Đào tạo thạc sĩ… chui

Một trung tâm không có chức năng đào tạo đã kết hợp phía nước ngoài đào tạo khoảng 2.000 thạc sĩ “chui”, thu về khoảng 18 triệu USD. Đơn vị tổ chức là TT Hợp tác đào tạo quốc tế thuộc Hội Khuyến học Việt Nam.

Trung tâm hợp tác đào tạo quốc tế tại TP Hồ Chí Minh, nơi trực tiếp nhận hồ sơ liên kết đào tạo thạc sĩ

Một chương trình ngoại chưa được Bộ GD&ĐT thẩm định, cấp phép; phương thức liên kết đào tạo online với đối tác nước ngoài cũng chưa được phép thực hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều năm qua, một trung tâm không có chức năng đào tạo đã kết hợp phía nước ngoài đào tạo khoảng 2.000 thạc sĩ cho Việt Nam, thu về khoảng 18 triệu USD.

Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA: Master of Business Administration) online của Columbia Southern University (CSU) được quảng cáo rầm rộ, thậm chí được gửi dưới hình thức thư rác vào hộp thư điện tử của nhiều người. Đơn vị đứng ra thu tiền, nhận hồ sơ, tổ chức thi cử là Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế thuộc Hội Khuyến học Việt Nam.

CSU – không được công nhận

Theo những thông tin trên mạng, thì CSU là một trường cao đẳng cộng đồng do tư nhân thành lập năm 1993 tại Mỹ, chỉ đào tạo online cho những người không có điều kiện học tập trung. Trên thực tế, các trường đào tạo online bằng cấp không có giá trị, không dùng để học tiếp lên cao cũng như kiếm việc được. Nó chỉ có ích cho việc nâng cao kiến thức. Thế nhưng khi sang Việt Nam thì CSU gặp được một môi trường lý tưởng để phát triển.

Theo College Board (tổ chức chuyên khảo thí, kiểm định, đánh giá chất lượng đại học của Mỹ), CSU chưa được bất kỳ tổ chức uy tín nào về giáo dục của Mỹ công nhận, chỉ có Distance Education and Training Council (DETC: Hội đồng huấn luyện và giáo dục từ xa) công nhận CSU theo chương trình giáo dục từ xa.

Trong khi người học MBA đòi hỏi có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL tối thiểu 600 điểm thi trên giấy, ít nhất 2 năm kinh nghiệm và phải lấy điểm cao trong kỳ thi GMAT (Graduated Management Admission Test: kỳ thi nhập học sau đại học ngành quản trị) và thư giới thiệu của giáo sư đại học. Nhưng thật ngạc nhiên, trên các thông báo công khai, mức yêu cầu tiếng Anh cho chương trình MBA liên kết với CSU của học viên thấp, chỉ cần có chứng chỉ TOEFL tối thiểu 530 điểm thi trên giấy, 71 điểm thi qua internet, IELTS từ 6.0 trở lên.

Với tiêu chuẩn như trên, thấp hơn cả tiêu chuẩn để học cử nhân ở một trường đại học trung bình của Mỹ yêu cầu. Như thế tưởng đã quá dễ, không ngờ, trong thực tế lại còn khác xa. Trong vai người đăng ký học, chưa có TOEFL chúng tôi được bà Nguyễn Ngọc Nhã Trúc, đại diện Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế Hội Khuyến học Việt Nam, cho biết: “Nếu học viên không đạt yêu cầu về tiếng Anh đầu vào thì có thể tham dự và hoàn thành khóa học bổ túc. Trường sẽ tổ chức ôn thi phần tiếng Anh trong ba tuần với chi phí 1,5 triệu đồng là có thể vào học”.

