Nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2011 cần lưu ý!

(Hiếu học) Từ 14-3 thí sinh sẽ bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011. Để tránh những sai sót không đáng có, thí sinh đang là học sinh 12 hoặc thí sinh tự do, thí sinh vãng lai cần lưu ý những điều sau:

Thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 của thí sinh.

Học sinh đang học lớp 12 THPT tại trường nào sẽ nộp hồ sơ đang ký dự thi (ĐKDT), lệ phí ĐKDT và lệ phí dự thi tại trường đó. Cụ thể là học sinh lớp 12 sẽ nộp qua trường THPT hoặc trường bổ túc THPT nơi thí sinh đang học (hết hạn nộp các trường mới gửi về sở)

Các đối tượng khác nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT và lệ phí dự thi tại các địa điểm do sở GD-ĐT quy định. Các địa điểm này không thu hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT và lệ phí dự thi của học sinh đang học lớp 12.

Thời hạn thu nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT và lệ phí dự thi quy định thống nhất trên phạm vi toàn quốc: theo hệ thống của sở GD-ĐT (từ ngày 14-3 đến 17 giờ ngày 14-4-2011); tại các trường tổ chức thi (từ ngày 15-4 đến 17 giờ ngày 21-4-2011).

Thí sinh tự do, thí sinh vãng lai nộp hồ sơ ĐKDT tại các điểm thu nhận hồ sơ của sở GD-ĐT, từ ngày 14-3 đến 14-4-2011. Sau thời hạn này, từ ngày 15-4 đến 21-4-2011, thí sinh có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi.

Thí sinh có thể mua hồ sơ ĐKDT trực tiếp tại bộ phận tuyển sinh của các sở GD-ĐT, các điểm phát hành hồ sơ theo quy định của từng sở, các cửa hàng văn phòng phẩm…

Lệ phí tuyển sinh nộp cùng hồ sơ

Từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã thay đổi phương thức thu lệ phí tuyển sinh, thay vì chia thành hai khoản lệ phí (nộp cùng với hồ sơ ĐKDT) và lệ phí dự thi (nộp khi thí sinh đến làm thủ tục dự thi), thí sinh sẽ nộp luôn một lần toàn bộ lệ phí tuyển sinh cùng với hồ sơ ĐKDT.

Ngay từ khi nộp hồ sơ ĐKDT, thí sinh sẽ phải nộp tổng cộng 70.000 đồng lệ phí tuyển sinh/hồ sơ. Đối với những trường có sơ tuyển, có môn thi năng khiếu sẽ nộp mức lệ phí sơ tuyển đối với các ngành năng khiếu: 100.000 đồng/hồ sơ đối với tất cả các môn, sơ tuyển đối với các ngành khác: 40.000 đồng/hồ sơ đối với tất cả các môn. Lệ phí dự thi năng khiếu: 200.000 đồng/hồ sơ (bao gồm tất cả các môn).

Thí sinh cần lưu ý: khi nộp hồ sơ ĐKDT, thí sinh sẽ được cán bộ thu nhận hồ sơ xác nhận và giao lại tờ phiếu số 2 cùng biên lai nộp lệ phí ĐKDT và lệ phí dự thi đã có đầy đủ chữ ký của người thu hồ sơ.

Đối với những thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT vào những trường ở xa, nhiều sở GD-ĐT không thu nhận hồ sơ, thí sinh nên chuyển hồ sơ và lệ phí ĐKDT nhờ người quen đến nộp trực tiếp tại trường, nhận lại đầy đủ phiếu số 2 và biên lai đóng tiền lệ phí.

Các thông tin trên hai tờ phiếu số 1 và số 2 phải khớp nhau. Nếu lỡ viết sai một tờ phiếu ĐKDT, thí sinh không cần phải mua lại toàn bộ hồ sơ mà có thể photocopy hoặc in từ trên mạng đều được chấp nhận, miễn là khi nộp, hồ sơ phải có xác nhận đầy đủ, hợp lệ (nếu là thí sinh đang học lớp 12 phải do hiệu trưởng xác nhận, nếu là thí sinh tự do phải do công an xã/phường xác nhận, nếu là sinh viên thi lại phải do hiệu trưởng trường đang theo học xác nhận).

Thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT ở đâu sẽ nhận giấy báo dự thi ở nơi đó.

Thí sinh nộp hồ sơ tại đâu sẽ nhận giấy báo dự thi, giấy chứng nhận kết quả thi (hoặc phiếu báo điểm), giấy báo trúng tuyển tại đó hoặc theo địa chỉ đã ghi trong phong bì nộp kèm với hồ sơ ĐKDT (tùy theo quy định của từng sở).

Hồ sơ ĐKDT gồm: Một túi đựng hồ sơ, phiếu số 1, phiếu số 2 (phiếu số 1 do Sở GD-ĐT lưu giữ, phiếu số 2 do thí sinh giữ và được sử dụng trong các trường hợp cần thiết); ba ảnh chân dung cỡ 4x6cm được chụp trong thời gian sáu tháng tính đến ngày nộp hồ sơ ĐKDT; ba phong bì đã dán sẵn tem ghi rõ họ, tên và địa chỉ của thí sinh; bản sao hợp lệ giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có).

– Trên hồ sơ ĐKDT chỉ ghi NV1.

– Ghi chính xác ưu tiên khu vực và đối tượng.

