Dự báo đề thi ĐH, CĐ và nên học thế nào khi kỳ thi sắp đến?

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ bắt đầu. Nên học thế nào khi kỳ thi sắp đến? Với lượng kiến thức vẫn đang ở phía trước, các chuyên gia luyện thi hướng dẫn và dự báo đề thi giúp bạn chạy nước rút…

Nên học thế nào khi kỳ thi sắp đến và dự báo đề thi ĐH – CĐ 2010:

Môn Toán: Học theo kiểu thư giãn!

Thầy giáo Nguyễn Vũ Lương, Chủ nhiệm khối chuyên Toán-Tin THPT, ĐHKHTN, ĐHQG HN: Đề thi chắc chắn có các phần: Khảo sát hàm số, bài toán tiếp tuyến, cực trị sử dụng đạo hàm, phương trình lượng giác, hàm số mũ lô-ga và thể nào cũng có bài toán đếm của tổ hợp – học sinh nên học ôn để có phương pháp đếm sử dụng tổ hợp thì mới giải quyết được.

Đặc biệt thí sinh cần lưu ý các phần: Hàm số mũ và lô-ga vì năm nay, Bộ mới đưa lên chương trình lớp 12 (trước kia phần này nằm ở chương trình lớp 11); khái niệm giới hạn tiệm cận nằm ở cuối chương trình 11 cơ bản vì phần này lâu rồi chưa thi.

Tới thời điểm này đã cận thi, không phải lúc ngồi học một cách lúng túng trước một lượng kiến thức khổng lồ nữa mà là lúc ôn lại những phần chính, phần cơ bản. Cách học như sau: Xem lại từng phần nhớ kiến thức, không quá quan tâm đến bài quá khó mà phải học theo kiểu thư giãn: rà soát lại xem đâu là kiến thức còn hổng thì học bổ sung; bài tập nào chưa quen thì làm cho quen dạng.

Môn Văn: Dừng lại việc học ở lò luyện

Cô giáo Như Hương, trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội: Thời điểm cận thi này, thí sinh nên dừng lại việc luyện thi cấp tốc vì làm như thế chỉ lãng phí thời gian. Thí sinh chỉ nên dựa vào kiến thức chuẩn trong sách giáo khoa (SGK) nằm ở phần kết quả cần đạt trong SGK và hướng dẫn học bài sau mỗi tác phẩm mà học. Nếu thấy phần kiến thức nào còn lơ mơ thì phải học lại và tự chọn cho mình một số đề để làm.

Thí sinh cũng có thể sử dụng một số tài liệu tham khảo (do các nhà xuất bản Bộ GD&ĐT và ĐHQG, ĐHSP xuất bản) theo cách đọc cho hiểu chứ không phải đọc để bắt chước hoặc hy vọng trúng đề. Và một điều quan trọng: Đừng học theo kiểu vừa học vừa nghe nhạc hoặc nghe điện thoại như nhiều học sinh vẫn làm!

Vật lý: Xem lại kiến thức với nhóm 2 người

PGS-TS Vũ Quang – Chủ biên SGK Vật lý 10, 11, 12 chuẩn: Môn Vật lý thi trắc nghiệm (TN) nên tập trung vào học lý thuyết là chủ yếu và thêm nữa là các bài tập đơn giản áp dụng công thức. Không lao vào các bài tập khó. Khi học, thí sinh cố gắng phân biệt các khái niệm cho rõ ràng vì các câu hỏi thường kiểm tra xem học sinh có nhầm lẫn giữa các khái niệm không.

Trừ phần cuối cùng chương trình lớp 12, còn lại phần kiến thức nào cũng quan trọng. Cách học như sau: Trước hết, phải xem lại phần tóm tắt kiến thức trọng tâm ở cuối mỗi bài học trong khung ở sách giáo khoa. Phần nào chưa chắc thì phải học bổ sung và với bài tập chỉ chú ý đến loại bài áp dụng công thức.

