Điểm trúng tuyển ĐH, CĐ 2010: Mối lo và cơ hội.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Những thông tin về điểm trúng tuyển ĐH, cơ hội và cách thức xét tuyển nguyện vọng vẫn là mối bận tâm của nhiều thí sinh và phụ huynh.

Với đề thi được rất nhiều thí sinh (TS) đánh giá là khó, dự báo năm nay điểm thi ĐH sẽ không cao hơn các năm trước. (Phấn khởi trước những cơ hội trúng tuyển ĐH 2010 – Ảnh NLD)

Bao giờ thì có điểm thi ĐH?

Theo lịch trình tuyển sinh, trước ngày 31-7, các trường ĐH hoàn thành chấm thi và công bố điểm thi cho TS. Tuy nhiên nhiều trường cho biết khoảng từ ngày 20 đến 22-7 sẽ công bố điểm thi và điểm trúng tuyển dự kiến. 15 ngày sau khi các trường công bố điểm thi, thí sinh nộp đơn phúc khảo điểm thi. 15 ngày sau khi nhận đơn phúc khảo, các trường công bố điểm phúc khảo cho thí sinh. Bộ sẽ công bố điểm sàn trước 10-8. Sau đó, các trường công bố điểm chuẩn trước 20-8.

Điểm sàn: dừng ở mức ổn định.

Điểm sàn năm nay được dự đoán nằm trong khoảng từ 13-15 điểm. Đây là mức điểm bảo đảm chất lượng tối thiểu đầu vào và phù hợp với chủ trương của những người làm đề, bởi nói như ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT: “Muốn dừng điểm sàn ở mức ổn định”.

Ba cơ hội trúng tuyển

Ông Ngô Kim Khôi (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) cho biết: Những TS nếu không trúng tuyển đợt 1 nhưng có kết quả thi ĐH bằng hoặc lớn hơn điểm sàn đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0) sẽ được cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi (số 1 và số 2).

TS dùng giấy số 1 để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 2. Nếu vẫn không trúng tuyển đợt 2 thì dùng giấy số 2 để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 3.

TS có kết quả thi ĐH thấp hơn điểm sàn được cấp phiếu báo điểm nhưng không được dùng để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi ĐH theo đề thi chung để xét tuyển.

Đối với những trường top trên, điểm trúng tuyển dự kiến thường cao hơn điểm sàn rất nhiều. (Thí sinh làm thủ tục dự thi ĐH – Ảnh Hoàng Hà).

Chưa đỗ, vẫn còn cơ hội

Như vậy TS dự thi 1 trường ĐH hoặc CĐ, nếu không trúng tuyển NV1 vào trường đã dự thi thì đều có ít nhất 2 cơ hội xét tuyển. Nhưng cũng lưu ý TS đã trúng tuyển NV trước, không được tham gia đăng ký xét tuyển NV sau. Khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 hoặc NV3, chỉ nộp giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ, không nộp bản photocopy. TS dự thi ngành năng khiếu, nếu môn văn hóa thi theo đề thi chung, sẽ được tham gia xét tuyển vào chính ngành đó của các trường có nhu cầu xét tuyển, trong vùng tuyển của trường.

Dành nhiều chỉ tiêu NV2, NV3

Một thành viên Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 của Bộ GD-ĐT cho biết chủ trương của bộ là đối với những trường ĐH có dự kiến điểm trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 dưới 15 điểm cần dành khoảng 15%-20% chỉ tiêu để xét tuyển NV2, 3.

Với các trường còn chỉ tiêu xét tuyển NV2, bộ yêu cầu phải thông báo điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (mức điểm nhận hồ sơ, chỉ tiêu xét tuyển và nguồn tuyển) trước ngày 25-8.

Có nhiều trường dành 100% cho NV2, NV3

Mặc dù một số ngành, một số trường tuyển đủ 100% chỉ tiêu theo NV1, nhưng ngược lại cũng có nhiều ngành, nhiều trường dành rất nhiều chỉ tiêu cho NV2, NV3. Đồng thời, nhữngtrường ĐH-CĐ không tổ chức thi gần như dành 100% chỉ tiêu để xét tuyển NV2, NV3 cho các TS có điểm thi từ điểm sàn trở lên.

Xét tuyển NV2, NV3 có thể nộp tại trường

Năm nay, để tạo điều kiện thuận lợi cho TS, Bộ GD-ĐT cho phép TS có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, NV3 trực tiếp tại trường mà TS có NV đăng ký tham gia xét tuyển, bên cạnh hình thức nộp qua đường bưu điện như mọi năm.

Việc nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện cũng có thêm quy định: TS được nộp kèm lệ phí với hồ sơ đăng ký xét tuyển chứ không phải nộp tách riêng nữa.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì Họp báo về hai đợt thi ĐH, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2010. (Ảnh: gdtd)

Trường hợp bị thất lạc giấy báo điểm

Sau khi có kết quả tuyển sinh, các TS phải thường xuyên chú ý xem mình nhận được phiếu báo điểm hay chưa nhằm tránh tình trạng thất lạc giấy báo điểm mà không biết, ảnh hưởng đến quyền lợi khi các trường ĐH xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, 3.

Bộ GD-ĐT cũng lưu ý, trong trường hợp bị thất lạc giấy báo điểm, TS phải liên lạc với trường mình thi để được giải quyết: Trong trường hợp chờ lâu mà không thấy giấy báo điểm, thí sinh có thể liên hệ với Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM (đối với TS tự do có mã tuyển sinh 98) hoặc trường ĐH mình đăng ký dự thi để sớm có phương án giải quyết.

Hiếu học tiếp tục sớm cập nhật những thông tin về điểm tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2010. Điểm trúng tuyển các ngành học, các trường của tất cả các khối A, B, C và D. Mời các bạn và quý phụ huynh đón xem.

Tuấn Phong tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com).

Cùng chuyên mục