Kinh nghiệm khởi nghiệp: Không có ý tưởng nào cũ

Trong thời đại Internet, khi mà hầu hết người trẻ khát khao làm giàu đều muốn khởi nghiệp từ công nghệ, Jeff Platt lại chọn một con đường khác – khó khăn hơn. Đó là vực dậy công ty đã sắp đến hồi đóng cửa của gia đình.

Công ty Sky Zone của gia đình Jeff Platt kinh doanh một lĩnh vực khá lạ là khu vui chơi giải trí bằng bạt lò xo. Tại các “công viên” này, người chơi có thể nhún nhảy bay bổng trên không trung với sàn và tường làm bạt lò xo, ngập lặn trong “hồ” mút xốp tham gia các trò như bóng rổ, bóng ném hay thậm chí là thử qua phiên bản đời thực của trò quidditch đấu bóng trên không được mô tả trong truyện Harry Porter.

Năm 2002, khi khai trương công viên đầu tiên, cha của Jeff nghĩ ông sẽ có thể lèo lái việc kinh doanh này một mình. Nhưng không lâu sau đó, chàng trai 21 tuổi phải lao vào “dầu sôi lửa bỏng” để điều hành công ty vượt qua khủng hoảng.

Cha của Jeff, ông Rick đã đầu tư 2 triệu đô để mở khu bạt lò xo đầu tiên rộng 1.600m2 tại Las Vegas với mong muốn sáng tạo các môn thể thao chuyên nghiệp trên không, dành riêng cho giới vận động viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ý tưởng này mau chóng thất bại và gia đình đã cạn kiệt tiền đầu tư.

Trò bay nhảy này giúp tiêu hao 1.000 calories mỗi giờ và là điểm đến ưa thích của trẻ em lẫn người lớn

Trong thời gian ế ẩm, các tay chơi ván trượt quanh vùng thường đến Sky Zone để tập luyện nhào lộn miễn phí. Nhìn thấy cơ hội kinh doanh, Jeff khuyên cha mở cửa khu vui chơi cho mọi đối tượng với giá vé 8 đô la. Chỉ trong 6 tháng sau đó, khu vui chơi thu hút 100.000 lượt khách và mang về lợi nhuận 415.000 đô la.

Sky Zone giờ đây sở hữu 140 khu vui chơi theo mô hình nhượng quyền ở 5 quốc gia khác nhau (Mỹ, Canada, Mexico, Úc, Saudi Arabia) với tổng lợi nhuận năm 2015 là 240 triệu đô la.

Khi nói về thành công của Sky Zone, Jeff luôn biết ơn cha mình vì đã nghĩ ra ý tưởng độc đáo ban đầu và sau đó ủng hộ con trai thay đổi mô hình kinh doanh. Khi việc kinh doanh vừa đi vào ổn định, Sky Zone mở thêm một địa điểm thứ 2 thì gia đình gặp tin dữ. Mẹ Jeff vừa phát hiện bị mắc bệnh ung thư và cha anh phải từ bỏ việc kinh doanh để dành toàn thời gian chăm sóc bà.

Ở tuổi 21, một mình Jeff bước vào kinh doanh với tâm niệm: “Đây là công việc kinh doanh mà gia đình tôi đã dốc sức đầu tư, và tôi phải làm hết sức để chứng minh mình đủ bản lĩnh để xứng đáng với vị trí này”.

Những ngày đầu khởi nghiệp, Jeff tự mình làm hết mọi công việc kể cả tự tay dọn dẹp vệ sinh khu vui chơi rộng lớn để tiết kiệm chi phí.

10 năm sau, ở tuổi 31, Jeff Platt đã là một CEO kỳ cựu và là CEO trẻ tuổi nhất xuất hiện trên chương trình giới thiệu gương mặt doanh nhân thành công “Undercover Boss” của đàiCNBC. Anh chia sẻ 4 bài học quản trị hiệu quả mà anh đã học được từ Sky Zone:

1. Tin tưởng đội ngũ

Hết lần này đến lần khác, tôi học được cách phải tin tưởng và giao quyền quyết định cho nhóm của mình. Tôi phải để cả nhóm cùng nhau ra quyết định.

