Lãng phí chất xám vì chọn sai nghề

Bà Nguyễn Kim Nương kể lại trường hợp trên tại Hội thảo Giáo dục và định hướng giá trị nghề nghiệp xã hội cho học sinh – sinh viên, do Viện Nghiên cứu xã hội TP HCM tổ chức ngày 4/3.

Bà Nương cho biết, hầu hết học sinh phổ thông ở An Giang không có hiểu biết về nghề nghiệp khi đặt bút làm hồ sơ tuyển sinh. Năm 2007, tỷ lệ trúng tuyển ĐH tại tỉnh này chưa tới 20%, nhưng hơn 9.000 em trượt vẫn quyết tâm thi lại ĐH mà không chọn học nghề. Và hằng năm, An Giang có khoảng 3.300 học sinh thi rớt THPT, nhưng cũng không được hướng nghiệp.

“Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng bỏ học sớm nên rất cần được hướng nghề, hướng nghiệp từ tiểu học, nếu không một lượng lớn công dân trẻ sẽ bước vào đời mà không có một chút khái niệm, định hướng nào về nghề nghiệp”, bà Nương nêu ý kiến.

Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Dung, Viện nghiên cứu xã hội TP HCM cũng phản ánh, kết quả khảo sát tại ĐH Khoa học xã hội nhân văn thành phố, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành chỉ chiếm hơn 30%. Không ít sinh viên bỏ học từ năm đầu tiên, đợi sang năm thi lại hoặc học thêm chuyên ngành khác vì hoang mang không biết làm gì khi ra trường.

Học sinh, sinh viên khó khăn trong việc chọn nghề vì xã hội thiếu những cơ quan chức năng dự báo, định hướng ngành nghề, bà Dung nhìn nhận.

“Nhu cầu lao động thay đổi theo hướng giảm dần ngành nghề sử dụng lao động trình độ thấp, ưu tiên các ngành sản xuất công nghệ, kỹ thuật bậc cao. Các bạn trẻ rất cần dự báo ngành nghề cụ thể để định hướng tương lai”, bà Dung phân tích.

Bà Tống Thị Nga, Viện nghiên cứu xã hội thành phố cho rằng các trường ĐH cần có trung tâm hỗ trợ hướng nghiệp cho sinh viên, giúp họ rút ngắn khoảng cách giữa kiến thức ở trường và nghề nghiệp tương lai. Bà Nga cũng nhận định các trung tâm hỗ trợ sinh tại TP HCM mới chỉ giới thiệu việc làm mà chưa chú trọng công tác hướng nghiệp.

Theo Hiệu trưởng Trung cấp nghề Quang Trung, Dương Minh Kiên, đến mùa tuyển sinh, nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức tư vấn cho học sinh chọn trường, chọn nghề nhưng chỉ có các trường trung cấp chuyên nghiệp được nhắc đến. Thực tế ở Trường trung cấp nghề Quang Trung, có thể nói hơn 90% học sinh học nghề diện 9+3, tuy đã tốt nghiệp THCS nhưng không hiểu biết về nghề nghiệp mình đang học.

“Việc phân chia Bộ Gíáo dục đào tạo quản lý các trường trung cấp chuyên nghiệp, còn Lao động Thương binh Xã hội quản lý các trường trung cấp nghề là không hợp lý”, ông Kiên nên ý kiến.

Lan Hương (Theo VnExpress)

Cùng chuyên mục