Môn Địa lý: Dễ nhưng khó đạt điểm cao

(Hiếu học) Sau buổi thi Địa lý sáng 3/6, theo nhận xét chung của nhiều thí sinh, đề Địa lý năm nay vừa sức nhưng đạt điểm cao thì phải học sinh khá giỏi mới có thể hy vọng.

=> Bấm xem: Bài gợi ý giải đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý

Theo nhiều thí sinh, đề thi tốt nghiệp môn Địa lý năm nay không khó, cũng không dài, kiến thức cơ bản nằm trong sách giáo khoa. Dựa vào atlat địa lý có thể đạt 7 hoặc 8 điểm… (Thí sinh hoàn thành môn Địa lý tại Hội đồng thi tốt nghiệp phổ thông trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.10, TP.HCM sáng ngày 3-6 – Ảnh: Minh Đức/TTO)

* Tại TP.HCM: Nhiều thí sinh tại TP.HCM cho biết đề thi không khó để làm nhưng khó để đạt điểm cao vì đòi hỏi phải vận dụng thêm kiến thức toàn diện và atlat. Đặc biệt, nhiều TS bất ngờ với một câu hỏi “không nằm trong đề cương ôn tập”.

Tại Hội đồng thi trường THCS Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), ra khỏi phòng thi, một nhóm học sinh trường THPT Nguyễn Khuyến nhăn nhó vì không làm được “câu hỏi về gió mùa đông bắc”. Tương tự, Trần Quỳnh Như (học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) cho biết: “Câu 1 về gió mùa đông bắc không có nằm trong đề cương ôn tập của trường tụi em. Ra khỏi phòng thi, nhiều bạn trường khác cũng nói như vậy. Vì vậy, tụi em phải vận dụng atlat để làm bài”.

Theo một giáo viên dạy Địa của trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10), câu hỏi về gió mùa đông bắc nằm trong bài 9 của sách giáo khoa, hoàn toàn trong chương trình học. Như vậy, có thể trong đề cương ôn tập của một số trường có thể không có phần này nhưng nếu học sinh học toàn diện, thuộc bài thì đều có thể làm được. Theo nhận xét của giáo viên này nhìn chung, với đề Địa lý sáng nay, TS trung bình khá có thể đạt được 6-7 điểm

* Tại Khánh Hòa, sau môn thi Địa Lý sáng nay, đa số các thí sinh đều khẳng định làm được bài.

Thí sinh tại Khánh Hòa phấn khởi vì làm tốt môn Địa lý. (Ảnh: Nguyễn Thành Chung/Dantri)

Thí sinh Nguyễn Quang Vũ, học sinh trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP Nha Trang) cho biết: “Em làm bài tốt. Em thấy đề Địa lý không khó, nằm trong trọng tâm kiến thức, không lắt léo. Bạn nào ôn kỹ sẽ có thể làm đúng 70 đến 80% đề thi”. Còn thí sinh Nguyễn Kiều Vân phấn khởi nói: “Đề thi có phần cần liên hệ thực tế đời sống nên rất hay. Em làm bài khá tốt, hy vọng sẽ đạt điểm cao ở môn này.”

* Tại Đà Nẵng, sau 90 phút làm bài, nhiều thí sinh tỏ ra hài lòng vì bài thi của mình. Phương Tuấn, HS trường THPT Trần Phú, cho biết, tuy không “mặn mà” với các môn học bài, nhưng em vẫn hoàn tất bài thi của mình khá suôn sẻ. Tuấn phân tích: “Nếu chỉ cần dùng atlat tốt và biết cách để phục vụ cho bài thi, thì điểm thi có thể đạt trên trung bình. Đề thi Địa lý năm nay khó nhất là phần vẽ biểu đồ, vì số liệu cho chênh lệch rất thấp, nên nếu không cặn kẽ và nắm vững kiến thức thì sẽ rất khó để hoàn thiện câu này!”.

