Gã hai lúa nổi tiếng vì siêu phẩm công nghệ

Sinh viên thường được nhắc đến với cảnh “giật gấu vá vai”, đầu tháng no, cuối tháng viêm màng túi.

Thế mà ở Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, có một anh chàng năm thứ hai quần áo giản dị, tác phong gọn gàng lại nổi tiếng vì sở hữu nhiều siêu phẩm công nghệ. Hôm trước thấy anh chàng cầm con HTC One X+ lõi tứ lướt web, hôm sau lại hí hoáy chơi game với Samsung Galaxy Note 2.

Gần đây nhất, bạn bè có dịp lác mắt vì anh chàng lấp ló trên tay cả iPad mini, ngay trong thời điểm Quả Táo cắn dở còn đang thông báo khan hàng. Đó là vì anh chàng Đinh Văn Nam này, cùng nhiều bạn trẻ khác dám dấn thân vào một công việc nhiều thách thức: Review thiết bị số.

Từ một chàng gia sư quê lúa

Từng cọc cạch xe buýt đi khắp thủ đô dạy thêm các em học sinh cấp 2, cấp 3, Đinh Văn Nam thú thật rằng tuy thu nhập cũng tạm ổn, nhưng không chiều nổi một số teen tính khí hơi quái chiêu. Nam quyết định… nghỉ việc và tìm cho mình một hướng đi mới.

Từ bé, Nam đã thích vọc vạch đồ điện tử theo bố. Và cũng không ít lần hai bố con bị mẹ trách yêu vì tháo tung và… làm hỏng đồ đạc trong nhà. Một lần xem trên truyền hình về chiếc điện thoại Blackberry, Nam cảm thấy thực sự bị cuốn hút ở bàn phím Qwerty.

Năm lớp 11, Nam được sở hữu chiếc điện thoại đầu tiên trong đời: chiếc Blackberry 7290. Cậu chàng cố gắng khai thác hết các tính năng ở chiếc điện thoại ít tiền, ít chức năng này bằng cách tham gia học hỏi trên diễn đàn tinhte.vn.

Và công việc trong mơ đã đến với Nam khi thi đỗ vào vị trí kỹ thuật ở một cửa hàng nổi tiếng về thiết bị số xách tay ở Hà Nội. Công việc cụ thể của Nam là thực hiện các seri bài mở hộp, đánh giá, trên tay, chụp ảnh, quay video… các sản phẩm mới về. Dùng thử và trải nghiệm các sản phẩm, công nghệ mới để đưa ra các bài đánh giá khách quan cũng như cách sử dụng sản phẩm hiệu quả.
Trong một thế giới nhà báo công nghệ phần nhiều là nhà báo nữ, sự có mặt của những chuyên gia công nghệ trẻ và nhiệt tình như Nam trong nhiều trường hợp thực sự là… cứu cánh cho các chị em.

Học làm truyền thông về công nghệ

Vượt qua những khó khăn đầu tiên, điểm thú vị nhất của công việc, theo Nam là được tiếp xúc với các siêu phẩm đẳng cấp thế giới cực sớm, thường chỉ sau khi thiết bị chính thức bán ra ở thị trường thế giới vài ngày. Tuy nhiên, Nam rút ra là đôi khi sự thật cũng không giống như quảng cáo. Mỗi chiếc đều có một vài nhược điểm mà người tiêu dùng thông thường sẽ khó biết như thời lượng pin hẻo, màn hình dễ trầy xước, máy ảnh kém trong điều kiện thiếu sáng, nắp lưng bám bẩn…

“Nhược điểm của sản phẩm là gì?” luôn là câu hỏi khiến Nam đau đầu. Theo chỉ đạo của sếp, Nam cùng nhóm cộng sự sẵn sàng cho anh em báo chí mượn máy để quay phim, chụp ảnh, thậm chí làm các thử nghiệm nguy hiểm (thả vào nước, cho va đập…) để có câu trả lời thực tế về hiệu năng, sức bền… của máy. Không bao giờ Nam và các bạn bưng bít thông tin về nhược điểm sản phẩm như nhiều cửa hàng khác.

