Rà soát lại cơ cấu giáo viên trong cả nước

Giải quyết thế nào với những giáo viên lương cao nhưng không có năng lực? Bao giờ đề án cải cách lương cho giáo viên được thực thi? Đó là một trong số những vấn đề bức xúc được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân trả lời tại buổi đối thoại trực tuyến trước thềm năm học mới vừa qua.

Rà soát lại cơ cấu giáo viên cả nước

Trước câu chuyện của một nông dân có hai con theo học ngành y và ngành sư phạm nhưng khi tốt nghiệp, xin vào đâu cũng phải mất một khoản tiền khá lớn, ông Trần Xuân Mậu – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ: Hiện nay do quy hoạch giáo viên chưa sát nên đầu vào chưa hấp dẫn. Việc tuyển dụng biên chế của các nhà trường tại mỗi địa phương cũng khác nhau. Có địa phương cần tuyển thêm, cũng có địa phương số giáo viên tương đối bão hòa, bảo đảm cơ cấu số lượng. Trong khi đó, việc đào tạo của các trường sư phạm có một số ngành, lĩnh vực lại vượt quá nhu cầu.

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận, ngành Giáo dục chưa có dự báo đầy đủ về nhu cầu giáo viên các cấp. Các trường sư phạm vẫn đào tạo theo khả năng, chưa theo nhu cầu của xã hội.

Do đó, Bộ GD&ĐT đang yêu cầu các địa phương phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo đến năm 2015, kế hoạch này phải được kết nối với các trường sư phạm trên địa bàn để việc đào tạo giáo viên đáp ứng số lượng, cơ cấu cho đội ngũ giáo viên tại địa bàn. Ông Mậu thừa nhận việc làm này đòi hỏi phải có thời gian, Cục nhà giáo là đơn vị quản lý chăm lo cho đội ngũ nhà giáo, sẽ là cầu nối. Nếu sinh viên sư phạm tốt nghiệp gặp khó khăn về việc làm, gia đình khó khăn… qua kênh của Cục Nhà giáo, sẽ giới thiệu họ tới làm việc trực tiếp ở các địa phương có nhu cầu.

Ngoài kế hoạch rà soát lại cơ cấu giáo viên trong cả nước, ngành GD&ĐT phải đưa ra phương án đối với các đối tượng là SV vừa qua đào tạo hệ sư phạm nhưng ở địa phương đó lại chưa có nhu cầu: Đối tượng này có thể học bổ túc để chuyển đổi sang bằng 2. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Hiện nay, một số địa phương đã thực hiện đào tạo 3 năm đầu là khoa học cơ bản, năm thứ tư đào tạo chuyên ngành mới quyết định chuyển hệ sư phạm hay kỹ sư. Và lúc đó, khi vào làm tại một cơ quan, họ có thể vừa làm việc vừa đào tạo nghề.

Giáo viên không đủ năng lực: Bố trí việc khác

Mặc dù sinh viên sư phạm mới ra trường khó tìm được việc làm nhưng ở các trường, hiện còn tồn tại thực tế nhiều giáo viên năng lực kém, có tâm lý yên vị vì ỉ mình là giáo viên chính thức. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, không thể kéo dài tình trạng này lâu hơn mà sẽ có hướng sắp xếp cho các giáo viên kém năng lực này công việc khác thay vì đứng lớp. Nếu những người này vẫn không đáp ứng được nhu cầu công việc thì sẽ cho nghỉ trước tuổi.

Theo ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT), quy trình từ trước đến nay là giáo viên không đạt chuẩn sẽ được đào tạo để đạt chuẩn. Những người không đủ điều kiện nâng cao chuẩn nghề nghiệp thì chuyển sang công việc khác. Nếu chuyển sang công việc khác cũng không đạt thì phải thôi việc và được trợ cấp. Với đội ngũ giáo viên tuyển mới theo hình thức hợp đồng nào, sẽ được trả lương theo mức độ bằng cấp và hình thức kí hợp đồng đó.

Trước nhiều câu hỏi về Đề án cải cách lương cho giáo viên và cán bộ QLGD bao giờ được thực thi? -Phó Thủ tướng cho biết, trong đề án Chính phủ trình Quốc hội đổi mới cơ chế tài chính, qua thảo luận, Quốc hội đã biểu quyết: trong giai đoạn 2011 – 2015, sẽ thực hiện phụ cấp nhà giáo. Như vậy, phụ cấp nhà giáo sẽ làm tăng thu nhập của giáo viên đồng thời tăng thêm sự gắn bó của giáo viên với ngành. Điều này đã nằm trong kế hoạch triển khai. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế nên tiến độ của việc thực hiện thâm niên sẽ được quyết định cụ thể trong thời gian từ chương trình 2009-2014 ở thời điểm phù hợp.

Còn đối với cán bộ quản lý, Quốc hội đã thông qua một chính sách đặc biệt: Nếu thầy cô giáo dạy giỏi sẽ chuyển sang làm cán bộ quản lý ở Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục. Theo đó, họ vẫn được giữ phụ cấp giảng dạy trong vòng 3 năm mặc dù không còn dạy nữa.

Theo Bộ GD&ĐT, đến năm 2010, tất cả các giáo viên sẽ tuyển mới theo hình thức hợp đồng, xóa bỏ biên chế. Hình thức này đã được thí điểm áp dụng từ năm 2008, nhằm tạo sự phấn đấu trong mỗi giáo viên. Trong giai đoạn giao thời, sẽ vẫn có giáo viên trong biên chế và ngoài biên chế.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, trước mắt, cần chấp nhận thực trạng này nhưng sẽ có giải pháp hỗ trợ để vẫn tạo thái độ làm việc đúng mức, cống hiến nhiều hơn nữa của đội ngũ giáo viên biên chế.

Theo Gia Đình

Cùng chuyên mục