Đưa giáo dục kỹ năng sống vào chính khóa.

(Hiếu học). “Đưa giáo dục kỹ năng sống vào chính khóa” là đề xuất được nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống tội phạm, bạo lực trong học sinh phổ thông tổ chức tại Hà Nội sáng 25-11.

“Khảo sát ở hơn 1.000 HSSV thuộc 10 trường ĐH, CĐ và phổ thông cho thấy trên 95% chưa nhận thức đúng về kỹ năng sống; 77,7% chưa bao giờ được đào tạo, tập huấn về kỹ năng sống; 76,4% cho biết rất cần được tập huấn kiến thức về kỹ năng sống”. Bà Đỗ Thị Hải (Viện Nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội). (Hình: vtc.vn)

Theo tiến sĩ Phùng Khắc Bình – vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD-ĐT), từ năm 2005 đến nay tình trạng HSSV phạm pháp có nhiều dấu hiệu ngày càng phức tạp cả về tính chất mức độ lẫn sự nghiêm trọng. Nhận định này được ông Bình dẫn chứng bằng những con số cụ thể: thống kê chưa đầy đủ từ năm 2005-2008, có hơn 8.000 trường hợp HSSV vi phạm pháp luật hình sự với nhiều hành vi: đánh nhau gây rối trật tự công cộng, cướp tài sản, xâm hại sức khỏe, tính mạng cho đến tội phạm ma túy, giết người…

Do thiếu kỹ năng sống?

Theo ông Phùng Khắc Bình, từ chỗ “chưa có nhận thức và hành vi đúng đắn, lối sống ích kỷ, ham hưởng thụ, đua đòi chạy theo giá trị vật chất, từ những biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống dẫn đến một bộ phận HS, SV sa vào tệ nạn xã hội và phạm tội”.

Trong số những nguyên nhân cơ bản dẫn đến các hành vi sai trái về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật của HSSV, bên cạnh trách nhiệm của xã hội, nhà trường và gia đình, ông Bình đánh giá “có nguyên nhân quan trọng do bản thân HSSV thiếu kỹ năng sống, thiếu những kiến thức, hiểu biết để giải quyết đúng đắn các vấn đề trong cuộc sống.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan khác, đây là một nguyên nhân trực tiếp khiến giới trẻ dễ dàng có các hành vi lệch lạc, vi phạm pháp luật”.

Là một người có kinh nghiệm trực tiếp tham gia các chương trình tư vấn, giáo dục kỹ năng sống cho HSSV, bà Đỗ Thị Hải, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội, cho rằng: “Những hiện tượng tiêu cực trong đạo đức, lối sống, hành vi của người vị thành niên hiện nay xét về nguyên nhân thì nhiều và có thể khác nhau, nhưng phải chăng đó là hậu quả trực tiếp của việc thiếu hụt kỹ năng sống”.

Bà Hải đánh giá “có một bộ phận không nhỏ người vị thành niên trong xã hội hiện nay ở tình trạng không hiểu biết, không tự chủ, không tự quyết được hành vi”. Theo phân tích của bà Hải, do thiếu kỹ năng sống, khả năng đương đầu với những vấn đề gặp phải trong cuộc sống, trong đó có sự hấp dẫn, lôi kéo của tệ nạn xã hội, người vị thành niên đã không làm chủ được bản thân.

Lo dạy chữ hơn dạy người?

Theo phân tích của một số nhà nghiên cứu giáo dục, việc HSSV thiếu kỹ năng sống để có thể đương đầu giải quyết những vấn đề gặp phải trong cuộc sống lại có một nguyên nhân quan trọng từ những bất cập trong chương trình giáo dục ở nhà trường và hoạt động của các tổ chức Đoàn, Hội sinh viên, thanh niên.

Bà Lê Nguyên Hương, phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Nội, thẳng thắn nhìn nhận: “Trong suốt thời gian dài chúng ta đã hơi thiên về giáo dục trí dục. Nhiều trường, nhiều địa phương chỉ chú trọng đến tỉ lệ HS tốt nghiệp, HS thi đỗ ĐH mà chưa quan tâm đến tỉ lệ HS chăm ngoan… Phương pháp giáo dục đạo đức cho HS cá biệt bị lãng quên hoặc thực hiện không quyết liệt, việc xử lý kỷ luật HS thành phổ biến. Không ít trường hợp đáng nhẽ chúng ta đối thoại với HS thì lại “đối đầu”.

Ông Phùng Khắc Bình cũng cho rằng: “Nhận thức của một số lãnh đạo nhà trường về tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức cho HS chưa đầy đủ, sâu sắc, dẫn đến tình trạng nặng về dạy “chữ”, nhẹ về dạy “người”… Một số nơi còn nặng về xử lý kỷ luật mà chưa có giải pháp ngăn chặn, giáo dục từ khi mới có biểu hiện”.

Bà Đỗ Thị Hải đề nghị: “Giải pháp thiết thực nhất là Bộ GD-ĐT cần xây dựng chương trình giáo dục kỹ năng sống cho từng cấp học, đào tạo giáo viên và đưa vào giảng dạy trong chương trình chính khóa để tất cả HSSV đều được tiếp cận. Trước mắt, nên đưa ngay một số nội dung này vào môn giáo dục công dân”.

Bà Lê Nguyên Hương cho rằng: “Chương trình giáo dục hiện nay quá tải, quá nặng, không còn đủ thời gian cho nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục khác để trang bị kiến thức kỹ năng sống và đạo đức cho HS”. Từ đó bà Hương kiến nghị Bộ GD-ĐT cần bố trí thời gian, chương trình sao cho các nhà trường có thời gian dạy học sinh “làm người” chứ không chỉ học chữ. Nếu nhà trường tổ chức được nhiều hoạt động ngoại khóa thu hút HS tham gia sẽ tránh được nguy cơ các em sa đà vào các việc tiêu cực ngoài xã hội”- bà Hương nhìn nhận.

Nguồn: Thanh Hà (TTO).

Cùng chuyên mục