Những chàng trai vàng toán học

Kỳ thi Olympic toán quốc tế tại Brazil vừa qua, VN xếp thứ 3 toàn đoàn với 4 huy chương vàng (HCV), trong đó các tỉnh Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) có 3 em.

Lê Quang Dũng

Đó là Lê Quang Dũng, Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa); Nguyễn Cảnh Hoàng, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) và Phan Nhật Duy, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh (Hà Tĩnh).

Bà Nguyễn Thị Nam (56 tuổi, mẹ Dũng) cho biết: “Dù tôi tin tưởng vào năng lực của cháu nhưng khi nghe tin cháu đoạt HCV, tôi mừng đến nghẹn lời. Trước khi đi thi cháu hỏi tôi nếu con không đoạt được huy chương thì mẹ có buồn không, tôi bảo không, vì với tôi thành tích học tập của cháu 12 năm qua đã khiến tôi tự hào lắm rồi”. Hiện Dũng được tuyển thẳng vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội để tiếp tục theo đuổi đam mê toán học của mình. Ông Chu Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn, cho biết suốt các năm học ở trường, Dũng luôn là tấm gương cho bạn bè vì em biết vượt qua khó khăn, hoàn cảnh gia đình để học tốt.

Nguyễn Cảnh Hoàng (trái)

Suốt 2 ngày qua, nhà Nguyễn Cảnh Hoàng luôn tấp nập người ra vào hỏi thăm, chúc mừng tấm HCV tại kỳ thi Olympic toán quốc tế mà Hoàng vừa giành được. Không giấu được niềm vui, chị Trần Thị Việt Hà (mẹ Hoàng) cho biết từ ngày qua Brazil, Hoàng chỉ gọi điện thoại về thông báo sức khỏe bình thường rồi tắt máy để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi. “Cho đến sáng qua, Hoàng mới gọi về báo đã có kết quả cuộc thi “Con được 28 điểm, có vàng thật rồi mẹ ơi”, chị Hà kể.

Phan Nhật DuyẢNH: NVCC

Ngay sau khi biết mình giành HCV kỳ thi Olympic toán quốc tế, Phan Nhật Duy đã gọi điện thoại báo tin về cho bố mẹ của mình. Với ông Phan Tình Nguyện (44 tuổi) và bà Võ Thị Lài (43 tuổi, ngụ tại thôn Hòa Tiến, xã Sơn Tiến, H.Hương Sơn, Hà Tĩnh, bố mẹ Duy), cuộc điện thoại ngắn gọn mà con trai gọi về từ Brazil lúc sáng sớm 22.7 còn quý hơn vàng. Bà Lài cho biết, Duy đi từ ngày 11.7 nhưng chỉ gọi về nhà một lần vào lúc đổi máy bay tại Pháp hôm 13.7. “Khi con tui gọi điện về báo tin được HCV thì vợ chồng tui mừng không lời nào tả hết. Ước mơ chinh phục giải toán quốc tế của nó bấy lâu nay đã thành hiện thực. Sắp tới nó về, gia đình tui chắc phải mổ con bò ăn mừng với hàng xóm”, bà Lài nói trong hạnh phúc.

Hai hôm nay, khi nghe tin Duy giành giải thưởng danh giá, người quen, bà con địa phương kéo nhau đến tận nhà để chia vui với bố mẹ Duy. Điện thoại của bố Duy liên tục reo vì thầy cô, bạn bè của Duy ở Trường THPT chuyên Hà Tĩnh gọi điện chúc mừng. “Trước khi đi thi, tui cũng ra Hà Nội để tiễn cháu và chỉ động viên cháu cố gắng giành được giải cao mang thành tích về cho nước nhà. Nó hứa sẽ cố gắng giành được HCV. Đúng là nó nói được làm được”, ông Nguyện vui mừng nói.

Theo ông Nguyện, vợ chồng ông sinh được 4 người con trai, Duy là con thứ 2 trong gia đình. Sinh sống ở vùng quê nghèo huyện miền núi Hương Sơn nên mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán. Anh em Duy đều tự nỗ lực học tập trong hoàn cảnh thiếu thốn hơn so với các bạn cùng lứa. Trong các môn học thì Duy thích nhất là toán và luôn giành được các giải học sinh giỏi cấp tỉnh về bộ môn này. Ông Trần Đình Hữu, giáo viên chủ nhiệm của Duy, cho hay Duy là học sinh có tố chất trong các môn tự nhiên và đặc biệt luôn biết vươn lên trong học tập.

Sự kiện đội tuyển học sinh Việt Nam thi Olympic toán học quốc tế tại Brazil đạt kết quả cao nhất trong 43 năm Việt Nam tham gia kỳ thi này khiến dư luận phấn chấn. ẢNH: NGUYỄN DUY LIÊN

GS Ngô Bảo Châu cho rằng 3 năm gần đây, đoàn VN đã có kết quả rất tốt ở kỳ thi IMO. Năm nay đặc biệt tốt. Những thành tích này trước hết là nỗ lực cá nhân của các học sinh và công sức của các thầy. Mặt khác, khó có thể phủ nhận những thành tích xuất sắc này nảy nở trên nền chung của phong trào học toán, dạy toán đã khởi sắc trong phạm vi cả nước. Đáng lưu ý, những thí sinh đạt thành tích xuất sắc nhất không còn là học sinh của các trường chuyên hay ở thành phố lớn, mà đa số đến từ trường chuyên các tỉnh, rải rác khắp cả nước.

“Tuy nhiên, hiện tại toán ứng dụng của chúng ta đang kém, và đây là điều tôi rất lo lắng mấy năm qua. Đào tạo toán ứng dụng của VN hầu như chưa có, nên khi thực hiện một số đề tài cụ thể thì thực sự thiếu những người giỏi nghề. Hiện tôi rất kỳ vọng trong việc sang năm anh Hồ Tú Bảo (đang làm GS ở Nhật – PV) về VN làm việc hẳn. Chúng tôi đã có kế hoạch thành lập một trung tâm về khoa học dữ liệu để khi anh Hồ Tú Bảo về không chỉ bản thân anh sẽ làm mà còn lôi cuốn thêm nhiều bạn trẻ khác giỏi về làm dữ liệu cùng tham gia.

Theo: (Giáo dục /TNO)

Bài liên quan

Cùng chuyên mục