Bạn có là Robinson trên đảo vắng?

(hieuhoc_hieuhoc.com). Trong kinh doanh, lúc nào chúng ta cũng có những mối liên hệ với khách hàng, ngân hàng, nhân viên, cổ đông… để có hoạt động hiệu quả, thành công. Hơn nữa, muốn biết công ty/ cơ quan mình hoạt động đạt đến mức nào, chúng ta cũng phải biết “liếc” nhìn sang đối thủ cạnh tranh.

Ví dụ như chúng ta mở một trang web về một lĩnh vực nào đó. Ngoài sự hiểu biết của nhân sự làm việc trong công ty bạn, tức nội lực của nhân viên. Thì chúng ta cũng nên tham khảo những trang web khác có liên quan đến lĩnh vực của mình, để từ đó chúng ta thấy được cái hay, cái chưa được của website mình.Thậm chí chúng ta còn nhìn thấy được những ưu, khuyết điểm của các trang web kia và bổ sung cho web mình những chỗ hay ho đó, cũng như tránh được những sai lầm mà các web khác mắc phải.
Nếu chỉ đơn giản nghĩ rằng mình là nhất, không ai hơn cả thì bạn đã sai lầm to đấy! Tất nhiên ai cũng có khát vọng vươn lên, khẳng định, muốn là người dẫn đầu, nhưng cứ giữ thế “bế quan tỏa cảng “ thì thật không hay gì! Câu nói “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng” phải nên thuộc nằm lòng, có như vậy thì chiếc bánh lợi nhuận mới về tay bạn.

Vậy thì chúng ta đừng biến mình, công ty/ đoàn thể của mình thành Robinson trên đảo vắng nhé!

Bạn đang đứng ở đâu?

Cách hiệu quả nhất để làm điều này là tiến hành phân tích ma trận SWOT trong công việc kinh doanh của bạn.

Phân tích SWOT là gì? Đó llà phân tích được áp dụng rộng rãi trong quản lý. SWOT bắt nguồn từ 4 chữ cái đầu: Strength – Weakness – Opportunity – Threat (Điểm mạnh – Điểm yếu – Cơ hội – Thách thức). Phân tích SWOT là một kỹ thuật phân tích rất mạnh trong việc xác định Điểm mạnh và Điểm yếu để từ đó tìm ra được Cơ hội và Nguy cơ.

Để tiến hành phân tích SWOT hãy ghi lại và trả lời các câu hỏi sau:

Điểm mạnh:

Công ty bạn có lợi thế gì?
Bạn có thể làm gì tốt hơn những người khác?
Bạn có gì đặc biệt nhất hoặc nguồn lực rẻ nhất?
Người ta thấy bạn có điểm mạnh gì trên thị trường?
Xem xét vấn đề này phải xem xét trên một khía cạnh từ bên trong, và từ quan điểm của khách hàng và mọi người trên thị trường. Và hãy thực tế là Không nên tự sáng tạo thái quá hoặc cho rằng ta sáng tạo ra nó ( thông tin về điểm mạnh và yếu). Vì thế nếu bạn cảm thấy khó khăn hãy viết về tính cách của bạn. Ở đó bạn có thể có hy vọng biết được điểm mạnh yếu.
Khi nhìn vào Điểm mạnh thì hãy liên tưởng đến đối thủ của bạn – ví dụ, nếu tất cả đối thủ của bạn đều cung cấp sản phẩm có chất lượng cao, thì quá trình sản xuất chất lượng cao không phải là điểm mạnh, nó chỉ là điều kiện cần.

Điểm yếu:

Bạn phải cải tiến cái gì?
Bạn phải tránh cái gì?
Những gì mà dường như mọi người cho rằng thế là Yếu?
Nhắc lại lần nữa, khi xem xét ở cả hai góc độ bên trong và bên ngoài: Có phải người khác dường như nhận thấy được Điểm yếu mà bạn không thấy? Có phải đối thủ của bạn đang làm tốt hơn bạn? Có phải đây là lúc tốt nhất để đối mặt với sự thực?

