Quên thân mình cứu đoàn tàu

Khi xe lửa còn cách ôtô 100m, nếu giật phanh sau ghế lái ông sẽ không mất cánh tay trái nhưng có thể những toa chở khách sẽ lật, hậu quả khó lường. Ông đã chọn cách khác – chịu mất đi một phần cơ thể và nhiều vết thương – để cứu đoàn tàu chở 300 khách.

“Nếu giật hãm (phanh) sau ghế lái chắc là Thức sẽ không mất cánh tay trái” Lái tàu Trương Xuân Thức được vợ chăm sóc tại bệnh viện

Các vết đau từ tay trái bị cắt cụt cách khuỷu 20cm, toàn bộ cơ đùi phải giập nát, vỡ gót chân phải cùng cả chục mũi khâu ở mặt vẫn đang hành hạ cơ thể ông Trương Xuân Thức (47 tuổi). Ông là người lái tàu đã cố gắng hãm phanh chính để cứu đoàn tàu với hơn 300 hành khách.

Năm ngày sau vụ tai nạn kinh hoàng giữa tàu Thống Nhất TN6 và xe tải ở xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, Hà Nam làm đổ đầu máy và hai toa tàu ngày 6-8, lái tàu Trương Xuân Thức vẫn nửa mê nửa tỉnh trong bệnh viện.

Kéo cần hãm khẩn cấp

Hiện trường vụ lật tàu do đâm vào xe ben ngày 6-8 tại Duy Tiên, Hà Nam

Chân vẫn đi lại khập khiễng sau vụ tai nạn, phụ lái Đào Quang Hưng, 27 tuổi, người đồng hành cùng ông Thức trên chuyến tàu TN6 gặp nạn, vẫn chưa ổn định tâm lý.

Theo lời anh Hưng: “Liên tục những hồi còi rú lên nhưng không hiểu sao chiếc ôtô vẫn bất thần rẽ cắt ngang đường sắt để vào đường dân sinh. Khoảng cách giữa đầu tàu và ôtô khi đó chỉ hơn 100m. Trong tích tắc, anh Thức đã dùng tay kéo cần hãm khẩn cấp (phi mã) để hãm tốc độ của cả đoàn tàu. Nhưng với khoảng cách dưới 800m việc hãm tàu rất khó khăn, đằng này chỉ còn hơn 100m”.

Ông Hoàng Ngọc Trìu – phó giám đốc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội – nói: “Nếu giật hãm (phanh) sau ghế lái chắc là Thức sẽ không mất cánh tay trái. Nhưng chỉ có tay hãm chính ở phía tay trái người lái mới có khả năng khiến hệ thống xả gió trên đoàn tàu làm việc đồng loạt nhanh nhất để giảm tốc độ hiệu quả. Nếu không kiên trì đẩy hết cần hãm về phía trước và giữ chặt thì hậu quả sẽ không biết đến mức nào khi các toa tàu dồn lên phía trước theo kiểu lồng hộp diêm vì xảy ra va chạm mạnh”.

Cùng là lái tàu nhiều năm trước khi lên làm quản lý, ông Trìu cho rằng nhiều khả năng ông Thức đã nỗ lực hãm tàu từ xa nên khi đầu tàu đâm vào chiếc xe tải chở hơn 30 tấn đá chỉ bị đổ đầu máy, hai toa hành lý và phát điện kế tiếp. Nếu không kịp thời hãm thì khả năng đổ thêm nhiều toa tàu là hoàn toàn có thể.

“Mất mát của Thức không có gì bù đắp nổi. Thức không còn đủ điều kiện trở lại với nghề nhưng điều may mắn nhất trong vụ tai nạn này không có hành khách nào bị thương vì nhờ cách xử lý của Thức”.

Ai cũng chảy nước mắt

Đồng quan điểm với ông Trìu, ông Nguyễn Văn Chung – trưởng phòng an toàn nghiệp vụ (Xí nghiệp đầu máy Hà Nội) – nhận định: theo kinh nghiệm từ các vụ va chạm, khoảng cách 54m từ điểm xảy ra va chạm giữa đầu máy và xe tải đến điểm đoàn tàu dừng là quá trình đoàn tàu trượt do quán tính sau khi được giảm hết ga và hãm khẩn cấp.

