Đào tạo nghề thiết kế thời trang: Cần bài bản.

Nhà thiết kế dù có ý tưởng sáng tạo, nhưng nếu không am hiểu về thị trường, về kinh doanh, về xu hướng tâm lý tiêu dùng và không được đào tạo bài bản thì khó có thể tạo ra các mẫu phù hợp cho người tiêu dùng.

Việt Nam đang nằm trong mười nước xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu trên thế giới, doanh thu xuất khẩu năm 2010 dự kiến lên đến 10,5 tỉ USD nhưng chủ yếu bằng hoạt động gia công. Số thương hiệu thời trang có tiếng trong nước chỉ mới đếm trên đầu ngón tay, và hầu như chưa có thương hiệu thời trang nào vang danh ở nước ngoài. (Mẫu thiết kế thời trang trên bản vẽ - Hình minh họa)

Ông Trần Anh Tuấn, giám đốc công ty tư vấn The Pathfinder kể: “Hơn một tháng nay tôi đang tìm kiếm nhà thiết kế cho một công ty may mặc lớn trong nước, nhưng tìm mãi vẫn chưa ra, vì các nhà thiết kế có ý tưởng sáng tạo từng đoạt giải trên các sàn thời trang lại thiếu hẳn kinh nghiệm về sản xuất thời trang công nghiệp, xu hướng tiêu dùng, còn nhà thiết kế từng làm việc cho các công ty lại cứ làm theo kiểu rập khuôn…”. Với vai trò tư vấn thương hiệu, ông Tuấn cho rằng, chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp thời trang mà các doanh nghiệp đang xây, bị lủng lỗ chỗ…

Vẫn đang… dò đường

Ông Nguyễn Đức Hùng, viện trưởng viện Mẫu thời trang Việt Nam nhìn nhận: “Trong chuỗi giá trị phức tạp của công nghiệp thời trang, điều chúng ta đang làm tốt nhất là may. Phần nguyên liệu, đang từng bước tăng sản lượng trồng bông ở nhiều vùng, phụ liệu đáp ứng cho nhu cầu may xuất khẩu khoảng 80% với đủ các nhóm sản phẩm chỉ, vải dựng, nút… còn phụ liệu cho ngành thời trang vẫn phải nhập từ nhiều nước. Riêng phần dệt – nhuộm – hoàn tất thì các nhà máy quá cũ kỹ, phải có thời gian 5 – 7 năm đầu tư mới khôi phục lại được”.

Cũng theo ông Hùng, điều quan trọng nhất mà Việt Nam đang hụt hẫng chính là thiếu đội ngũ chuyên viên lĩnh vực hoá nhuộm, mà đào tạo lực lượng này đang gặp phải vấn đề nan giải là các trường tuyển đầu vào không có sinh viên học. Các công ty muốn khai thác kinh doanh trong lĩnh vực này đang phải thuê chuyên gia nước ngoài.

Điều quan trọng nhất mà Việt Nam đang hụt hẫng chính là thiếu đội ngũ chuyên viên lĩnh vực hoá nhuộm.

Thiếu nền tảng cơ sở, thiếu quy trình chuyên nghiệp

Bà Ngô Thị Báu, giám đốc công ty thời trang Nguyên Tâm nêu thực trạng: “Cho đến thời điểm này mỗi nhãn hiệu thời trang Việt Nam đều sản xuất theo bộ ni mẫu riêng mà doanh nghiệp có được, dựa trên đối tác xuất khẩu mà họ đang làm hàng gia công, nên mới có tình trạng cùng chiếc áo, nơi làm theo bộ ni mẫu của Nhật, nơi theo châu Âu, có nơi lại lấy từ Mỹ và chỉnh sửa một chút cho phù hợp với khách hàng Việt Nam. Xu hướng thời trang thì mỗi nơi sao chép theo các catalogue có được, nơi theo gu Tàu, nơi theo gu Tây, không thể hiện được bản sắc riêng”.

Cách xây thương hiệu của doanh nghiệp vẫn chỉ dựa trên chất liệu vải và kỹ thuật may là chính, thiếu hẳn chiến lược đầu tư lâu dài cho thiết kế, tiếp thị, tạo hình ảnh…

“Mỗi nơi sao chép theo các catalogue có được, nơi theo gu Tàu, nơi theo gu Tây, không thể hiện được bản sắc riêng”. (Hình minh họa)

Cần hoàn thiện chuỗi giá trị

Mới đây, viện Dệt Việt Nam đã hoàn tất bộ ni mẫu theo nhân trắc học dựa trên kết quả đo đạc từ 16.000 người Việt trong độ tuổi 6 – 55, nhưng ít doanh nghiệp biết đến. Ông Nguyễn Văn Thông, viện trưởng viện Dệt nói rõ: “Bộ ni mẫu chuẩn này sẽ được cập nhật từng năm. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu, viện sẽ cung cấp bộ ni mẫu được xây dựng thành rập theo nhu cầu kinh doanh từng nhóm mặt hàng như quần tây, sơmi, đầm, quần áo trẻ em, quần áo tuổi teen…”