Cơ hội:

Đâu là những cơ hội tốt nhất có thể mang lại?
Đâu là xu thế tốt mà bạn đang mong đợi?
Những cơ hội được xem là có hiệu quả (có ích) thường được mang đến như sau:
* Có sự thay đổi về công nghệ và thị trường ở cả quy mô rông và hẹp
* Có sự thay đổi về chính sách của nhà nước về lĩnh vực mà bạn tham gia
* Thay đổi về cơ cấu, lĩnh vực xã hội, về dân số, về cách sống …
* Những sự kiện tại địa phương
* Một cách tiếp cận hiệu quả là nhìn vào điểm mạnh và tự vấn liệu có mở ra cơ hội nào không.
Tương tự nhìn vào điểm yếu và tự vấn liệu có thể có cơ hội bằng cách loại bỏ các điểm yếu này không.

Nguy cơ:

Trở ngại của bạn là gì?
Đối thủ của bạn đang làm gì?
Có phải đang có những thay đổi đối với nghề nghiệp, hay sản phẩm dịch vụ của bạn?
Thay đổi công nghệ có ảnh hưởng đến vị trí của bạn hay không?
Bạn đang có nợ xấu hay có vấn đề đối với vốn lưu đông hay không?
Liệu có điểm yếu nào của bạn đe dọa nghiêm trọng đến công việc của bạn không?
Tiến hành phân tích này đồng nghĩa với việc chỉ ra được những gì cần thiết để làm và đặt các vấn đề vào tầm ngắm.

Qua đó, bạn thấy rõ được vị trí của mình trong “bảng xếp hạng”. Điều này sẽ giúp bạn xác định được những điều bạn cần cải thiện, và những đặc điểm nào của công ty mà bạn cần tận dụng để dành được nhiều khách hàng hơn.

Phân tích đối thủ cạnh tranh

Bạn có thể áp dụng SWOT cho chính đối thủ cạnh tranh để từ đó tìm ra phương thức hiệu quả trong cạnh tranh. Biết địch, biết ta trăm trận trăm thắng mà.

Quan trọng là bạn phải phân loại được đối thủ cạnh tranh: đối thủ chính, đối thủ phụ, đối thủ gián tiếp và đối thủ tiềm năng. Bằng cách thu thập thông tin, bạn sẽ xác định được đối thủ cạnh tranh thuộc loại nào, từ đó xây dựng các chiến lược đối phó phù hợp. Tuy nhiên, thông tin nên được thu thập như thế nào? Nguồn thông tin trong thế giới hiện nay thật vô cùng: báo, tạp chí, Internet, khách hàng, hội chợ thương mại,… Trong đó, “khách hàng là một kênh thông tin vô cùng quan trọng. Họ là người biết được giá cả của công ty A thấp hơn so với công ty B, dịch vụ chăm sóc khách hàng của công ty B tốt hơn công ty C. Doanh nghiệp cần biết cách khai thác nguồn thông tin này một cách hiệu quả.”

Điều quan trọng, thông tin thu thập phải có trọng điểm, phù hợp và có thể sử dụng được. Thu thập thông tin không thể sử dụng chỉ gây tốn kém công sức, thời gian và tiền bạc. Thông tin sau khi thu thập xong phải được chọn lọc để đảm bảo rằng chúng chính xác, cập nhật và điển hình.

Có thể nói, bằng cách sử dụng cơ sở so sánh và phân tích SWOT giữa bạn và đối thủ cạnh tranh, bạn có thể phác thảo một chiến lược mà giúp bạn phân biệt bạn với đối thủ cạnh tranh, vì thế mà giúp bạn cạnh tranh hiệu quả trên thị trường.

Bây giờ bạn đã có đủ nguyên liệu để làm món ăn. Hãy sử dụng những nguyên liệu thông tin đó để xây dựng hình thù món ăn và xác định mình sẽ ăn nó như thế nào. Đó chính là lúc bạn nắm bắt được ma trận SWOT của đối thủ cạnh tranh. Để thành công hãy tìm cách lợi dụng điểm yếu của đối thủ và tận dụng điểm mạnh của mình.

H.G (tổng hợp)

Cùng chuyên mục