Học với đạo diễn Phillip Noyce

Làm điện ảnh ai cũng khó khăn cả, chỉ có điều khó khăn theo nhiều kiểu khác nhau. Điều mà Phillip Noyce cho mỗi người biết là đừng so sánh những khó khăn của người khác với mình, đừng đem Hollywood ra so sánh với điện ảnh Việt Nam, điều quan trọng đó chính là phải tự mình nỗ lực vượt qua khó khăn, giữ vững lập trường và con đường điện ảnh mình đeo đuổi.

Hai ngày 25 và 26-10, đạo diễn Phillip Noyce đã gặp mặt trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm với các nhà làm phim, đạo diễn cùng sinh viên ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM tại khu biệt thự Lan Anh (Q.2-TPHCM) ngay sau khi Liên hoan Phim quốc tế Việt Nam lần 1 tại Hà Nội bế mạc.

“Khi bạn đến Việt Nam, bạn có thể hiểu rất nhiều điều trong vài phút nhưng phần còn lại thì bạn phải sống để hiểu”. Đây là lời của nhân vật Thomas Flower (Michael Caine đóng) trong bộ phim The quiet American (Người Mỹ trầm lặng) chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Graham Greene – do Phillip Noyce làm đạo diễn. Dường như Phillip Noyce là vị đạo diễn có duyên với Việt Nam. Đạo diễn Phillip Noyce – Ảnh: Gia Tiến

Lần này, ông quay lại Việt Nam với tư cách là trưởng ban giám khảo của LHP Quốc Tế Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội. Sau khi LHP kết thúc, ông đã có những buổi gặp mặt trao đổi kinh nghiệm với những người làm điện ảnh và những sinh viên điện ảnh tại Hà Nội và TP.HCM. Qua những buổi gặp mặt này, những người tham gia hiểu thêm phần nào về đạo diễn Phillip Noyce, và từ đó rút ra cho mình những kinh nghiệm và bài học khác nhau.

Quyết liệt: bài học dành cho tuổi trẻ

Điều lớn nhất mà mọi người có thể học được qua hai ngày này chính là không hề có một bài học nào được giảng giải mà thay vào đó, chính bản thân đạo diễn Phillip Noyce là một bài học cho tất cả những người tham gia. Đó là bài học về sự nỗ lực, niềm đam mê của một chàng trai 18 tuổi tự tìm đến con đường điện ảnh bằng những bộ phim độc lập và quyết tâm “một tuần làm được một phim”.

Đó là sự năng động khi Phillip Noyce kể câu chuyện về việc ông mang bộ phim Newsfront (1978) đến LHP Cannes nhưng bị từ chối, ông đã thuê một rạp chiếu bóng ngay sau khu vực LHP Cannes để tự mình chiếu bộ phim này, kết quả là bộ phim thu hút đông đảo khán giả và những nhà sản xuất bắt đầu để ý đến Phillip Noyce.

Đó là sự táo bạo khi ông mang chiếc xe hơi đạo cụ trong phim đến quảng trường và thuê người đập phá chiếc xe để thu hút sự quan tâm của công chúng tới bộ phim của mình…

Qua những câu chuyện của Phillip Noyce, để thấy được rằng không phải cứ đạo diễn Hollywood là muốn làm gì cũng được. Họ cũng có những khó khăn nhiều khi còn đau đầu hơn chúng ta vì họ phải làm việc trong một hệ thống đầy những quy tắc, luật lệ mà chỉ cần một chút thiếu tập trung sẽ bị đào thải ngay lập tức. Đặc biệt những đạo diễn nước ngoài làm việc tại Hollywood như Phillip Noyce càng phải nỗ lực hơn nữa để giữ được vị trí của mình.

Đạo diễn Phillip Noyce trao đổi với các đạo diễn, sinh viên trong buổi gặp gỡ tại TPHCM ngày 25-10 – Ảnh: Võ Tùng

Trên thảm đỏ gồm những người vượt khó

Ngày cuối cùng của buổi học, ông xin phép đến trễ vì sáng hôm đó ông có hẹn trao đổi qua mạng với diễn viên Anne Hathaway, lúc 3g sáng (giờ Việt Nam). Ông nói ông đang cố gắng thuyết phục Hathaway tham gia phim mới của ông, vì một lẽ ở Hollywood, phim muốn được các hãng lớn đầu tư thì phải có những diễn viên ngôi sao. Đừng thấy những đạo diễn Hollywood trên thảm đỏ trong choáng ngợp đèn flash mà nghĩ họ sung sướng. Họ đã phải đấu tranh rất nhiều, phải hy sinh và từ bỏ rất nhiều, họ vừa phải có một tâm hồn nghệ sĩ vừa phải có một bộ óc kinh doanh.