Thậm chí, Nam kể, một lần chị phóng viên ở kênh công nghệ VTC2 lỡ tay đánh rơi chiếc HTC One X từ trên mặt bàn xuống đất, chị áy náy thực sự vì sản phẩm đắt tiền, lỡ có hỏng hóc thì cũng khó đền được. Nhưng Nam trấn an chị ngay: “Không sao, đó cũng là một bài test về độ bền, khả năng chịu va đập của sản phẩm, chị cứ yên tâm”.


Những bài test thót tim

Nam cho rằng, cùng là mở hộp, đánh giá nhưng nếu có những bài test thú vị thì sự quan tâm của cộng đồng sẽ lớn hơn. Đó là lý do mà gần đây, Nam và các bạn đã thử máy dưới nhiều điều kiện khắc nghiệt. Có thể kể đến lần thử 4 máy điện thoại, bao gồm 2 máy có chức năng chống nước và 2 máy không có chức năng chống nước vào bể cá cảnh.

Hình ảnh thu được tuyệt đẹp khi những chú cá vàng tò mò xoe tròn đôi mắt nhìn những chiếc máy nhấp nháy quanh mình. Tuy nhiên, sau bài test thử trên, iPhone 4S dù đã được bọc kỹ vẫn bị ngấm nước tắt ngúm.

Hình ảnh ấn tượng nhất Nam còn nhớ, là từng thả 7 chiếc điện thoại thoại chống nước nhiều dòng khác nhau vào bể cá khá sâu, gồm cả những dòng siêu bền như AGM Rock V5, Sonim, Outfone cho đến Motorola, rồi cả điện thoại Nhật của nhà mạng NTT Docomo.

Và ngay sau khi còn ướt nước, một vài chiếc đã được đặt dưới bánh xe ô tô truyền hình VTC gần 2 tấn cán qua. Và ngay khi dấu bánh xe còn in hằn trên màn hình, cả tốp run run bật lại máy và thở phào khi cả 3 em điện thoại đều vượt qua thử nghiệm xuất sắc. Đó là những màn thử nghiệm táo bạo không kém gì các website công nghệ của nước ngoài, và luôn có số lượng pageview rất cao.


Đằng sau hào quang của siêu phẩm số

Nam nói, đằng sau niềm hạnh phúc, đôi khi anh chàng thấy trống rỗng. Trước kia chỉ có một vài máy nên Nam có thời gian tìm hiểu kỹ và khai thác máy một cách tối đa. Giờ thì ngược lại, có thời điểm máy về ồ ạt nên nhiều sản phẩm Nam chỉ dùng được một cách hời hợt, nhược điểm và các lỗi thường gặp không thể biết hết.

Máy thường về buổi đêm nên phải thức khuya, có hôm đêm trắng để sáng ra phục vụ tính thời sự cho báo chí. Nhìn bề ngoài nhiều người tưởng công việc ngon ăn, chỉ ngồi máy tính, nhưng thực tế, công việc cần đầu tư nhiều chất xám và cũng rất hao tổn sức khỏe.

Theo đó, bộ phận Công nghệ là một khái niệm mới ra đời ở một số cửa hàng thiết bị số chuyên nghiệp. Bộ phận này gần như 100% nhân viên thuộc thế hệ 9x. Họ được trang bị rất nhiều thiết bị tân tiến như máy quay, máy ảnh, máy tính cấu hình mạnh. Họ làm các bài và clip review (trên tay/mở hộp/đánh giá/so sánh…) sản phẩm.

Họ phụ trách các forum riêng của cửa hàng và tích cực tham gia chia sẻ thông tin trên các diễn đàn khác. Họ đưa ra những chương trình khuyến mãi thời vụ như tặng game, tặng phần mềm bản quyền, tặng sách trong ngày giỗ đầu của phù thủy công nghệ Steve Jobs… Việc họ làm, trên hết là vì lợi nhuận của doanh nghiệp, nhưng xét về khía cạnh nào đó, họ cũng mang lại một làn gió mới cho cộng đồng yêu công nghệ tại Việt Nam.

Theo VTC

Cùng chuyên mục