Hát để cứu mẹ.

(Hiếu học). Có nhiều cảnh đời bất hạnh trong cuộc sống của chúng ta, nhưng họ đều biết vượt lên hoàn cảnh để thực hiện hoài bão của mình

Khác với những kẻ lắm tiền học đòi làm nghệ sĩ, chàng trai khiếm thị Vũ Hải làm đĩa bán tiếng hát của mình để lấy tiền chữa bệnh cho mẹ và nuôi sống bản thân

Người dân ở các thành phố tại các tỉnh miền Tây vẫn thường gặp một chàng trai khiếm thị vai mang túi xách đựng đầy đĩa nhạc cùng với mẹ lang thang khắp phố thị mời mọc mọi người mua đĩa hát của mình.

Ban đầu, vì thương hoàn cảnh chàng trai tật nguyền nên nhiều người mua để giúp đỡ nhưng khi nghe qua đĩa của anh rồi thì người ta lại tìm mua vì giọng ca và tấm lòng của Hải.

Đến nay, Vũ Hảiđã có được 16 album ca cổ và ca nhạc ghi tiếng hát của mình với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng do anh tự sản xuất và phát hành.

Ca sĩ Chế Thanh hướng dẫn Vũ Hải (phải) thu âm trong phòng thu của mình

Tấm lòng hiếu thảo

Chúng tôi tìm đến ấp Mỹ Hòa, xã Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang tìm gặp chàng “nghệ sĩ” khiếm thị có chất giọng khá truyền cảm này. Hải (tên thật Trần Ngọc Hải – sinh năm 1981) là con trai út trong gia đình nông dân nghèo. Mới được mười tháng tuổi thì căn bệnh đậu mùa đã cướp đi ánh sáng.

Các anh chị của Hải đã lập gia đình nhưng sống trong nghèo khổ. Ba mẹ Hải làm nghề chằm lá, quanh năm quần quật mà cái nghèo cứ đeo theo. Hải đau ốm triền miên.

Bà Phạm Thị Thương, mẹ của Hải, năm nay đã 80 tuổi, sụt sùi kể về đứa con trai ốm yếu mê ca hát của mình: “Năm lên 7 tuổi, Hải thích nghệ sĩ Vũ Linh lắm. Nghe qua một lần là đã ca theo những bài Vũ Linh hát trên sóng phát thanh… Bà con trong xóm thương lắm, hễ trời sáng trăng là kêu cháu tới nhà, trải chiếu ngoài sân, nấu cháo cá cho ăn để hát cho bà con nghe”.

Và từ những buổi tham gia đờn ca tài tử trong xóm, Vũ Hải bắt đầu biết ca theo nhịp đờn. Năm 15 tuổi, cha của Hải mắc bệnh viêm phổi nặng phải nghỉ làm, mẹ Hải một mình không thể tiếp tục nghề chằm lá, hai mẹ con vay ít vốn mua vé số đi bán dạo.

Năm Hải 23 tuổi, cha qua đời vì nhà không còn gì bán để lo thuốc cho cha, mẹ lại trở bệnh nặng.

Căn bệnh huyết áp và tiểu đường làm đôi chân của mẹ Hải sưng vù, đi đứng khó khăn. Vậy là ròng rã gần một năm, Hải phải đi bán vé số một mình. Một hôm về đến nhà anh liền khoe: “Má ơi! Con gặp được anh út”. Má hỏi anh út nào, em vui mừng hét to lên: “Là ca sĩ Chế Thanh”.

Như một giấc mơ

Vũ Hải kể: “Em đi bán vé số ở Long Xuyên, nghe bà con nói ở quán cà phê gần đó có một đoàn ca sĩ ở TPHCM đang ngồi uống nước, trong đó có ca sĩ Chế Thanh. Em lần mò tìm đến. Không ngại ngùng, em bày tỏ ước muốn được đi hát để có tiền mua thuốc cho mẹ đang bệnh nặng. Ca sĩ Chế Thanh đề nghị em hát cho anh nghe thử một câu vọng cổ.

Sau khi nghe em ca Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà, anh đã hứa sẽ giúp em thực hiện ước nguyện. Anh cho phép em gọi thân mật là anh út và hỏi nếu đi hát em sẽ lấy nghệ danh gì? Em thưa rằng, từ nhỏ em thần tượng nghệ sĩ Vũ Linh, nên em sẽ lấy tên là Vũ Hải”.

Qua lời giới thiệu và giúp đỡ của ca sĩ Chế Thanh, Vũ Hải tìm đến phòng thu âm Thanh Hải ở Long Xuyên, ngày đầu tiên bước vào phòng thu, Vũ Hải rất xúc động khi biếtước nguyện của mình sắp thành hiện thực.

Hải thu một ngày 7 bài tân cổ giao duyên. Vì không có vốn, Hải không dám in nhiều đĩa, chỉ in 10 đĩa (chi phí khoảng 50.000 đồng).

Mỗi ngày Hải tiếp tục đi bán vé số, rồi nhờ các quán cà phê mở cho khách nghe. Ngày đầu tiên Hải bán được hai đĩa, với giá 10.000 đồng/đĩa. Cầm trên tay những đồng tiền bán đĩa do mình hát đầu tiên, Hải vui mừng đến rơi nước mắt, đêm ấy không ngủ được.

