi sẽ thiết kế chương trình đào tạo sao cho sinh viên khi tốt nghiệp có trình độ tương đương hoặc có thể thi lấy chứng chỉ này, hoàn toàn không phải là nộp chứng chỉ này về trường để tốt nghiệp.

Học sinh chuẩn bị dự thi ĐH năm 2009 có thể tham khảo chuẩn “đầu ra” của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tại đây

——————————————

Hầu hết chương trình đào tạo còn chung chung

Thống kê của Bộ GD-ĐT vào tháng 5-2008 cho thấy về mục tiêu đào tạo, trong số gần 4.200 chương trình đào tạo của 271 trường ĐH, CĐ trong cả nước, hầu hết các chương trình đào tạo viết rất chung chung, thậm chí lấy nguyên văn từ Luật Giáo dục; không xác định được các yêu cầu về kiến thức kỹ năng của sinh viên khi học xong chương trình; không xác định rõ vị trí làm việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp; không đề cập đến thái độ và đạo đức nghề nghiệp của ngành đào tạo.

Hồng Minh thực hiện (Nguồn: Người Lao Động)

Cùng chuyên mục