CSU không có tên trong danh sách 121 chương trình đại học nước ngoài mà Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo tại Việt Nam. (Hình ảnh về CSU tại Mỹ được quảng cáo trên mạng)

Ba không thành… có

Theo giới thiệu của Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế, cơ sở pháp lý để trung tâm thực hiện chương trình liên kết này là Công văn 8621 ngày 27-9-2002 của Bộ GD& ĐT. Nhưng trong Công văn 8621, Bộ GD&ĐT chỉ đồng ý cho Hội Khuyến học Việt Nam: “Tư vấn, giới thiệu và cung cấp các thông tin cho học viên Việt Nam về các khóa đào tạo từ xa qua mạng internet của các cơ sở đào tạo có chất lượng, có uy tín trong nước và quốc tế. …”.

Tại văn phòng liên lạc phía Nam của Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế (7 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM), tiếp xúc với phóng viên, ông Nguyễn Ba Đạt- chuyên viên tại văn phòng phía Nam cho biết: “CSU quản lý tất cả: từ danh sách học viên, chương trình đào tạo, kết quả thi, công nhận tốt nghiệp… còn đây chỉ là văn phòng trú đóng nhằm giới thiệu chương trình, thông tin tuyển sinh cho học viên”.

Tuy nhiên, một phóng viên khác sắm vai người đăng ký nhập học gặp bà Nguyễn Ngọc Nhã Trúc, đại diện Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế thì thông tin bà Trúc đưa ra lại hoàn toàn khác. Theo đó, người nhập học sẽ ghi danh đóng tiền trực tiếp cho trung tâm. Học phí hệ chính khóa của chương trình MBA là 8.230 USD (chưa gồm chi phí sách giáo khoa trị giá 600 USD).

Ngày nhập học, học viên sẽ đóng trước một nửa, phần còn lại đóng sau khi học được bảy tháng. Trong quá trình học, nếu rớt môn nào, học viên phải học lại môn đó đồng thời đóng thêm học phí mỗi môn là 780 USD.

Bà Nguyễn Ngọc Nhã Trúc khẳng định: “Trường sẽ tổ chức ôn thi phần tiếng Anh trong ba tuần với chi phí 1,5 triệu đồng là có thể vào học”. Như vậy, không chỉ nhận học viên, thu tiền, trung tâm còn tổ chức thi đầu vào.

Theo điều tra của phóng viên, chương trình học của CSU chưa được Bộ GD&ĐT cấp phép; hình thức đào tạo online cũng chưa được Bộ GD&ĐT cho phép; Trung tâm hợp tác đào tạo quốc tế cũng không có chức năng liên kết đào tạo. Thế nhưng, từ năm 2002 đến nay, trung tâm này đã phối hợp để liên kết đào tạo với CSU ở cả trong Nam, ngoài Bắc, với hơn 20 khóa, khoảng 2.000 học viên đã theo học, trong đó không ít cán bộ cơ quan nhà nước.

Theo quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp (ban hành theo Quyết định số 77/2007, ngày 20-12 -2007). Tại điểm 2, Điều 3, quy định: Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình giáo dục từ xa để cấp văn bằng đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ GD&ĐT Việt Nam cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam.

Bộ GD&ĐT vào cuộc kiểm tra

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD& ĐT cho biết: Trước thông tin về việc liên kết đào tạo giữa Columbia Southern University (CSU) của Mỹ với Trung tâm Hợp tác Đào tạo quốc tế thuộc Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD& ĐT đã giao cho Cục kết hợp với Cục Đào tạo với nước ngoài làm rõ vụ việc.

Việc đào tạo trên chưa đúng so với giấy phép đăng ký của trung tâm này. Bộ sẽ xử lý nếu trung tâm làm sai quy định. Theo Công văn số 8621, ngày 27-9-2002, thì Bộ chỉ cho phép Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các chương trình đào tạo từ xa, thông qua tư vấn chứ không phải đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp như những gì đã quảng cáo tại Việt Nam. Nếu làm không đúng, Bộ sẽ xử lý ngay. Trong quá trình Bộ đang làm rõ sự việc này, Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế của Hội Khuyến học Việt Nam không được phép tuyển sinh. Nếu đăng thông báo tuyển sinh là sai.

Theo: Đào tạo ‘chui’ cả ngàn thạc sĩ (TPO)

Cùng chuyên mục