Rồi tiếng lành đồn xa. Số đĩa mỗi ngày Vũ Hải bán được nhiều hơn. Hải đến với chương trình Lá thư tâm tình của Đài Phát thanh – Truyền hình An Giang, nơi có nhà báo Hồ Thủy làm biên tập. Qua chương trình này, Vũ Hải có điều kiện tâm sự về cuộc đời mình với thính giả nghe đài. Thương hoàn cảnh của em, biên tập viên Hồ Thủy nhận em làm con nuôi.

Từ đó, Vũ Hải có điều kiện liên hệ với các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng ở TPHCM, mạnh dạn xin được ghi âm chung những bài ca cổ, những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ và nhạc trữ tình để in đĩa bán.

Nghệ sĩ tiếp sức

Ngoài NSƯT Minh Vương, nhiều nghệ sĩ, ca sĩ sẵn sàng giúp Vũ Hải thu âm song ca với anh, như: NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Phượng Loan, Ngân Huệ, Vũ Luân, Tú Sương, ca sĩ Bích Phượng, Đông Đào… tất cả đều không nhận thù lao mà còn giúp Vũ Hải tìm những bài hát phù hợp với chất giọng của anh.

CD đầu tiên hát song ca với nghệ sĩ ra đời, với chủ đề Dòng đời. Hải cười giải thích: “Em nghĩ đời người như con thuyền trôi trên dòng sông, qua bao ghềnh thác rồi cũng tìm được chốn yên bình. Mẹ em đã đỡ bệnh nhờ có số tiền bán đĩa để khám bệnh và mua thuốc”.

Hôm Vũ Hải và mẹ lên TP đến phòng thu âm của ca sĩ Chế Thanh, Hải khoe tính đến thời điểm này anh đã có 16 album ghi tiếng hát của mình. Các album có chủ đề: Ngày mai em đi, Trên đồi cỏ non, Tình đã bay xa… được “tái bản” liên tục.

Vừa qua, có được ít tiền và nhận được sự giúp đỡ của giới chuyên môn, Hải thực hiện VCD ghi hình ảnh và tiếng hát của mình. Ca sĩ Chế Thanh đang giúp Hải thực hiện tiếp album mới có tiếng hát của anh và các nghệ sĩ: Vũ Linh, Lệ Thủy, Chế Phong.

Vũ Hải kể thêm: “Cô Thanh Kim Huệ có giới thiệu em đi hát ở một quán vọng cổ tại TPHCM, em làm được ba tháng nhưng nhớ nhà quá, hơn nữa để mẹ ở nhà một mình em lo lắm, nên em xin nghỉ, về quê tiếp tục đi bán vé số và bán đĩa hát của mình. Em chỉ mong sao được bà con thương mến, đón nhận CD của mình và sức khỏe của mẹ em mau chóng bình phục để sống cùng em”.

Đáng trân trọng

NSƯT Minh Vương nhận xét: “Tôi xúc động trước tấm lòng của Vũ Hải, muốn được đem tiếng hát lời ca của mình kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Hải có chất giọng khá, nếu được đào tạo căn bản sẽ là một giọng ca hay của làng cổ nhạc. Em chính là tấm gương đối với nhiều bạn trẻ, tuy mù lòa nhưng con đường em đi đã được soi sáng bằng lòng hiếu thảo”.

NSƯT Lệ Thủy tâm sự: “Có nhiều cảnh đời bất hạnh trong cuộc sống của chúng ta, nhưng họ đều biết vượt lên hoàn cảnh để thực hiện hoài bão của mình. Những việc làm của Vũ Hải rất đáng trân trọng”.

Theo: Hát để cứu mẹ (Thanh Hiệp/NLDO).

Bài liên quan

Học đại học, nuôi mẹ bệnh tật và trả nghĩa cuộc đời.

(Hiếu học). Nam không quên được những lần nhà hết gạo ăn, hai mẹ con ngồi bần lặng nhìn nhau trong ngôi nhà tồi tàn thông thốc gió, đứng cheo leo trên một con đồi. Vượt lên tất cả, Nam bước chân vào đại học mang theo niềm tự hào của người mẹ luôn đau yếu.

Điều ước nhỏ của cô nữ sinh

(Hiếu học). Kiều Anh cúi đầu khi nói với tôi mong ước của mình: “Giờ đây em không dám ước mẹ có thể sống lại, em chỉ mong mệ và chị được mạnh khỏe, các em học giỏi, cả nhà luôn sum vầy bên nhau” - cô nữ sinh Trường THPT Gio Linh, Quảng Trị tâm sự.  

Câu chuyện hiếu học kỳ diệu năm 2009.

(Hiêu học). Cậu con trai thứ hai chỉ cao 1,12 m, nặng chưa đầy 40kg, chân tay khuềnh khoàng, ốm đau suốt nhưng học rất tốt, ông Ngô Văn Bằng (Vĩnh Thành, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã “lặn lội” cùng con ra Hà Nội khi con ông nhập học Học viện Y- Dược học cổ truyền Việt Nam... 

Cùng chuyên mục