Tốt nhất là học theo nhóm 2 người, người nọ hỏi, người kia trả lời từ đầu đến cuối và chỉnh lại nếu có chỗ nào chưa chính xác. Thí sinh cũng cần chú ý: lớp 12 có phần dao động, một số khái niệm như: vận tốc, gia tốc, năng lượng, động năng, thế năng thuộc lớp 11 có liên quan cũng phải nắm chắc. Lớp 12 có khái niệm điện xoay chiều thì điện một chiều (ở lớp 11) hoặc phần quang học, nên xem lại lăng kính để hiểu máy quang phổ ở lớp 12. Thí sinh không nên lao vào giải bài tập nữa.

Hóa học: Không học những thứ cao xa

Thầy Đào Hữu Vinh, giảng viên ĐHKHTN, ĐHQG HN: Năm nay đề thi tuyển sinh môn Hóa học sẽ dễ hơn năm trước vì đề thi năm ngoái quá khó, nhưng không thể dễ hoàn toàn. Cấu trúc đề thi sẽ là 10 câu khó, 10 câu dễ, còn lại kiến thức trung bình.

Thời gian còn rất ít, thí sinh cần ngồi tổng kết lại kiến thức và các dạng bài tập về toán và lý thuyết. Loại nào còn kém thì phải học củng cố. Xem lại một lượt trên cơ sở trên SGK, không học những thứ cao xa mà chỉ cần học kiến thức cơ bản. Những kiến thức cơ bản trong SGK cũng phải học thuộc chứ không thể học theo kiểu suy đoán.

Ngoại ngữ: Không phải là lúc học từ vựng nữa

Thầy Nguyễn Viết Thắng, ĐH Hà Nội: Theo kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, trước thời gian thi khoảng 10 ngày đến 1 tuần, thí sinh thường bị bão hòa và thí sinh thường bị “đơ” đầu óc, học không vào. Trong khi, ngoại ngữ là môn phải học quanh năm, không thể nhồi nhét một sớm một chiều. Vì vậy, những ngày này, thí sinh chỉ cần xem lại kiến thức trong các năm phổ thông đặc biệt chương trình lớp 12 (phần kiến thức lớp12 đã chiếm 4-5 điểm), không sa đà vào những thứ kiến thức viển vông.

Đề thi trải dài và liên quan đến nhau từ lớp 10 đến lớp 12. Vì vậy, thí sinh cần xem lại ngữ pháp, cấu trúc câu chứ không phải là lúc học từ vựng nữa. Học trọng tâm và trong tâm trạng thoải mái. Trước ngày thi, các thí sinh nên dành nửa ngày không học để nghỉ ngơi và chuẩn bị tâm thế.

Lược theo: Dự báo đề và hướng dẫn chạy nước rút. (TPO)

Bài liên quan

Để đạt điểm cao khối A.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Để đạt điểm cao khi thi khối A với cả 3 môn Toán – Lý – Hóa là mong muốn của tất cả các thí sinh. Sau đây là chia sẻ bí quyết của một thủ khoa 30 điểm khối A kỳ thi ĐH 2009. 

Để đạt điểm cao ở khối B.

(hieuhoc_hieuhoc.com) Để đạt điểm cao ở khối B trước hết phải nắm được những kiến thức cơ bản, hệ thống kiến thức từng môn và lấy đó làm "nguyên liệu" để giải toán.

Cẩm nang học thi Đại học: Học có hệ thống.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Phải chịu áp lực đậu Đại học rất lớn là điều khó tránh khỏi. Bởi đầu vào Đại học quá hẹp, trong khi số học sinh dự tuyển lại quá nhiều, buộc các bạn phải phấn đấu, cố gắng hơn người. Tuy vậy, không chỉ cố gắng là đủ, các bạn phải học có phương pháp, có thời khóa biểu rõ ràng, và quan trọng nhất là phải học đều trong cả năm học cuối cấp này.

Cùng chuyên mục