CEO: Môi son má phấn đang lên ngôi

Khủng hoảng tiền tệ và suy thoái kinh tế thế giới thời gian qua đã làm lung lay địa vị truyền thống của nam giới trong gia đình lẫn các hoạt động xã hội, kinh doanh. Phụ nữ đang tham gia vào các vị trí quản lý và chuyên môn cao ngày càng nhiều

Bà Indra 54 tuổi, người Ấn Độ là chủ Tập đoàn PepsiCo

Truyền thống cổ kim đông tây từ trước tới nay là “Nam ngoại nữ nội”. Nam giới là trụ cột kiếm sống bên ngoài nuôi gia đình, còn nữ ở nhà nội trợ, bếp núc. Nhưng hiện nay càng nhiều phụ nữ bước ra khỏi bếp núc tham gia hoạt động xã hội, kinh doanh, hơn nữa nhiều người trở thành chủ doanh nghiệp nổi tiếng. Mặc dù chưa tới mức “sao đổi ngôi”, nhưng thời gian qua tình trạng “âm thịnh dương suy” diễn ra ở nhiều nước.

Tờ “Người đưa tin Mỹ và thế giới” của Mỹ ngày 17/1/2010 viết: “Khủng hoảng kinh tế thế giới đã làm cho Nam giới đại suy thoái” (The Great Mancession). Tờ “Thời báo tài chính” của Anh vừa qua bình luận “Thiên hạ tới đây thuộc về các CEO môi son má phấn”. Theo Thời báo, hiện nay ở Anh có tới trên 1 triệu doanh nghiệp do nữ làm chủ. Tại Đức, cứ 5 công ty có 1 công ty nữ làm chủ.

Viện nghiên cứu Pew của Mỹ cuối tháng 1/2010 đưa ra con số khiến nhiều người bất ngờ: Tỉ lệ thu nhập của người vợ trong gia đình cao hơn thu nhập của chồng ở Mỹ năm 1970 chỉ có 4%, nhưng tới năm 2007 tới 22%.Pew cho biết con số này còn tăng lên cao hơn sau khủng hoảng kinh tế. Từ Thập kỷ 70 tới nay, thu nhập của nữ giới đã kết hôn và chưa kết hôn tăng lên 60%, trong khi của nam giới chỉ tăng có 16%. Điều này chứng tỏ vai trò của nữ giới trong xã hội và kinh doanh ngày càng tăng. Năm 2007, tại Mỹ có 55% doanh nghiệp mới thành lập đều do nữ giới làm chủ.

Báo chí Đức đầu tháng 2/2010 cho biết thời gian qua ở Đức có tới trên 230.000 người thất nghiệp, trong đó nữ giới chỉ có 10.000 người, còn lại là nam giới. Nguyên nhân là do ngành chế tạo – ngành do nam giới thống trị bị điêu đứng trong khủng hoảng, còn ngành dịch vụ của nữ giới vẫn tồn tại và phát triển. Bà Ursula Von der Leyen, Bộ trưởng Bộ lao động và xã hội Đức cho rằng “Thế kỷ 21 là Thế kỷ của phụ nữ”.

Tạp chí “Forbes” chọn ra 50 nữ doanh nhân tài ba năm 2009, một số khuôn mặt điển hình như:

Bà Indra 54 tuổi, người Ấn Độ là chủ Tập đoàn PepsiCo với doanh thu hàng năm tới 39,4 tỉ USD.

Bà Anne Mucalhy, 34 tuổi là chủ Tập đoàn in ấn với doanh thu hàng năm 17,2 tỉ USD.

Bà Andrea Jung 51 tuổi, là chủ Tập đoàn hóa mỹ phẩm ở Mỹ với doanh thu hàng năm 9,9 tỉ USD,

Bà Susan Ivey 51 tuổi, là chủ Tập đoàn Reynolds với doanh thu hàng năm 9 tỉ USD.

Bà Meg Whitman, 54 tuổi là chủ Tập đoàn eBay với doanh thu hàng năm 7,6 tỉ USD.

Bà Christina Gold, 61 tuổi là chủ Tập đoàn tài chính thanh toán nhanh với doanh thu hàng năm 4,9 tỉ USD.

