ĐHQG TP.HCM: Phương hướng tuyển sinh 2011

(Hiếu học) Sáng 22-12, ĐHQG TP.HCM đã tổ chức hội nghị “Tổng kết công tác tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2010 và phương hướng tuyển sinh năm 2011”.

Năm 2011, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) sẽ tuyển thêm ngành ngữ văn Ý. (Trong ảnh: thí sinh dự thi vào Trường ĐH KHXH&NV năm 2010. – Ảnh: Trần Huỳnh/Tuổi Trẻ).

Dự kiến xét tuyển thẳng HS phổ thông năng khiếu

Sáng 22-12, ĐHQG TP.HCM đã tổ chức hội nghị “Tổng kết công tác tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2010 và phương hướng tuyển sinh năm 2011”. Theo đó, kỳ thi tuyển sinh năm 2011, ĐHQG TP.HCM sẽ thí điểm tuyển thẳng học sinh năng khiếu.

Lãnh đạo ĐHQG TP.HCM cho biết, nét mới nhất của kỳ thi tuyển sinh năm 2011 là ĐHQG TP.HCM đang xem xét và sẽ thực hiện thí điểm việc xét tuyển thẳng học sinh Trường THPT Năng khiếu để góp phần giảm tải cho kỳ thi. Theo đó, có một số học sinh của Trường THPT Năng khiếu nếu đạt các tiêu chí theo đề nghị của các trường thành viên như kết quả học tập, điểm thi tốt nghiệp THPT, ngoại ngữ… sẽ được xét tuyển thẳng vào một số ngành ở các trường ĐH thuộc ĐHQG TP.HCM.

3 ngành mới

Theo dự kiến, năm 2011 sẽ có ba trường thành viên của ĐHQG TP.HCM được mở thêm ngành mới. Trong đó, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn mở thêm ngành ngữ văn Ý. Trường ĐH Kinh tế – luật mở thêm ngành kinh doanh quốc tế và Trường ĐH Quốc tế mở ngành kỹ thuật xây dựng. – Chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể của mỗi ngành sẽ được công bố trong tháng 1-2011.

Xét tuyển nguyện vọng 1B

Kỳ thi tuyển sinh năm 2011, các trường thành viên ĐHQG TP.HCM sẽ tiếp tục xét tuyển nguyện vọng (NV) 1B. Theo đó, nếu thí sinh dự thi nhưng không trúng tuyển ở một ngành nào đó, nhà trường sẽ có quyền chủ động chuyển thí sinh này sang một ngành khác. NV1B được xét cùng thời điểm với xét NV1 (tháng 8-2011) cho các ngành chưa tuyển đủ theo NV1.

Chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến năm 2011

* ĐH Quốc gia TP.HCM không tăng chỉ tiêu (CT) tuyển sinh: năm 2011 sẽ có 13.135 CT so với 13.235 CT năm 2010, đạt 99,2% (trong đó ĐH 12.285 CTvà CĐ 850).

Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn dự kiến điều chỉnh chỉ tiêu của từng ngành trong tổng số chỉ tiêu của trường tương đương năm 2010. Tổng chỉ tiêu dự kiến năm 2011 của trường này là 3.450, trong đó bậc ĐH 2.750 chỉ tiêu và bậc CĐ 700 chỉ tiêu (tăng 25 chỉ tiêu so với năm 2010). Nhà trường cũng không mở thêm ngành mới.

Trường ĐH Bách khoa tăng nhẹ từ 3.900 CT (năm 2010) lên 3.950 (năm 2011): kỳ thi tuyển sinh năm 2011 trường dự kiến tuyển 3.950 chỉ tiêu và không mở thêm ngành mới. Theo đó, ở bậc ĐH trường dự kiến tăng thêm 50 chỉ tiêu, gồm các ngành: điện – điện tử 650 chỉ tiêu (tăng 10 chỉ tiêu so với năm 2010), nhóm ngành công nghệ hóa – thực phẩm – sinh học 430 chỉ tiêu (tăng 20 chỉ tiêu) và ngành kỹ thuật giao thông 180 chỉ tiêu (tăng 20 chỉ tiêu). Riêng ngành kiến trúc thi khối V gồm toán và vật lý (theo đề khối A) và môn năng khiếu (vẽ đầu tượng). Trường cũng sẽ tuyển 170 sinh viên chương trình Việt – Pháp đào tạo kỹ sư chất lượng cao từ các thí sinh đã trúng tuyển vào trường ở tất cả các ngành; tuyển 50 sinh viên vào khóa 5 chương trình đào tạo tiên tiến theo dự án của Bộ GD-ĐT nhóm ngành điện – điện tử, theo chương trình của Đại học Illinois, Hoa Kỳ.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên giảm 15% CT vì thực tuyển năm 2010 vượt 120% so với CT được giao ở bậc CĐ. Riêng ngành khoa học vật liệu (vật liệu màng mỏng, vật liệu polymer) trường đề nghị tuyển cả hai khối A, B.

Nhìn chung, chỉ tiêu của hầu hết các ngành thuộc ĐHQG TP.HCM không có nhiều thay đổi. Trong kỳ tuyển sinh 2011, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ thí điểm xét tuyển thẳng HS phổ thông năng khiếu vào một số ngành khoa học cơ bản; có ba trường thành viên của ĐHQG TP.HCM được mở thêm ngành mới; lấy điểm sàn chung cho các ngành đào tạo chung của các trường và tiếp tục xét tuyển nguyện vọng 1B như năm 2010.

Dự kiến tăng khối thi hoặc mở ngành mới.

Trường ĐH Sư phạm TPHCM dự kiến tăng khối thi một số ngành như: Ngữ văn (cả sư phạm và ngoài sư phạm, thi khối C và D1); tin học (cả sư phạm tin học và công nghệ thông tin, thi khối A, D1); tiếng Pháp (cả sư phạm và cử nhân, thi khối D1, D3); sư phạm song ngữNga – Anh, ngôn ngữ Nga – Anh (thi khối A, C, D); giáo dục đặc biệt (thi khối C, D1, M); trường cũng dự kiến mở ngành sư phạm tiếng Nhật, tâm lý giáo dục với 2 chuyên ngành giáo dục học (sư phạm) và tâm lý học giáo dục (ngoài sư phạm).

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đang có hướng chuyển ngành kỹ thuật nữ công sang nhà hàng – du lịch – khách sạn; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM dự kiến mở ngành ngữ văn Ý; Trường ĐH Kinh tế – Luật TPHCM dự kiến mở ngành kinh doanh quốc tế; Trường ĐH Quốc tế TPHCM dự kiến mở ngành kỹ thuật xây dựng; Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM dự kiến mở chuyên ngành kỹ thuật công trình ngoài khơi.

Tuấn phong tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Cùng chuyên mục