Ấn tượng với nữ sinh 3 lần đỗ thủ khoa

Là thủ khoa vào khối chuyên Văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), năm 2008 Vũ Hồng Nhung tiếp tục đứng đầu kì thi của SV hệ chất lượng cao, khoa Ngữ văn, ĐH SPHN. Mới đây, cô bạn đỗ thủ khoa tốt nghiệp ngành SP Ngữ văn với điểm học tập toàn khóa 8.71/10.0.

Hồng Nhung là một trong số 107 thủ khoa khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2012.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo khi từ cụ nội là thầy đồ dạy chữ Nho, bố là thầy giáo dạy Văn còn mẹ dạy Toán tiểu học, cô bé Vũ Hồng Nhung sớm đã ngấm vào máu của mình tình yêu với phấn trắng, bảng đen. Ngày còn nhỏ, Nhung thích học Toán hơn nhưng trong cuộc thi “Hội thi kể chuyện theo sách toàn quốc bậc tiểu học toàn quốc”, cô bạn đạt giải Nhì và em đã đến với môn Văn một cách tự nhiên. Mỗi bài văn, bài thơ đều mang lại cho Nhung những cảm xúc và sự rung động thật sự để rồi em gắn tâm hồn mình với môn Văn càng sâu đậm hơn khi quyết định thi vào khối chuyên Văn của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (tỉnh Nam Định).

Với những thành tích đạt được như giải Văn kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm lớp 12, Vũ Hồng Nhung càng xác định đi hướng nghề nghiệp theo đuổi cho mình. Lúc bấy giờ nhiều người khuyên em nên thi Luật hay Báo chí bởi ngành nghề đó năng động và phù hợp với xã hội hiện đại, tuy nhiên em lại chọn con đường đi cho mình đó là mong muốn được làm một cô giáo dạy Văn. Nhớ lại điều này, Nhung tâm sự: “Em cũng suy nghĩ nhiều lắm nhưng được làm điều mình thích và đam mê là tuyệt nhất. 4 năm học văn ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, với em lúc nào cũng là những giây phút thú vị và dạy cho em rất nhiều điều nhân văn và ý nghĩa”.

Với điểm học tập toàn khóa 8.71/10.0, Hồng Nhung đỗ thủ khoa tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2012.

Chia sẻ về chuyên ngành học của mình, Nhung cho biết bộ môn nào cũng có những vẻ đẹp và giá trị riêng, tuy nhiên bản thân em lại thích văn học Việt Nam hiện đại nhất. Từ khi còn học phổ thông, Nhung đã rất ngưỡng mộ những người thầy như GS. Nguyễn Đăng Mạnh, PGS.TS. Nguyễn Thị Bình, TS. Chu Văn Sơn… và một điều may mắn đó là sau này em lại được học chính các thầy cô giáo này khiến cho tình yêu với văn chương như có thêm sức mạnh để bản thân mình gắn bó với nó nhiều hơn.

Với Nhung, học Văn giúp em giàu có hơn về mặt tâm hồn, tình cảm, dạy cho em nhiều bài học trong cuộc sống hàng ngày về cách đối nhân xử thế. Và hiện tại đã tốt nghiệp ra trường thì chính môn Văn cũng đang giúp em có một công việc ổn định để lo lắng được cho cuộc sống và tiếp tục sống với đam mê.

Bàn luận về vấn đề ngày nay có rất nhiều bạn trẻ ngại học Văn và lười học Văn, Nhung thẳng thắn nói lên quan điểm của mình: “Học Văn giúp tâm hồn sẽ phong phú hơn, giàu xúc cảm, dễ rung động và nhạy cảm, hay suy nghĩ hơn. Tuy nhiên cần hiểu chính xác môn Văn học là một bộ môn khoa học vì thế học văn đòi hỏi mỗi người bên cạnh cảm xúc và sự tinh tế, cần phải có lí trí tỉnh táo, tư duy logic, mạch lạc khi nghiên cứu, tìm hiểu tác phẩm. Không phải cứ học Văn là lúc nào cũng mơ màng, bay bổng, thả hồn mình trên mây trên gió như nhiều người vẫn nghĩ”.

Chia sẻ về dự định trong tương lai Nhung cho biết em mong muốn trở thành một cô giáo dạy Văn giỏi vì thế em sẽ cố gắng học hỏi kinh nghiệm giảng dạy của các thày cô giáo đi trước, để làm tốt công tác chuyên môn và dự định học tiếp lớp Thạc sĩ chuyên ngành văn học Việt Nam hiện đại.

Nguồn; dân trí

Bài liên quan

Thủ khoa ĐH Tây Nguyên chủ yếu học trên mạng

 Đó là chia sẻ của tân thủ khoa Trường ĐH Tây Nguyên - Nguyễn Hải Linh (HS lớp 12A1, Trường THPT Buôn Ma Thuột, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) khi trò chuyện với PV Dân trí về bí quyết học tập đạt kết quả cao của mình.

Nỗi lo của cô học trò nghèo đỗ điểm cao 2 trường ĐH

  Kỳ thi ĐH vừa qua, Nguyễn Thị Hằng đỗ cả 2 trường trong đó ĐH Dược HN em được 26 điểm, còn ĐH Y HN em đạt 27 điểm. Thế nhưng đường đến giảng đường đại học của cô học trò nghèo ở xóm 1B xã Thanh Phong, Thanh Chương (Nghệ An) đang còn quá xa vời…  

Thủ khoa ĐH Bách khoa mê Lịch sử

Là thủ khoa đại học công nghệ lớn, chọn ngành Công nghệ Thông tin với mong muốn trở thành lập trình viên nhưng cậu học trò nghèo Lưu Thế Anh lại cực kỳ mê Lịch sử và thành thạo việc băm rau, quấy cám, đi cấy...

Cùng chuyên mục