Sau 2010: Xây dựng chương trình mới, viết nhiều bộ sách

Chương trình giáo dục phổ thông sẽ được đổi mới một cách cơ bản theo hướng tích hợp các môn học, tạo cơ hội lựa chọn nội dung học tập nhiều hơn. Bộ sẽ tổ chức biên soạn một số bộ SGK dựa trên chương trình chuẩn quốc gia. Các bộ SGK này sẽ do Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định và trao quyền lựa chọn sử dụng cho các địa phương.

Đây là những thông tin đưa ra tối 26/5, nhân dịp lần thứ hai lãnh đạo Bộ GD-ĐT tổ chức gặp gỡ đại biểu Quốc hội là nhà giáo.

14 ưu điểm – 14 hạn chế

Sau gần 2 tháng triển khai trên quy mô toàn quốc, đến ngày 15/5, Bộ GD-ĐT đã nhận được 204 báo cáo ý kiến đánh giá CT, SGK của các tập thể và cá nhân của 60 Sở GD-ĐT (chiếm 94% số Sở của cả nước; hơn 20 nghìn trường phổ thông đã tham gia, chiếm hơn 50% tổng số trường phổ thông); của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam và các hội thành viên (11 báo cáo); của Hội Cựu giáo chức (12 báo cáo) và của Hội Khuyến học (35 báo cáo)…

Sau khi tổng hợp ý kiến đánh giá, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 14 ưu điểm và 14 thiếu sót, hạn chế thông quá các tiêu chí đánh giá cụ thể.

Cụ thể, về chương trình (CT), đánh giá về “mức độ quán triệt đường lối giáo dục của Đảng, Nhà nước và đảm bảo tính khoa học, sư phạm của CT”, các Hội, Sở đã đưa ra 6 ưu điểm và 4 hạn chế.

Các thiếu sót chủ yếu tập trung vào các nội dung như chưa đảm bảo cân đối giữa “dạy chữ” và “dạy người”; một số môn ở trung học ít được thực hành và rèn luyện kỹ năng (Ngữ văn, Sinh học, Vật lý, Tiếng Anh) hay còn trùng lặp nội dung một số môn Sinh và Công nghệ, hoạt động ngoài giờ lên lớp và Giáo dục công dân…

Khi đề cập đến mức độ đảm bảo tính khả thi của CT, cũng có 2 ưu điểm . Đồng thời, cũng chỉ ra 2 hạn chế như không phù hợp giữa dung lượng kiến thức và thời lượng học tập; giữa chương trình giáo dục với điều kiện CSVC và trình độ của một bộ phận giáo viên.

Đánh giá SGK phổ thông chủ yếu tập trung vào các tiêu chí: mức độ đảm bảo tính khoa học, sư phạm, phù hợp thực tiễn của SGK; mức độ đảm bảo thống nhất với CT và mức độ đảm bảo tính khả thi.

Ở mức độ thứ nhất, 4 ưu điểm, 4 thiếu sót được chỉ ra với đánh giá của các Hội, phần trăm ý kiến của các Sở. Các vấn đề cần giải quyết chủ yếu tập trung vào việc trình bày SGK từ câu chữ, thuật ngữ, ký hiệu; thiếu sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giữa ôn tập và kiểm tra.

Mức độ thứ 2 chỉ rõ nguyên nhân gây “quá tải” là có những nội dung đưa vào SGK vượt quá quy định về mức độ cần đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình.

Về tính khả thi, có một số bài yêu cầu kiến thức còn nặng, dài dòng, yêu cầu ghi nhớ máy móc, chưa phù hợp với phần đông HS mà chỉ phù hợp với những HS tự giác và học lực khá, giỏi. Hội Cựu giáo chức, Hội khuyến học và 55,3% Sở GD-ĐT đánh giá, nội dung SGK chưa tính đến điều kiện vùng miền.

Giải pháp lâu dài và 11 giải pháp trước mắt

Theo kế hoạch, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tổ chức đánh giá CT, SGK ở các năm học tiếp theo cho đến năm 2010 để từ đó có hướng dẫn điều chỉnh nội dung và cách dạy từng môn phù hợp. Lãnh đạo Bộ quan điểm, nếu có đầy đủ thông tin về chất lượng kém của một số SGK cụ thể, có thể sẽ quyết định viết lại một số cuốn.

