Thí sinh đăng ký xét tuyển vẫn thích nhất khối ngành kinh tế.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, chỉ tính riêng số thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào ĐH năm nay,khối ngành được yêu thích nhất vẫn là kinh tế.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Hùng Vương (TP.HCM) kiểm tra và chỉnh sửa hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Quản trị kinh doanh được đăng ký nhiều nhất

Ngày 4.6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết năm nay cả nước có xấp xỉ 635.000 thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (NV) vào các trường ĐH. Trong đó có 10 nhóm ngành được TS lựa chọn nhiều nhất, chiếm tới 50% TS đăng ký cả nước.

Đứng đầu trong danh sách này là nhóm ngành kinh doanh với trên 80.000 TS đăng ký xét tuyển NV1 (chiếm 12,6% trong tổng số TS). Với trên 42.500 TS đăng ký, nhóm ngành ngôn ngữ – văn hóa nước ngoài xếp vị trí thứ 2 (chiếm 6,7%).

Tiếp theo là nhóm ngành đào tạo giáo viên với trên 39.000 TS đăng ký (6,2%). Nhóm ngành luật (5,5%), nhóm ngành y học (5%), nhóm ngành công nghệ thông tin có trên 27.000 TS (4,3%), nhóm ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí (3,7%).

Ngoài ra, một số nhóm ngành khác cũng được TS lựa chọn nhiều như: nhân văn, tài chính – ngân hàng – bảo hiểm, máy tính.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, số liệu thống kê này cho thấy nhóm ngành kinh doanh được yêu thích nhất. Xu hướng này không thay đổi nhiều so với những năm trước đây. Tuy nhiên trong từng nhóm ngành cụ thể đều có một ngành được TS lựa chọn nhiều nhất. Chẳng hạn trong số trên 80.000 TS đăng ký vào nhóm ngành kinh doanh năm nay thì có tới 45% chọn ngành quản trị kinh doanh (tức trên 36.000 TS).

Xu hướng này cũng diễn ra tương tự với các ngành khác. Cụ thể có đến 57% chọn ngành ngôn ngữ Anh trong tổng số TS đăng ký nhóm ngành ngôn ngữ – văn hóa nước ngoài, 83% chọn ngành công nghệ thông tin trong nhóm ngành công nghệ thông tin, 75% chọn ngành luật trong nhóm ngành luật, 59% chọn ngành kỹ thuật ô tô trong nhóm ngành kỹ thuật cơ khí, 33% chọn ngành giáo dục mầm non trong nhóm ngành đào tạo giáo viên. Đáng lưu ý, ngành y đa khoa chiếm tỷ lệ áp đảo trong tổng số TS đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành y học với tỷ lệ 98%.

Chọn ngành theo nhu cầu của xã hội

Trước những thống kê này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng điểm đáng chú ý trong đăng ký ngành học của TS là chọn ngành yêu thích và bám sát thị trường lao động. Bởi đây là năm đầu tiên TS được chọn ngành không giới hạn số NV, điều này tạo cơ hội để TS đăng ký đúng ngành nghề mình yêu thích.

Ông Ga phân tích thêm, số liệu tổng hợp trên đây còn cho thấy TS đã chọn ngành nghề theo nhu cầu của xã hội, khả năng tìm được việc làm khi tốt nghiệp. Có thể thấy những ngành thu hút nhiều TS đăng ký đều là những ngành có nhiều khả năng tự khởi nghiệp như: quản trị kinh doanh, luật, ngôn ngữ Anh, công nghệ thông tin… Trước đây tỷ lệ TS chọn ngành sư phạm bậc phổ thông cao thì nay chiếm tỷ lệ lớn nhất trong nhóm ngành đào tạo giáo viên là giáo dục mầm non. Lựa chọn này bám sát thực tế nhu cầu về giáo viên mầm non hiện nay.

Khối ngành kỹ thuật trước đây khó tuyển sinh thì nay phục hồi mạnh mẽ như công nghệ kỹ thuật ô tô trong nhóm ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí. Ở nước ta hiện nay tỷ lệ bác sĩ/vạn dân còn ở mức thấp nên nhu cầu nhân lực ngành y rất lớn. Vì thế, mặc dù điểm đầu vào ngành y đa khoa năm nào cũng rất cao nhưng vẫn thu hút nhiều TS.

Cũng theo ông Ga, năm nay dù quy chế không giới hạn số NV đăng ký nhưng thống kê cho thấy bình quân cả nước mỗi TS chỉ đăng ký 4 – 5 NV, có những địa phương số NV trung bình của TS chỉ ở mức 3 NV/người. Thậm chí có đến 13% TS chỉ đăng ký 1 NV, 30% TS đăng ký 2 NV. Điều này cho thấy TS đã có suy nghĩ, cân nhắc kỹ khi chọn ngành chứ không chạy theo số đông.

Từ đó ông Ga cho rằng: “Sau khi có kết quả thi, TS vẫn còn cơ hội điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên với cách thức đăng ký NV như trên, sau khi có kết quả thi sẽ không nhiều TS thực hiện điều chỉnh NV, trừ những TS có kết quả thi lệch xa với khả năng đã dự kiến”.

Theo: (Giáo dục /TNO)

Bài liên quan

Các chuyên ngành Kinh tế

(hieuhoc_hieuhoc.com) Như ngành Quản trị kinh doanh có các chuyên ngành: Quản trị kinh doanh tổng hợp, Ngoại thương, Kinh doanh quốc tế, Marketing, Du lịch.... Ngành Kinh tế có các chuyên ngành: Kinh tế học, Kinh tế kế hoạch và đầu tư, Kinh tế lao động và quản lý nguồn nhân lực, Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kinh tế thẩm định giá, Kinh tế bất động sản…   

Cùng chuyên mục