– Mục 16 ghi địa chỉ nhận giấy báo thi, nên chọn địa chỉ dễ đến nhất. Thí sinh vùng xa vùng sâu càng nên thận trọng trong chuyện này. Cần có số điện thoại cố định dễ liên lạc để các trường gọi điều chỉnh thông tin về giấy báo, trao đổi NV1A, NV1B hay một số thông tin mới của các trường mà các bạn dự thi…

Lưu ý: Thông tin trên hai phiếu số 1 và số 2 phải khớp nhau. – Nếu thí sinh có NV 1 học tại trường có tổ chức thi thì khai đầy đủ ở mục 2, không khai mục 3. – Nếu thí sinh có NV1 học tại các trường không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của trường ĐH thì khai mục 2 gồm tên trường, ký hiệu trường, khối thi và không khai mã ngành; còn mục 3 khai đầy đủ nội dung của trường không tổ chức thi mà thí sinh có NV1 và cần nộp thêm bản photocopy mặt trước của tờ phiếu ĐKDT số 1. (Xem thêm: Thí sinh thi nhờ cần chú ý)

Khi nộp hồ sơ ĐKDT, thí sinh cần lưu ý khai chính xác, rõ ràng, không tẩy xóa. Mẫu hồ sơĐKDT được áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Vì vậy hồ sơ do địa phương sở GD-ĐT nào phát hành cũng đều có giá trị như nhau. Nếu có viết sai một phiếu, thí sinh có thể photocopy hoặc in tại cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ GD&ĐT (http://ts.moet.gov.vn/).

Khi nộp rồi mà phát hiện sai sót muốn chỉnh sửa: nếu vẫn trong thời hạn nộp tại trường, thí sinh có thể liên lạc giáo viên chủ nhiệm xin lấy lại hồ sơ để chỉnh sửa. Nếu đã hết hạn nộp tại trường THPT, thì còn cách nộp bộ hồ sơ khác trong thời điểm nộp trực tiếp các trường ĐH, CĐ. Nhưng lúc này phải xin xác nhận từ địa phương. Ngoài ra, nếu phát hiện ra sai sót trên hồ sơ khi đã hết hạn nộp hồ sơ, thí sinh chỉ có một cơ hội duy nhất để chỉnh sửa, đó là ngày làm thủ tục trước khi bước vào dự thi chính thức.

Làm thủ tục chỉnh sửa, bổ sung các giấy tờ còn thiếu

Thí sinh cần có mặt tại địa điểm thi vào ngày 3-7 đối với đợt 1, ngày 8-7 đối với đợt 2 và ngày 14-7 đối với đợt 3 để làm thủ tục chỉnh sửa, bổ sung các giấy tờ còn thiếu. Cần mang theo phiếu số 2 để cán bộ tuyển sinh của trường đóng dấu xác nhận vào phiếu số 2 thì những bổ sung, điều chỉnh mới có giá trị.

Khi nộp hồ sơ thí sinh cần lưu ý cán bộ thu nhận hồ sơ phải ký và đóng dấu xác nhận vào phiếu số 2. Thí sinh phải giữ phiếu số 2 trong suốt quá trình dự thi và cả sau này, coi đó là biên lai đã nộp hồ sơ. Nếu bị thất lạc, mất phiếu số 2, phải liên lạc với phòng đào tạo của trường để phục hồi. Thí sinh tuyệt đối không được nhờ người khác khai hộ hồ sơ. Người khác không được phép ký thay cho thí sinh, còn nếu giả chữ ký của thí sinh là vi phạm pháp luật.

Các bạn cần xem xét thật kỹ khi đặt bút vào hồ sơ ĐKDT để tránh những sai sót không đáng có. Cần lưu ý đọc kỹ hướng dẫn làm hồ sơ in ở mặt sau phiếu số 2, đồng thời tham khảo cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2011”. Khi đọc hướng dẫn mà chưa hiểu thì phải hỏi thầy cô, hỏi trực tiếp cán bộ thu hồ sơ hoặc gọi trực tiếp đến số điện thoại tư vấn.

Tuấn Phong (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Thí sinh thi nhờ cần chú ý.

(Hiếu học) Thí sinh thi nhờ là những thí sinh có NV1 học tại trường ĐH, CĐ không tổ chức thi hoặc bậc CĐ của trường ĐH. Với những thí sinh này khi làm hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), cần chú ý một số điểm.

Thí sinh được rút hồ sơ xét tuyển: càng phải cân nhắc cho NV1

(hieuhoc_hieuhoc.com) Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 có điểm mới là thí sinh có thể rút hồ sơ xét tuyển (NV2, 3) đã nộp để nộp vào trường khác. Tuy nhiên, việc được rút hồ sơ không hẳn thuận lợi cho tất cả mọi thí sinh, các bạn cần cân nhắc trước khi nộp hồ sơ, nên chọn trường thi và ngành học vừa sức ngay từ NV1.   

Học hành & nghỉ ngơi điều độ

(hieuhoc_hieuhoc.com) Học quá tải không nghỉ ngơi cũng không khác gì đổ chai nước quá đầy, phần rớt ra ngoài sẽ lãng phí. Biết cách học có phương pháp, học mà chơi, chơi mà học thì mới đạt được hiệu quả.

Cách làm bài thi trắc nghiệm

(hieuhoc_hieuhoc.com)Trong các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm, nhiều học sinh do thiếu kinh nghiệm nên không đạt điểm cao khi làm bài thi trắc nghiệm. Giới thiệu với các bạn một vài kinh nghiệm về cách làm bài thi trắc nghiệm. 

Cùng chuyên mục