Làm gì nếu bạn không thể vào đại học?

(hieuhoc_hieuhoc.com): Theo thống kê hàng năm, tỉ lệ đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đạt 10% (200.000 chỉ tiêu/2 triệu lượt thí sinh). Như vậy, 90% thí sinh thi rớt sẽ về đâu, làm gì? Bao nhiêu phần trăm tiếp tục dùi mài kinh sử để tìm cơ hội vào đại học năm sau, bao nhiêu ở nhà làm phụ giúp gia đình và bao nhiêu tính chuyện học “cho chín” một cái nghề?

Chín một nghề, làm giàu một đời

Lâu nay, khái niệm học nghề thường được hiểu theo nghĩa hẹp là đào tạo ngắn hạn công nhân kỹ thuật (CNKT) bậc thấp. Hình ảnh tương lai của những học sinh học nghề luôn gắn liền với người công nhân áo xanh, tay chân dính đầy dầu mỡ, bụi bặm… Mặt khác, lâu nay chúng ta cứ phàn nàn về tâm lý nặng về bằng cấp với khoảng 90% học sinh chọn thi vào đại học thay vì chọn các trường nghề. Nhưng tỷ lệ trên nên dừng lại ở bao nhiêu là đủ, đất nước cần bao nhiêu phần trăm học sinh theo con đường lý thuyết, bao nhiêu phần trăm theo con đường thực hành cũng chưa rõ ràng. Bởi vậy, con đường duy nhất vẫn là: Không đỗ đại học mới quyết định học nghề.

Cho đến nay, cả nước đã có 2.052 cơ sở dạy nghề (trong đó có 55 trường cao, 242 trường trung , 632 trung tâm và 1.123 cơ sở giáo dục, lớp dạy nghề tại các doanh nghiệp và tại các làng nghề… có chức năng và nhiệm vụ dạy nghề). Mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển nhanh về số lượng và đa dạng hoá về hình thức sở hữu đã tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu học. Quy mô tuyển sinh học nghề năm sau cao hơn năm trước, nhờ có nghề, nhiều người đã có việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, nhiều người đã tự mở cửa hàng, cửa hiệu, tổ hợp sản xuất, tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Ông cha ta thường có câu: “Ruộng bề bề, không bằng nghề trong tay”, điều đó chứng minh cho tầm quan trọng của việc học nghề. Câu nói trên càng đặc biệt có ý nghĩa khi nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ lệ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần lao động nông nghiệp. Thực tế hiện nay, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp lại, do đó yêu cầu được học nghề là yêu cầu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng cuộc sống của cả cộng đồng.

Mỗi người có thể vào đời theo những đường đi khác nhau. Có người đi bộ đội, đi công nhân rồi sau đó khi tích luỹ đủ kiến thức rồi họ dự thi vào đại học, cao đẳng. Nhiều người bằng cách đi này họ cũng đạt được mục đích, đó là có việc làm, thu nhập và có những đóng góp tích cực cho xã hội. Mọi thành quả chính đáng, đúng pháp luật của mọi cá nhân trên mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học đều được xã hội tôn vinh, thừa nhận.

Nghề gì đang “nóng”?

Cùng với tiến trình hòa nhập WTO, gia nhập AFTA, thị trường lao động tại Việt Nam đã bắt đầu nóng lên với sự xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp (DN) mới. Trong đó, may mặc được xem là thị trường thu hút nhiều lao động (LĐ) nhất. Tình trạng này sẽ tiếp tục tái diễn vào những năm tới khi các DN tại Trung Quốc và một số nước châu Âu đang xem ngành may mặc Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng. Trong đó, công nhân may có tay nghề tương đối là lực lượng có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Thực tế thị trường LĐ từ đầu năm đến nay đã chứng minh sự khan hiếm trầm trọng công nhân may. Nhiều DN đã phải chấp nhận tuyển LĐ vào và đào tạo từ đầu.

Theo thống kê của trường Dạy nghề dân lập Kim Hoàn Việt Nam, nhu cầu tuyển LĐ của ngành kim hoàn rất lớn, bình quân hàng năm cần khoảng 20.000 người. Hiện nay, hầu hết học viên của trường sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm ngay. Trường hiện đang có nhiều đơn đặt hàng đào tạo LĐ kim hoàn, đá quý cho các đơn vị, công ty vàng bạc đá quý.

Kỹ thuật điện, điện tử được xem là nghề không bao giờ cũ, bởi tất cả các vật dụng, công việc phục vụ cho cuộc sống con người đều liên quan đến… điện. Ngoài bậc đại học, cao đẳng ĐH, CĐ, học sinh có thể theo học nghề này tại các trường, trung tâm dạy nghề. Với cơ hội thực hành trên máy nhiều, học viên có khả năng làm việc ngay sau khi hoàn thành khóa học.

Việc các công ty sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm tiêu thụ nhanh, mở rộng cơ sở sản xuất đã làm cho thị trường lao động ngày càng sôi động hơn. Đây cũng là một trong những ngành thu hút nhiều lao động cố định lẫn thời vụ. Các chức danh được rao tuyển tập trung vào lượng nhân viên bán hàng, sản xuất.

Hiện 100% học viên theo học nghề in lụa khi tốt nghiệp đều có việc làm ổn định với mức lương từ 900.000 – 1 triệu đồng/tháng. Riêng những trường hợp học viên có điều kiện tự mở cơ sở thì thu nhập sẽ cao hơn nhiều.

Tương tự ngành kỹ thuật điện, điện tử, sửa chữa xe gắn máy luôn cần thiết cho đời sống người Việt. Học nghề này học viên sẽ được trang bị các kiến thức từ tháo lắp chi tiết máy, sửa chữa từng phụ tùng đến điện, đèn còi… Hiện nay tại hầu hết các trung tâm đào tạo học viên sẽ được thực tập trên các loại xe như Dream, Suzuki, Spacy, Yamaha. Đây là ngành mà học viên sau khi tốt nghiệp đều có thể tự giải quyết việc làm thông qua các tiệm sửa xe, trung tâm bảo hành, xưởng sửa chữa hoặc mở tiệm riêng.

Trên đây chỉ là một số nghề có nhu cầu tuyển dụng cao, nhiều việc làm và thông dụng trong đời sống. Tuy nhiên, có thể thấy, tất cả các ngành nghề đều cần thiết trong xã hội và bạn sẽ dễ dàng tìm được việc làm nếu trang bị cho mình một tay nghề cao, kỹ năng hoàn thiện.

Như Tâm tổng hợp

Cùng chuyên mục