Làm điện ảnh ai cũng khó khăn cả, chỉ có điều khó khăn theo nhiều kiểu khác nhau, ngay cả “nhà giàu” như Hollywood cũng khó khăn. Điều mà Phillip Noyce cho mỗi người biết là đừng so sánh những khó khăn của người khác với mình, đừng đem Hollywood ra so sánh với điện ảnh Việt Nam, điều quan trọng đó chính là phải tự mình nỗ lực vượt qua khó khăn, giữ vững lập trường và con đường điện ảnh mình đeo đuổi.

Buổi sáng ngày đầu tiên của buổi học, trước khi bắt đầu, đạo diễn Phillip Noyce đã cho mọi người tham gia một trò chơi: hai người bắt cặp với nhau, một người đứng trước nhắm mắt và người đứng sau có nhiệm vụ “lái” bạn đồng hành của mình tới đích. Với người nhắm mắt, họ không thấy gì cả vì thế họ đặt hết niềm tin vào người bạn dẫn dắt mình; với người dắt, họ đặt hết sự tập trung và nỗ lực giúp bạn tới đích vì một lẽ đơn giản: bạn đã tin mình.

Niềm tin, đây cũng chính là điều những người làm phim cần phải có, niềm tin vào bản thân, vào những người cộng sự, nhưng hết thảy đó là niềm tin rằng chúng ta sẽ đến đích, sẽ tạo ra những điều mới mẻ cho dù chúng ta có đang dò dẫm trong bóng tối.

Đạo diễn Phillip Noyce sinh năm 1950 tại New South Wales, Úc. Gia đình ông chuyển đến Sydney vào năm ông 12 tuổi. Trước ông, trong gia đình ông chưa có ai làm điện ảnh. Bố ông làm trong lĩnh vực tình báo, những câu chuyện về gián điệp, chiến tranh lạnh, khủng bố…mà bố ông kể có ảnh hưởng đến những phim của ông như Clear and present danger năm 1994 (Tạm dịch: Sự nguy hiểm hiện tại trước mắt), The patriot games năm 1992 (Trò chơi ái quốc), cả hai phim đều do ngôi sao Harrison Ford đóng vai chính. Phim mới nhất của ông cũng về đề tài gián điệp tình báo là Salt (Nữ điệp viên) 2010 do Angelina Jolie đóng.

Hiện tại ông đang sống và làm việc tại Mỹ.

Theo: Hai ngày học với Phillip Noyce

(TRƯƠNG MINH QUÝ/TTO)

Bài liên quan

Đạo diễn trẻ: Những cánh cửa rộng mở.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Các đạo diễn trẻ đang có một chân trời rộng mở, với lòng đam mê và thời gian dài phía trước, chúng ta có quyền tin rằng, họ sẽ có những tác phẩm thuyết phục được các nhà chuyên môn cũng như đọng lại trong lòng công chúng.

Làm nghề phim phải có tính nhẫn nại.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Trong sự thành công của mỗi bộ phim thì người quay phim giữ một vai trò khá quan trọng. Sau đây là những ý kiến ngắn về nghề làm phim của NSND Nguyễn Hữu Tuấn: “Làm nghề phim phải có tính nhẫn nại”…

Nghề làm phim quảng cáo: Khó khăn và cơ hội.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Nghề làm phim quảng cáo đang thu hút giới trẻ vì thu nhập khá cao và nhu cầu nhân lực lớn. Tuy nhiên, cơ hội thành công thật sự và vượt qua khó khăn để trụ lại với nghề không phải là chuyện dễ dàng.

Nghề nhà văn, viết báo, kịch bản.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Thực ra làm văn, viết báo, kịch bản là quá gần nhau. Nhà thơ Nguyễn Bính gọi chung là "kiếp long đong". Nghề báo hôm nay không giống như xưa, và viết kịch bản phim dù đang “thời thượng” nhưng vẫn cho thấy thực tế nhà văn Việt không sống được bằng nghề viết văn.

Nghề hóa trang - phù thủy cho những bộ phim

(hieuhoc_hieuhoc.com): Người ta đến sân khấu để thưởng thức thần tượng sân khấu của riêng mình, được sống trong những khoảnh khắc đẹp cùng với những nhân vật đẹp. Điều gì đã tạo nên sức hút đó? Sẽ thật là bất công nếu chúng ta bỏ quên đóng góp quan trọng của các chuyên viên hóa trang và trang điểm sân khấu.

Cùng chuyên mục