2. Trọng dụng nhân tài

Platt khuyên các doanh nghiệp không nên tiếc tiền thuê nhân sự có năng lực. Theo quan điểm của anh, thà tốn chi phí tuyển dụng còn hơn tốn chi phí đào tạo và sửa chữa những sai lầm do việc thuê nhân sự thiếu kỹ năng gây ra.

3. Hiểu rõ khách hàng

Sky Zone giờ đã mở rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới nên cần phải thay đổi để phù hợp với văn hóa địa phương. Ví dụ, tại Saudi Arabia, khu vui chơi phải tách ra nhiều khu vực khác nhau theo giới tính. Tại Úc, người chơi lại rất thích thể thao nên một bức tường leo núi được thêm vào để chiều lòng khách hàng.

Thành công của Sky Zone kéo theo nhiều công ty khác sao chép mô hình kinh doanh này và hiện nay có khoảng 600 khu vui chơi kiểu này tại 16 quốc gia khác nhau trên thế giới. Một số người lo ngại tính an toàn của trò chơi nhưng Jeff tự tin: “ Dĩ nhiên là có rủi ro và chúng tôi quản lý rủi ro chứ không tiêu diệt nó”. Cho đến nay chưa có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra tại Sky Zone.

4. Không có ý tưởng nào cũ

Khu vui chơi trẻ em không có gì mới, đệm nhún lò xo cũng chẳng lạ, bóng rổ hay bóng chuyền càng quen thuộc hơn nữa, nhưng Jeff đã tìm ra cách để kết hợp và khai thác nó theo một cách hoàn toàn mới.

Jeff chia sẻ: “Khi tôi bắt đầu quản lý khu vui chơi đầu tiên của gia đình, bạn bè nghĩ tôi điên mất rồi, vì mọi người khi ấy bắt đầu vào làm tại các ngân hàng đầu tư danh tiếng hay trở thành luật sư. Tôi ở thời điểm đó cũng không tưởng tượng được mình đạt được thành quả hôm nay, nhưng tôi đã luôn rất vui và hài lòng với công việc của mình”.

Theo: Phúc An (DNSGCT)

Bài liên quan

Công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp tư nhân.

Một công ty khởi nghiệp (start-up) có khác gì với một công ty tư nhân hay doanh nghiệp nhỏ? - Hiểu sự khác biệt giữa Khởi nghiệp (Startup) và Doanh nghiệp nhỏ (Small Business), và nhận biết điểm mạnh cá nhân của chính bạn là những yếu tố hết sức quan trọng để có thể đến được đích đến mơ ước.  

Khởi nghiệp khi có giải pháp tồn tại.

(Hieuhoc-Hieuhoc.com) Khi khởi nghiệp, điều đầu tiên bạn phải nghĩ tới là tồn tại đã, tồn tại càng lâu càng tốt, làm sao để vừa khởi sự đã có thể sống được, rồi từ từ phát triển lên. Và để tồn tại, bạn phải trả lời câu hỏi: làm cái gì phù hợp với hoàn cảnh của mình và nếu làm, mình sẽ cải tiến làm tốt hơn ở điểm nào? 

Khởi đầu sự nghiệp từ việc kiếm sống hàng ngày.

(Hieuhoc-Hieuhoc.com) Khi lựa chọn công việc để khởi đầu, bạn không cần phải lo lắng cho dù bạn đang không có kế hoạch gì, hãy cứ bắt đầu như là chỉ để kiếm sống hàng ngày. Bởi đôi khi những công việc tốt nhất lại đến từ những quyết định ngẫu hứng, không chuẩn bị trước. 

Cùng chuyên mục