Ông Chung cho biết thêm đến giờ ông Thức là trường hợp bị chấn thương nặng nhất trong các vụ va chạm giữa tàu và phương tiện khác.

Ông Trìu cho biết: “Anh em vào thăm Thức ai cũng chảy nước mắt. Nhiều người lo lắng nhưng chúng tôi động viên anh em lái tàu yên tâm để làm tốt công việc. Đến nay công đoàn cơ quan đã vận động cán bộ công nhân viên với tinh thần tương thân tương ái để giúp đỡ Thức. Toàn bộ chi phí điều trị vẫn đang được xí nghiệp chi trả”.

Đau đớn trong cả giấc mơ

Ông Thức trên giường bệnh – Ảnh: T.Phùng

Chiều 10-8, tại phòng điều trị trong Bệnh viện Việt Đức, ông Thức vẫn thỉnh thoảng cựa mình, cất tiếng rên khe khẽ do vết thương hành hạ. Khuôn mặt sạm đen, tiều tụy của ông vẫn hằn những vết chỉ khâu thành đường thẳng dọc trán, ở cạnh đầu lông mày trái.

Trong câu chuyện, nhiều lần bà Lê Kim Thoa (vợ ông Thức) phải dừng lại để xoa mặt, xoa chân làm dịu cơn đau cho chồng. “Ngoài các vết thương hành hạ, mấy hôm nay anh ấy vẫn kêu đau đầu và ăn uống rất ít. Nhiều lúc trong giấc ngủ vẫn ú ớ sợ hãi, chắc là nhớ lại lúc xảy ra tai nạn” – bà Thoa rơm rớm nước mắt.

“Đi bộ đội về anh ấy đi học lái tàu và vào làm ở ngành đường sắt đến nay. Thế mà…” – bà Thoa nói và cho biết đến nay cả ba người trong gia đình bà vẫn sống trong căn hộ tập thể chưa đầy 20m2 do người thân dành cho. “Tôi làm công việc tạp vụ, con gái lại hay ốm đau từ nhỏ, thể trạng yếu trong khi thu nhập của hai vợ chồng đều ít ỏi nên không dám sinh thêm”.

Theo lời bà Thoa, dù ông Thức đã có hơn 20 năm là lái tàu chính và chỉ nuôi một con gái đang học cao đẳng, nhưng đến giờ hai vợ chồng vẫn chưa có xe máy đi làm.

Người bò vào đầu máy cứu lái tàu

Sau vụ tai nạn, Xí nghiệp đầu máy Hà Nội đã cử cán bộ đến cảm ơn và tặng quà ông Nguyễn Quang Đại (xóm Giữa, xã Tiên Tân, Duy Tiên, Hà Nam) về hành động dũng cảm cứu lái tàu Trương Xuân Thức đang kẹt trong đầu máy.

Ngay khi xảy ra tai nạn, lực lượng cứu hộ đã định dùng cưa, máy cắt giải cứu lái tàu đang bị kẹt nhưng do dầu mỡ, ăcquy đầu máy đổ tràn nên có khả năng phát hỏa cao khi các dụng cụ trên phát tia lửa. Nhận thấy ghế lái tàu có khả năng tháo được, ông Đại đã đi mượn cờ lê, tự nguyện bò vào đầu máy tháo ghế. Sau khi garô vết thương ở cánh tay ông Thức và tháo ghế, hai giờ sau ông Thức đã được đưa ra ngoài để chuyển về bệnh viện.

“Lúc đang tháo ghế thì phía ngoài đầu máy có phát lửa. Tôi nghe mọi người hô cháy rồi nên nói với anh Thức: nếu đầu máy cháy thì có lẽ số phận không cho tôi cứu được anh. Nhưng khi bò ra thấy cứu hỏa dập tắt lửa, tôi lại tiếp tục vào tháo ghế để đưa anh ấy ra…” – ông Đại kể lại.

Bạn đọc muốn đóng góp chia sẻ với ông Trương Xuân Thức, xin gửi về phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặctài khoản báo Tuổi Trẻ số 102010000118248 Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM (ghi rõ nội dung gửi giúp ông Trương Xuân Thức). Chúng tôi sẽ chuyển đến tận tay ông Trương Xuân Thứcvới tên tuổi địa chỉ của người giúp đỡ. (Nguồn: Báo Tuổi trẻ)

Cùng chuyên mục