Đây là một bước tiến đáng ghi nhận, nhưng theo bà Báu, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam muốn phát triển cần phải làm nhiều việc hơn, và rất cần có một người dẫn đầu. Người dẫn đầu chịu trách nhiệm xác định giá trị cốt lõi và chiến lược, tạo tiếng nói đồng bộ để các đơn vị khác cùng theo. Vinatex và các thành viên xuất khẩu tốt, nhưng chỉ mạnh về gia công. Ngành công nghiệp thời trang cần được Nhà nước ban hành chính sách để doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn đầu tư vào phát triển cái gốc là nguyên phụ liệu, dệt nhuộm hoàn tất. Muốn phát triển nghề thiết kế, nghề hoá nhuộm cần ưu đãi cho sinh viên vay vốn đi học, cấp học bổng cho sinh viên giỏi…

Giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm nêu ý kiến: hầu hết các thương hiệu thời trang, để tồn tại và phát triển đều có nhà thiết kế dẫn đầu, thậm chí đa phần là chủ các thương hiệu hoặc những người đứng đầu thiết kế nổi tiếng như Chanel, D&G, Pierre Cardin, nhưng các công ty Việt Nam đều thiếu hẳn phần này. Một vài công ty thuê nhà thiết kế từng đoạt giải quốc tế vào làm việc, nhưng bản thân những người này dù có ý tưởng sáng tạo, lại không am hiểu về thị trường, về kinh doanh, về xu hướng tâm lý tiêu dùng và không được đào tạo bài bản thì khó có thể tạo ra các mẫu phù hợp cho người tiêu dùng. (*) Lược theo:… công nghiệp thời trang Việt (SGTT)

Học thiết kế thời trang ở đâu?

Hầu hết các chương trình đào tạo về thời trang đều kéo dài từ 2 đến 4 năm. Trong thời gian này, bạn sẽ theo học kỹ năng phác thảo mẫu, phương pháp thục hiện một bộ sưu tập thời trang một số môn học mỹ thuật và học vẽ, phương pháp sáng tạo mẫu, Bạn cũng sẽ được học các kỹ thuật cắt, trang trí, dựng mẫu. Và một nhà tạo mẫu không chỉ có óc sáng tạo còn cần phải có khả năng kinh doanh nhất định. (Lý do là thời trang cần phải kết hợp nhiều yếu tố, điều quan trọng là phải nhận biết được môi trường kinh doanh và hiểu các cơ chế đằng sau đó). Vì vậy, nền tảng tốt nhất đối với nghề thiết kế thời trang là học lấy bằng cấp về thời trang ở một trường uy tín. Nhưng trước khi đăng ký vào trường học thiết kế thời trang, sinh viên nên có một kinh nghiệm thực tế về may mặc. Vẽ cũng là một kỹ năng quan trọng đối với nhà tạo mốt – đó chính là cách bạn diễn giải ý tưởng của mình. (Hiếu Học).

Bài liên quan

Nghề thiết kế thời trang - Thành công đâu chỉ toàn hoa hồng

(hieuhoc_hieuhoc.com): Trong một xã hội hiện đại khi nhu cầu và trình độ văn hóa, nghệ thuật - thẩm mỹ ngày càng tăng cao thì nghề thiết kế thời trang (fashion design) đang được xem như một trong những nghề thời thượng được nhiều bạn trẻ chọn lựa. Lý do cũng chính bởi sức hấp dẫn của nó ở tính năng động, khả năng sáng tạo tối đa và cả ánh hào quang trong mắt công chúng của nghề này. Tuy vậy, con đường đi đến thành công không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng.

Những ngành học có yêu cầu riêng hoặc phải qua sơ tuyển.

(Hiếu học). Một số trường yêu cầu thí sinh phải qua sơ tuyển mới được dự thi và nhiều ngành học có những yêu cầu cụ thể về sức khỏe, thể hình, giới tính… Vậy những ngành học nào là có điều kiện và các trường sơ tuyển như thế nào?  

Ngành Thiết kế Thời trang & Mỹ thuật.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Muốn trở thành nhà thiết kế thời trang hoặc học ngành Mỹ thuật, bạn có thể luyện vẽ ở đâu? Ngoài ĐH Kiến trúc, ĐH Mỹ thuật, có thể học thiết kế thời trang ở trường nào? Học những môn gì và có cơ hội việc làm ra sao?

Thiết kế thời trang - Sáng tạo và đam mê...

(hieuhoc_hieuhoc.com): Ngày nay, đi ra đường hay xem tivi chúng ta có thể thấy đủ loại trang phục dài ngắn, màu sắc sắc sặc sỡ hay êm dịu, chất liệu dày mỏng, thiên nhiên hay nhân tạo, cổ truyền hay hiện đại… Chỉ so với chục năm về trước thôi đã thấy phong cách trang phục đã thay đổi rất nhiều, và nó còn thay đổi nhiều nữa trong thời gian tới để phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ ngày càng cao của xã hội. Để đáp ứng cho nhu cầu đó, đã có rất nhiều trường học, trung tâm tiến hành đào tạo các nhà thiết kế thời trang.

Mỹ thuật đa phương tiện, nghề hấp dẫn bạn trẻ

(hieuhoc_hieuhoc.com): Mỹ thuật đa phương tiện - Multimedia Graphic Design (MTĐPT) là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mang tính đa phương tiện và tương tác, ứng dụng trong các lĩnh vực truyền thông quảng cáo, giáo dục và giải trí.

Cùng chuyên mục