Hướng dẫn viên du lịch quốc tế

Quy định hướng dẫn viên (HDV) phải có bằng đại học đang khiến gần 400 hướng dẫn viên du lịch quốc tế có nhiều năm kinh nghiệm hành nghề ở TP.HCM đột nhiên phải ngồi nhà.

Bỗng dưng mất thẻ

17 năm làm HDV tiếng Đức nhưng anh Trần Thanh Long, 1 trong 8 HDV của Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist đang phải chuyển nghề vì không được cấp thẻ trong đợt đổi thẻ năm 2010 của Tổng cục Du lịch do không có bằng đại học. Do đã có tuổi, anh Long không dễ học để bổ sung bằng đại học, đành phải ngồi ở công ty đợi phân việc khác. Đây cũng là tình cảnh của nhiều HDV.

Ở các nước châu Âu, quản lý HDV là việc của hãng lữ hành. Nếu tuyển chọn HDV không chất lượng, công ty sẽ thiệt thòi vì bị mất khách. Khi công ty nhận hợp đồng đón khách, sẽ biết khách có nhu cầu nào và qua đó sắp xếp HDV phù hợp, chứ không nhất thiết HDV phải có bằng đại học, bởi đây là một nghề rất đặc thù.

“Người Thái Lan làm du lịch rất giỏi, cách đây chừng 4 năm, lực lượng HDV tiếng Việt của họ rất mỏng, chỉ có vài Việt kiều ở Thái. Nhưng hiện nay, HDV người Thái nói tiếng Việt rất đông đảo. Nói vậy mới thấy, khi xác định khách VN là thị trường trọng điểm, họ bắt tay ngay đào tạo và chuẩn bị lực lượng HDV. Còn ta tập trung quảng bá thị trường Hàn Quốc, Thái Lan, Ý, Nga, Đức, Tây Ban Nha…, nhưng HDV lại không đủ. Điều này thiệt đơn thiệt kép, không chỉ mất cơ hội đón khách mà còn tốn kém chi phí do quảng bá sai thị trường”, ông Trần Vĩnh Lộc, giám đốc một công ty du lịch ở TP.HCM.

Hướng dẫn viên đang hướng dẫn khách ở Bưu điện TP.HCM – Ảnh: D.Đ.M

Ngành du lịch Việt Nam từng chọn cách tương tự để giải quyết nhu cầu thiếu hụt HDV trong bối cảnh bùng nổ du khách những năm trước. Tuy nhiên, cho đến nay Tổng cục Du lịch lại từ chối cấp thẻ cho HDV dạng này với lý do Luật Du lịch quy định phải có bằng đại học.

Theo bà Jenny Goh, Giám đốc Công ty du lịch Ngôi Sao Vàng (TP.HCM), ở Malaysia không bắt buộc HDV quốc tế phải có bằng đại học. Những người học xong trung học phổ thông có thể trở thành HDV, với điều kiện phải trải qua một khóa học về chuyên ngành du lịch trong khoảng hơn 300 giờ học theo ngôn ngữ mà mình đăng ký.

“Nới” tiêu chuẩn

Để tháo gỡ khó khăn, Sở VH – TT – DL TP.HCM liên tục gửi công văn đề nghị Tổng cục Du lịch – xem xét một số trường hợp đặc biệt và cấp thẻ tạm thời cho các đối tượng HDV tiếng hiếm nhưng không được chấp nhận. Tính đến nay chỉ 70 HDV tiếng Hoa được cấp thẻ, trong số 184 người. Nếu tiếp tục giữ nguyên tiêu chuẩn đào tạo (bằng đại học) thì chắc chắn sẽ thiếu hụt rất nhiều HDV tiếng Hoa. Những HDV tiếng hiếm khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Do đó, Sở này đề nghị đối với HDV tiếng Hoa đã có thẻ trước đây nhưng thiếu bằng đại học được làm cam kết bổ sung bằng đại học sau 3 năm và cấp thẻ tạm thời cho họ nếu đáp ứng tiêu chuẩn ngoại ngữ, chứng nhận nghiệp vụ du lịch… Còn các HDV tiếng hiếm khác, nên cấp thẻ đặc cách nếu có hơn 10 năm kinh nghiệm.

Cùng quan điểm, bà Lê Hoàng Phương Linh, Trưởng phòng HDV của Saigontourist, cho rằng có nhiều trường hợp HDV cần đặc cách, vì họ làm việc từ trước khi Luật Du lịch ra đời (năm 2000).

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, có thể “nới rộng” việc cấp thẻ cho một số đối tượng đặc biệt như HDV cao tuổi, làm việc lâu năm trong nghề… “Các sở nên phân loại những HDV chưa được cấp thẻ để được đặc cách”, ông Bình nói.

Theo Thanh Niên

* Sẽ tăng mức phạt vi phạm lĩnh vực du lịch

Theo dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực du lịch thay thế Nghị định số 149/2007/NĐ-CP, Bộ VH-TT-DL đưa ra các mức phạt tăng nặng và bổ sung các nhóm hành vi vi phạm mới phát sinh trong thực tế:

Đối với hành vi như hướng dẫn khách du lịch mà không có thẻ hướng dẫn viên du lịch; sử dụng thẻ hướng dẫn viên giả để hành nghề sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng (mức phạt cũ từ 2-3 triệu đồng); hành vi mạo nhận loại hạng cơ sở lưu trú du lịch sẽ bị phạt từ 25-30 triệu đồng… Đặc biệt, mức phạt cao nhất lên tới 40 triệu đồng đối với các hành vi tẩy xóa, sửa chữa các nội dung trong giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế hoặc cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để hoạt động…

Bài liên quan

Các chuyên ngành khối kinh tế du lịch

(Hiếu học) Các chuyên ngành thuộc lĩnh vực kinh tế du lịch gồm có: Du lịch học; Văn hóa du lịch; Quản trị du lịch và khách sạn - nhà hàng; Hướng dẫn du lịch; Kinh doanh du lịch; Du lịch lữ hành; Quản lý môi trường và du lịch sinh thái... Các chuyên ngành Du lịch này được trên 30 trường Đại học đào tạo...

Kinh doanh du lịch trực tuyến: quảng cáo online

Việt Nam với hơn 23 triệu người dùng internet là một thị trường đầy tiềm năng cho quảng cáo online (quảng cáo trực tuyến). Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cho rằng, quảng bá trực tuyến là một kênh mà ngành du lịch Việt Nam không thể bỏ qua. 

Du lịch biển: Chưa phát huy hết tiềm năng

Có hơn 3.200 km bờ biển nhưng VN vẫn chưa phát huy hết tiềm năng du lịch biển của mình, vì sao? Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã tìm câu trả lời vấn đề này tại hội thảo quốc tế do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức ngày 18.3 ở Bình Thuận. 

Cùng chuyên mục