Nghề stylist � Chuyên viên tạo phong cách

(hieuhoc_hieuhoc.com): Thỉnh thoảng đọc một tờ báo hay tạp chí nào đó, bạn bắt gặp một cô người mẫu ăn mặc xinh đẹp và tạo dáng rất tự nhiên trong một khuôn hình sống động, điều này có tạo sự hứng thú để bạn xem hết trang báo không? Nếu câu trả lời là có thì kì báo đó đã thành công rồi. Góp phần không nhỏ vào sự thành công của số báo đó để cho ra đời những hình ảnh long lanh chính là các stylist – người tạo phong cách.

Một nghề “hot” bỏng tay

Ngành giải trí truyền thông ở Việt Nam hơn bao giờ hết đang phát triển vô cùng mạnh mẽ đem lại sự nổi tiếng cho biết bao nhiêu ngôi sao ca nhạc, diễn viên điện ảnh… Hơn ai hết họ luôn ý thức rằng mình là người của công chúng. Chính vì thế phong cách của họ sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ. Và đó là lý do vì sao các stylist luôn có rất nhiều cơ hội để thử sức với công việc “ăn theo” ngành giải trí này.

Vai trò của stylist ngày càng được coi trọng. Không chỉ là có tên bên cạnh người trang điểm và nhiếp ảnh. Sự có mặt của stylist thì thành công của các bức hình hay buổi diễn được đảm bảo hơn. Tìm đến, nhờ sự giúp đỡ của các stylist bây giờ không chỉ có những “sao” trong làng giải trí mà đã còn có cả những công chức, doanh nhân thành đạt… vì trong xã hội hiện đại ai cũng cần có một phong cách riêng. Và do đó nhu cầu tuyển dụng các stylist rất cao hứa hẹn nhiều tiềm năng cho các bạn trẻ.

Ai cũng có thể làm một stylist, bởi chưa có một trường đào tạo chuyên nghiệp. Trên thế giới chỉ có những khoá học ngắn hạn về nghề stylist, còn ở ta stylist thường là những người có kiến thức về hội hoạ, thậm chí chỉ là người chụp ảnh thời trang, là người mẫu hay chuyên viên trang điểm, hoặc có khi chỉ là người làm tóc. Trong quá trình làm việc, đôi khi họ “bị đẩy” vào công việc của một stylist một cách vô tình. Đầu vào thấp cũng là một lý do khiến nghề này có sức hút mãnh liệt.

Thu nhập của các stylist ở Việt Nam cũng hấp dẫn không kém, bình quân từ 7 – 10 triệu/tháng. Điều này càng khiến các bạn trẻ ngày càng có nhiều khát vọng theo đuổi nghề này.

Chân dung của stylist

Ngay cả những người đang làm nghề stylist cũng chưa đưa ra một định nghĩa thống nhất. Stylist xuất phát từ Mỹ nơi mà công nghệ giải trí, truyền thông thịnh vượng. Nghề stylist xuất hiện rồi phát triển tại Việt Nam theo một xu hướng tất yếu cùng công nghệ lăng xê và công nghệ PR (Public Relations – Quan hệ công chúng). Và stylist được hiểu một cách truyền miệng đơn thuần là người sáng tạo phong cách.

Ở Việt Nam, đa số người làm nghề stylist thường tập trung ở hai lĩnh vực thời trang và nhiếp ảnh. Chưa có stylist nào đủ sức dàn dựng chỉ huy một buổi biểu diễn nghệ thuật lớn.

Công việc stylist thường liên quan nhiều đến các cửa hàng thời trang, studio chụp hình, cộng tác thường xuyên với người mẫu, chuyên viên make up và nhiếp ảnh gia. Điều quan trọng đối với stylist là “nâng tầm” phong cách mà khách hàng đang sở hữu và thể hiện phong cách đó qua trang phục. Và sự thành công đó phụ thuộc vào độ tinh tế trong thẩm mỹ thời trang cũng như khả năng nắm bắt nhanh những biến động và xu hướng thời trang thế giới để phong cách của khách hàng khi được định hình không bị lỗi mốt, lạc hậu.

Đạt được mức đó, các stylist tiếp tục tạo dựng một hình ảnh có chiều sâu cho khách hàng – đó là sức bền trong cuộc chạy đua làm mới hình ảnh, chăm sóc hình ảnh của khách hàng bằng sự tinh tế của mỗi stylist – những người trẻ say mê và dám bước chân khai phá một lãnh địa nghề nghiệp mới.

Những tố chất mang đến thành công cho các stylist

– Để trở thành một stylist giỏi thì gu thời trang là điều bắt buộc. Điều này đòi hỏi các stylist phải có tư chất nghệ thuật và vốn kinh nghiệm làm việc để có thể liên tục sáng tạo ra các phong cách khác nhau, càng độc càng tốt.

– Ngoài ra, một stylist chuyên nghiệp phải có kiến thức tổng hợp của các ngành nghệ thuật và luôn cập nhật xu hướng stylist từ tạp chí nước ngoài. Học tập phong cách nhưng tránh copy nguyên si bởi có không ít trường hợp bắt chước gây phản cảm.

– Để đáp ứng đòi hỏi của công việc, một stylist không chỉ có khả năng sáng tạo kịch bản mà còn phải am tường các lĩnh vực đi kèm như quay phim, nhiếp ảnh, trang điểm, tạo mẫu thời trang…Và thực tế cũng chứng minh những ai kiến thức tốt về hội họa, nhiếp ảnh, tạo mẫu thời trang, tạo mẫu tóc… tiếp cận với nghề stylist có phần dễ dàng hơn.

Học nghề stylist ở đâu?

Ở nước ngoài, stylist là một nghề chuyên nghiệp dù không được đào tạo chuyên nghiệp. Thông thường những người học trường nghệ thuật, thời trang, mỹ thuật, những người có kinh nghiệm làm việc trong giới tổ chức biểu diễn hay chuyển sang làm nghề này. Nhưng ở Việt Nam nghề này chỉ mới nở rộ gần đây nên chưa có trường lớp đào tạo bài bản chính thức. Bởi vậy, nếu bạn muốn theo đuổi nghề này thì bạn phổi nỗ lực tự học hỏi rất nhiều thì mới mong tạo dựng được chỗ đứng cho mình.

Như Tâm tổng hợp

(Chú ý: Hãy nghi rõ nguồn: “Như Tâm – Theo hieuhoc_hieuhoc.com” khi xuất bản lại nội dung bài viết này)

Cùng chuyên mục