Bà Linda Lang, 51 tuổi là chủ Tập đoàn Jack in Box với doanh thu hàng năm 2,8 tỉ USD.

Bà Catherine Burzik, 59 tuổi chủ Tập đoàn Kinetics Concept với doanh thu hàng năm 1,6 tỉ USD.

Cô Dương Huệ Nghiên, 28 tuổi, người Trung Quốc, chủ Tập đoàn kinh doanh bất động sản Bích Quế Viên – Quảng Đông có tài sản 3,4 tỉ USD.

Bà Trương Nhân, 49 tuổi người Trung Quốc là chủ Tập đoàn giấy Cửu Long – Quảng Đông với tài sản 5,3 tỉ USD.

Đáng lưu ý là ở Ấn Độ, một nước tương đối điển hình về tình trạng “trọng nam khinh nữ”, nhưng thời gian qua phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh, nhất là ngành tài chính ngân hàng. Chủ các chi nhánh ngân hàng và Công ty tài chính ở Ấn Độ, như HSBC, Morgan Chase, US Bankcorp, Scottland Bank, Fidelity Investment Group đều do nữ là CEO. Icici Bank, Ngân hàng lớn thứ hai Ấn Độ, Axis Bank ngân hàng lớn thứ ba Ấn Độ đều do phụ nữ làm Chủ tịch. Bà Chanda Kochhar, Chủ tịch Icici Bank nói: “Ngân hàng là ngành tập trung tri thức cao trong các ngành, nên những người có kiến thức sâu rộng và có kinh nghiệm mới đảm đương nổi. Trong lĩnh vực này không có phân biệt giới tính, không có trọng nam khinh nữ”. Tuy nhiên bà cũng khuyến cáo chị em “không được lơ là thiên chức làm vợ, làm mẹ”.

Để tạo điều kiện cho nữ giới phát huy tài năng trong kinh doanh, nhiều nước đã mạnh dạn tiến hành cải cách và đổi mới tư duy. Năm 2003 ở Đức tiến hành cải cách chế độ giáo dục phổ thông “Học nửa ngày” tồn tại từ năm 1763 tới nay để thực hiện chế độ “Học cả ngày”. Chế “Học nửa ngày” quy định phụ nữ phải ở nhà nửa ngày để chăm sóc con cái. Nay học sinh học cả ngày ở trường thì phụ nữ được giải phóng để tham gia nhiều hơn vào công tác xã hội và kinh doanh.

Tại Na Uy, từ khi làm Bộ trưởng thương mại, bà A. Babrielson đã đưa ra chế độ nhân sự mới, trong đó quy định 40% Chủ tịch Hội đồng quản trị các doanh nghiệp phải là nữ. Lúc đầu quyết định của bà bị dư luận xã hội phản đối dữ dội, nhưng tới nay công chúng thừa nhận đây là quyết định đúng vì phụ nữ ngày càng tài ba. Bảy năm trước đây chỉ có 7% phụ nữ là Chủ tịch Hội đồng quản trị, nhưng tới nay tỉ lệ này ở Na Uy tới 40%.

Thế kỷ 21 chưa hẳn là “Thế kỷ của phụ nữ” hay thời đại “Nam giới đại suy thoái”, nhưng sự thực rõ ràng là tài năng của các “CEO môi son má phấn” không kém gì nam giới, họ tham gia vào các vị trí quản lý và chuyên môn cao ngày càng nhiều.

Theo: CEO “Môi son má phấn” đang lên ngôi (Tamnhin)

Bài liên quan

Khi phụ nữ dấn thân vào nghề của nam giới

Những công việc được coi là nghề của nam giới như: Chuyên viên tín dụng ngân hàng, nhân viên đòi nợ thuê hay môi giới chứng khoán, nhà đất…, song ngày nay lại có không ít phụ nữ "dấn thân" vào

Phụ nữ khởi nghiệp: hoa hồng & nước mắt

Phụ nữ khởi nghiệp đôi khi chỉ để mưu cầu hạnh phúc. Khởi nghiệp có thể trở thành cứu cánh, có khi mở ra cơ hội tự do tự tại, làm theo ý mình. Khởi nghiệp mở ra cơ hội hạnh phúc mới cho người phụ nữ

Cùng chuyên mục