Cũng như Tuấn, học sinh Lê Thị Kim Nguyên, thi tại Hội đồng thi Lý Thường Kiệt cho biết, đề thi môn Địa của khối THPT (GDTX) cũng dễ thở. Tuy nhiên, Nguyên cho biết mình phải để trống câu cuối cùng vì thời gian dành cho những câu hỏi trước quá nhiều.

Tại Hà Nội, thí sinh Nguyễn Bảo Việt HS lớp 12 A5 trường THPT Nguyễn Siêu ra khỏi trường thi với khuôn mặt hớn hở: “Em thi khối A và môn Địa luôn là nỗi lo của em trong kỳ thi này. Nhưng với đề Địa lý năm nay em thấy không khó, các câu hỏi không lắt léo, đi đúng trọng tâm ôn tập. Rất may là em vẽ biểu đồ miền nhiều nên em hy vọng mình sẽ vẽ đúng, duy chỉ có câu 1 em ôn không được kỹ lắm. Em nghĩ mình sẽ làm đúng 70%”.

Còn với Mai Lan học sinh lớp 12 A4 trường THPT Yên Hoà cho rằng đề thi bình thường không khó, không dễ: “Em nghĩ mình làm được 60% thôi, vì trong câu 3 ở phần b ý 1 chủ yếu bắt học sinh làm tự luận, phải có kiến thức tổng hợp giữa bài học và thực tế đời sống. Em diễn đạt câu này không được tốt lắm”.

* Nhận định về đề thi Địa lý tốt nghiệp THPT năm nay, cô Đặng Hồng Ngọc, giáo viên môn Địa lý trường THPT Đào Duy Từ, Hà Nội, cho biết: “Đề thi Địa lý bám sát chương trình, đảm bảo kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Mặc dù đề thi hơi dài so với thời gian 90 phút nhưng không khó. Nhiều câu hỏi yêu cầu học sinh phải tư duy nên em nào học vẹt khó có điểm cao. Tuy nhiên, với đề thi này sẽ có nhiều điểm khá, giỏi”.

Trong khi đó, thầy Trịnh Văn Huệ (nguyên Phó phòng trung học phụ trách môn Địa lý – Sở GD-ĐT Hà Tĩnh), Chủ tịch Hội đồng thi trường Mai Thúc Loan, nhận định đề thi tốt nghiệp môn Địa lý năm nay hay và bám sát với điều kiện thực tế (thí sinh phải vận dụng hơn 50% kiến thức trong sách vở vào thực tế). Đề thi đòi hỏi thí sinh phải vận dụng những lí thuyết đã học vào thực tiễn. Theo thầy, thí sinh học lực trung bình cũng có thể làm được trên mức điểm trung bình.

Thầy Hồ Nghĩa Bình, giáo viên Trường THPT Hiệp Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM, đánh giá: “Đề thi môn địa năm nay có nội dung bao quát được chương trình học của học sinh, ra đầy đủ các dạng câu hỏi. Cách ra đề cũng có hướng “mở”, đòi hỏi các em phải vừa thuộc bài, vừa biết vận dụng kỹ năng, bao quát và suy luận để làm bài. Nói chung cách ra đề năm nay hay, có sự phân hóa rõ”.

Theo cô Trần Thị Thái – tổ trưởng tổ Địa lý, Trường THPT Bùi Thị Xuân, đề thi môn Địa lý năm nay khá hay, có hơn 50% nội dung yêu cầu thí sinh phải vận dụng kỹ năng tính toán và suy luận. Phần nội dung dành cho việc học bài tuy chỉ chiếm gần 50% nội dung đề thi nhưng cũng không hẳn học thuộc lòng là làm được mà phải học hiểu. So với đề thi năm trước, đề thi môn địa năm nay “dễ thở” hơn nhưng vẫn phân hóa được học sinh. Tuy số học sinh đạt từ 5 – 7 điểm sẽ rất nhiều nhưng phải là những học sinh thực sự xuất sắc mới có thể đạt 9 – 10 điểm và tôi cho rằng số điểm 9 – 10 sẽ hiếm hoi.

Tuấn Phong tổng hợp.

Bài liên quan

Cùng chuyên mục