Trong báo cáo kết quả đánh giá CT, SGK gửi đại biểu Quốc hội ngành giáo dục, Bộ cũng chỉ ra giải pháp lâu dài về CT và sách là sẽ bắt đầu triển khai nghiên cứu để xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông mới, triển khai sau năm 2010.

Chương trình giáo dục phổ thông sẽ được đổi mới một cách cơ bản theo hướng tích hợp các môn học, tạo cơ hội lựa chọn nội dung học tập nhiều hơn. Bộ sẽ tổ chức biên soạn một số bộ SGK dựa trên chương trình chuẩn quốc gia. Các bộ SGK này sẽ do Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định và trao quyền lựa chọn sử dụng cho các địa phương.

Trên cơ sở giải pháp lâu dài đó, vấn đề “nóng bỏng” hiện nay nhằm khắc phục sai sót, giảm mức độ quá tải đã được Bộ thông báo đến các đại biểu qua 11 hoạt động cụ thể.

Giải pháp trước mắt đầu tiên được Bộ đưa ra là việc đưa lên trang tin điện tử của Bộ toàn bộ văn bản chương trình giáo dục phổ thông để giáo viên, HS, cán bộ quản lý tiếp cận dễ dàng hơn, đồng thời, hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cụ thể hơn. Thời gian hoàn thành các tài liệu chuẩn này là 20/8/2008 với xác định rõ từng bài các nội dung cần dạy và học cho mỗi loại đối tượng HS khá giỏi, trung bình, kém và HS các vùng dân tộc, vùng khó khăn.

Cũng trên trang tin điện tử này, từ ngày 1/7/2008, Bộ sẽ khai trương mục Góp ý SGK để mọi người dân có thể đóng góp trực tiếp cho các vấn đề của SGK, đồng thời sẽ có sự trao đổi lại của các cán bộ có trách nhiệm và các tác giả SGK.

Kế hoạch dạy học tới đây cũng sẽ được điều chỉnh lại cho phù hợp để đảm bảo tối đa ở tiểu học là 25 tiết/tuần (hiện nay là 23-25 tiết/tuần), THCS 28 tiết/tuần (hiện nay là 28,5-29,5 tiết/tuần) và THPT là 29 tiết/tuần (hiện nay là trên 30). Trên cơ sở đó, Bộ sẽ xem xét để điều chỉnh thời gian nghỉ hè; chuyển một số môn từ bắt buộc sang tự chọn bắt buộc như Mỹ thuật, Thủ công/Kỹ thuật và Âm nhạc ở tiểu học, giáo dục hướng nghiệp và nghề phổ thông ở trung học, tích hợp các môn Giáo dục công dân và giáo dục ngoài giờ lên lớp… nhằm làm giảm tổng số môn học với một HS.

Một giải pháp để thúc đẩy quá trình thay đổi cách học, cách dạy là đổi mới cách thức kiểm tra, thi. Đặc biệt, giảm tình trạng kiểm tra, thi với yêu cầu HS phải thuộc lòng nhiều sự kiện, các bài văn mẫu, tăng cường các câu hỏi đòi hỏi HS suy nghĩ, trả lời theo cách hiểu và vận dụng của riêng mình. Bộ GD-ĐT chủ trương, từ năm học 2008-2009, sẽ tập trung đổi mới cách kiểm tra, thi theo hướng này ở 3 môn: Ngữ văn (Tiếng Việt), Lịch sử và Địa lý.

Đối với các môn năng khiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật và Thể dục ở tiểu học và trung học đều đánh giá theo mức “đạt” hoặc “không đạt”. Đồng thời, môn Thể dục sẽ chuyển sang hướng khuyến khích HS tập luyện thể thao có hệ thống, có cơ sở khoa học và nâng cao thể lực phù hợp với đặc điểm của mỗi HS.

Qua đây, Bộ GD cũng chỉ đạo các giám đốc Sở phải quyết định nội dung giáo dục địa phương trong chương trình học và thông báo cho các trường trước ngày 30/7/2008.

Đến hết năm 2008, các văn bản quy định quy trình biên soạn, thẩm định, phát hành SGK sẽ được hoàn thiện và ban hành.

Trước tháng 5/2009, Bộ sẽ đánh giá sâu về tính sư phạm, tính khả thi và hiệu quả của 2 môn học Thủ công ở tiểu học và Giáo dục công dân ở trung học để có giải pháp xử lý phù hợp.

Bảo Anh (Theo VietNamNet)

Cùng chuyên mục