Điều chỉnh các nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ĐH như thế nào?

Thí sinh được quyền điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH như thế nào? Với điểm số của mình, cơ hội trúng tuyển vào các trường cao hay thấp? Thay đổi và sắp xếp các nguyện vọng thế nào để có cơ hội trúng tuyển cao nhất?

Các trường tham gia tư vấn trực tuyến điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển năm 2017 – Ảnh: Duyên Phan

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 có hai thay đổi lớn trong khâu xét tuyển, đó là thí sinh vừa đăng ký xét tuyển vừa đăng ký dự thi, và cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển. Điều nên chú ý trong đăng ký nguyện vọng là chọn ngành yêu thích và bám sát thị trường lao động.

Ngày hội xét tuyển sau kỳ thi THPT quốc gia cần thiết cho cả thí sinh lẫn nhà trường

– Năm nay thí sinh được đăng ký xét tuyển đợt 1 cùng lúc với đăng ký dự thi, và không giới hạn nguyện vọng, có thể xem như các em được thi vào nhiều trường. So với thời thi “ba chung”, các em chỉ được thi vào một trường, thì năm nay quyền lợi của thí sinh được đảm bảo tốt hơn.

Tuy nhiên, khi đăng ký xét tuyển trước khi có kết quả thi, có thể một số thí sinh chưa cập nhật được đầy đủ thông tin về thị trường lao động, cũng như chưa suy nghĩ chín chắn việc chọn ngành phù hợp. Kết quả thi của một số thí sinh có thể lệch nhiều so với kết quả dự kiến khi đăng ký dự thi. Vì thế quy chế dành cho thí sinh cơ hội được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Đến nay, các trường đã tải đầy đủ cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký vào trường mình để phân tích, điều chỉnh chiến lược tuyển sinh phù hợp. Sau khi các trường phân tích dữ liệu đăng ký xét tuyển, thấy những ngành nào còn thiếu thí sinh thì trường hoàn toàn có thể tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, thu hút thêm thí sinh đăng ký sau khi có kết quả thi.

Như vậy, ngày hội xét tuyển sau kỳ thi THPT quốc gia cần thiết cho cả thí sinh lẫn nhà trường.

Lời khuyên cho thí sinh trong việc sử dụng quyền thay đổi nguyện vọng sau khi có kết quả thi.

– Quy chế quy định khi xét tuyển, các trường xét bình đẳng theo kết quả thi của thí sinh, không phân biệt thứ tự nguyện vọng. Thí sinh cũng chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất trong danh sách đã đăng ký. Do đó, nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng cao (vào trường có đông thí sinh đăng ký chẳng hạn) thì có thể trúng tuyển vào nguyện vọng tiếp theo ở trường khác, mà không cần phải rút nguyện vọng ở trường có đông thí sinh.

Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên đăng ký một vài ngành cao hơn kết quả thi, một vài ngành tương đương kết quả thi, và một vài ngành thấp hơn kết quả thi. Trong đó, nguyện vọng 1 luôn đăng ký vào ngành/trường yêu thích nhất. Sau khi có kết quả thi, thí sinh chỉ nên điều chỉnh nguyện vọng khi kết quả thi thực tế lệch nhiều so với kết quả dự kiến.

Nếu kết quả thi thực tế cao hơn nhiều so với kết quả dự kiến, các em nên điều chỉnh dịch nguyện vọng về phía điểm cao. Nếu kết quả thi thực tế thấp hơn nhiều so với kết quả dự kiến, các em đăng ký thêm nguyện vọng về phía điểm thấp, không cần thay đổi thứ tự nguyện vọng, cũng không cần hủy những nguyện vọng cao.

Điều quan trọng nhất với thí sinh là các em nên chọn ngành, nghề phù hợp với sức khỏe, năng lực bản thân, điều kiện gia đình và đặc biệt là sở thích của mình, để có được sự đam mê trong học tập và bản lĩnh cho lập nghiệp.

Chúng ta đang trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo; nên dù làm ở lĩnh vực, vị trí nào, các em cũng cần có kiến thức, kỹ năng để thích ứng nhanh nhất với sự thay đổi của khoa học, công nghệ. Môi trường giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ giúp các em có được những điều đó.

Theo: (Giáo dục /Tuyển sinh/TTO)

Bài liên quan

Cùng chuyên mục