Sẽ có thay đổi trong tuyển sinh ĐH, CĐ 2011?

(hieuhoc_hieuhoc.com) Năm 2011 sẽ có nhiều thay đổi trong tuyển sinh Đại học? Chẳng hạn như một số trường sẽ tuyển sinh riêng, quy trình thi sẽ khác với mọi năm… Vậy thực hư thông tin này như thế nào?

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011: Giữ ổn định như các năm trước

Bộ GD-ĐT đã khẳng định, kì thi năm 2011 sẽ không có nhiều thay đổi so với các năm trước. Các trường vẫn tiếp tục thi theo hình thức “3 chung”: chung đề, chung đợt và chung kết quả thi như mấy năm qua.(Thí sinh làm thủ tục đăng ký tuyển sinh năm 2010 tại một trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH)

Nguyện vọng B1 (NVB1): Chuyển ngành tương đương

Trong kỳ tuyển sinh năm 2011, một số trường ĐH khuyến khích cho thí sinh đăng ký thêm ngành và xét tuyển ngay trong trường (gọi là nguyện vọng 1B). Đó là, những thí sinh đăng ký thi vào một ngành của trường (có NVB1), nếu không đạt kết quả sẽ được xét nguyện vọng vào một ngành khác nhưng có điểm chuẩn thấp hơn cùng trường.

Theo đó, thí sinh dự thi vào trường được đăng ký thêm ngành để tham gia xét tuyển nguyện vọng 1B (NV đăng ký chuyển ngành). Nguyện vọng này được xét cùng thời điểm với NV1 cho các ngành chưa xét tuyển đủ theo NV1 mà vẫn dựa trên nguyện vọng của thí sinh. Nếu thí sinh không đồng ý chọn ngành khác của trường thì sẽ được cấp phiếu điểm để đăng ký xét tuyển NV2,3 vào trường khác.

Mới đây, khi thông tin về tuyển sinh năm 2011, Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết dự kiến sẽ cho phép thí sinh được tham gia xét tuyển thêm ngành với nguyện vọng 1B. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế – Luật TPHCM và một số trường thành viên của ĐH Quốc gia cũng dự kiến cho phép thí sinh chuyển ngành tương đương (NVB1) nếu khi thi không đạt vào ngành có điểm chuẩn cao hơn. Riêng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã mạnh dạn áp dụng phương án này từ năm 2009 và dự kiến vẫn tiếp tục vào năm 2011 này.

SV muốn dự thi lại ĐH cần chuẩn bị những gì?

Về cơ bản quy chế tuyển sinh năm 2011 sẽ không có nhiều sự thay đổi so với các năm trước. Theo quy định, sinh viên các trường ĐH, CĐ muốn dự thi lại thì phải được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường. Chỉ khi có xác nhận của nhà trường đồng ý cho thi lại thì hồ sơ ĐKDT mới hợp lệ.

Tuy nhiên những trường hợp đã quyết định thôi học trước thời điểm làm hồ sơ ĐKDT thì không cần phải xin xác nhận và sẽ nộp hồ sơ theo ĐKDT theo quy định tại các Phòng, Sở GD-ĐT hoặc trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ như một thí sinh tự do

Ngoài ra, dù thuộc diện được nhà trường đồng ý cho thi lại hoặc là thí sinh tự do đều cần phải xin xác nhận của địa phương, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

Những điểm lưu ý đặc biệt khi làm hồ sơ ĐKDT ra sao?

Làm hồ sơ ĐKDT không khác nhiều so với mọi năm. Trước tiên các bạn cần phải tham khảo những thông tin về ngành nghề, phương thức tuyển sinh, khối dự thi…của các trường trong cuốn cẩm nang “Những điều cần biết…” (Cẩm nang này sẽ được phát hành vào khoảng đầu tháng 3/2011).

=> Tham khảo thêm: Cách làm hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ

Lưu ý một số điểm chính sau:

Về mã trường THPT: Các bạn nên tham khảo lại để tránh việc dùng lại số liệu của các năm trước nhưng Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh.

Về mã đơn vị ĐKDT thì cần phải đặc biệt lưu ý đến mã dành cho thí sinh tự do và mã dành cho thí sinh vãng lai.

Mã đơn vị ĐKDT dành cho thí sinh tự do áp dụng cho những thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT theo tuyến Phòng, Sở GD-ĐT nhưng lại có hộ khẩu thường trú ở địa phương đó. Mã vãng lai áp dụng cho những thí sinh ĐKDT theo tuyến Phòng, Sở GD-ĐT nhưng lại không có hộ khẩu thường trú tại đây.

Ngoài ra khi nộp hồ sơ ĐKDT tại Văn phòng đại diện của Bộ hoặc trực tiếp các trường ĐH, CĐ sẽ có những mã quy định riêng. Các bạn cần tham khảo trực tiếp các quy định về mã đơn vị ĐKDT ở phần cuối cuốn “Những điều cần biết… năm 2011”.

Chỉ tiêu dự kiến năm 2011

– Chỉ tiêu dự kiến năm 2011 do các trường trực thuộc đề xuất lên đối với ĐH và CĐ chính quy là 150.000 chỉ tiêu; trong đó ĐH: 132.000, CĐ: 18.000.

– Trong chỉ tiêu ĐH chính quy, dự kiến dành 13.200 chỉ tiêu (10%) đào tạo theo địa chỉ và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

– Dự kiến chỉ tiêu tuyển mới TCCN là 19.000, chủ yếu đào tạo sư phạm mẫu giáo, đào tạo trung cấp điều dưỡng, trung cấp dược, trung cấp luật, trung cấp nông lâm nghiệp.

– Chỉ tiêu vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai: Khoảng 100.000.

– Giảm quy mô hệ tại chức để củng cố chất lượng: Chỉ tiêu hệ tại chức được xác định theo tỷ lệ chung bằng 60% so với chính quy. Việc giao chỉ tiêu dựa trên cơ sở năng lực đào tạo của từng trường.

Sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ họp để đưa ra những nguyên tắc, quy định phân bổ chỉ tiêu phù hợp. Chẳng hạn, có khả năng sẽ giao chỉ tiêu theo ngành, không giao cho một trường đào tạo quá rộng một ngành nào đó trong khi các ngành khác đang cần thì lại không có thí sinh. Ví dụ, ngành kỹ thuật hiện rất hiếm thí sinh tại chức, trong khi đó các lĩnh vực quản lý thì lại rất đông học viên, dẫn đến sự quá tải cho giáo viên, cơ sở vật chất. Việc phân bổ lại sẽ giúp đào tạo không tràn lan, chú trọng đến chất lượng và đáp ứng nhu cầu xã hội.

Tuấn Phong tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Cùng chuyên mục