Sửa đổi, bổ sung quy chế thi học sinh giỏi

(Hiếu học) Ngày 24/11, Bộ GD&ĐT vừa có thông tư hướng dẫn về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi chọn học sinh giỏi.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trao phần thưởng cho các học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc tế, khu vực. (Hình: VTC)

Theo đó, các nội dung có sự sửa đổi được Bộ GD&ĐT quyết định như sau: Đối với các kỳ thi cấp quốc gia, ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện quy định, thành viên ban đề thi, chấm thi, phúc khảo còn phải là những người có năng lực chuyên môn giỏi; giám thị không coi thi ở nơi có người học của đơn vị mình dự thi.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia có 02 buổi thi đối với các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học và 01 buổi thi đối với các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp và Tiếng Trung Quốc; thời gian làm bài thi mỗi buổi thi là 180 phút đối với mỗi môn thi tự luận, 90 phút đối với mỗi môn thi trắc nghiệm, 90 phút tự luận và 45 phút trắc nghiệm đối với môn thi có cả tự luận và trắc nghiệm.

Nội dung đề thi phải nằm trong phạm vi nội dung chương trình thi được quy định cho từng kỳ thi; phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, phân loại được trình độ thí sinh.

Đề thi và đáp án của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế được công bố trên Website Bộ GD&ĐT ngay sau khi chấm thi xong.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Các quy định trước đây trái với quy định tại thông tư này đều bị bãi bỏ.

Tổ chức thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi môn Giáo dục công dân

Bắt đầu từ năm học 2011, sẽ có kỳ thi HS giỏi, GV giỏi về môn Giáo dục công dân. Đó là một trong những nội dung của Thông tư liên tịch do Bộ GD-ĐT và Bộ Tư pháp hướng dẫn phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành.

Một trong những nội dung quan trọng mà hai Bộ phối hợp thực hiện là xây dựng và sử dụng đội ngũ giáo viên, giảng viên, báo cáo viên phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Khảo sát, đánh giá tình hình đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Pháp luật; cán bộ phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành giáo dục, báo cáo viên pháp luật ngành giáo dục.

Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật; Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, đổi mới phương pháp giảng dạy theo giáo trình, sách giáo khoa các môn học Pháp luật, môn học Đạo đức, Giáo dục công dân phù hợp với lứa tuổi, điều kiện nhà trường, vùng miền; Huy động đội ngũ cán bộ tư pháp, báo cáo viên pháp luật các cấp tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường.

Mục đích phối hợp nhằm xây dựng, hoàn thiện chương trình, giáo trình, sách giáo khoa các môn học Pháp luật, môn học Đạo đức và Giáo dục công dân. Biên soạn sách hướng dẫn và tài liệu tham khảo phục vụ việc giảng dạy và học tập các môn học Pháp luật, môn học Đạo đức và Giáo dục công dân; Xây dựng, biên soạn, phát hành các tài liệu, danh mục thiết bị phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường.

Đặc biệt, phối hợp nghiên cứu khoa học về phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi môn học Giáo dục công dân và môn học Pháp luật.Đổi mới phương pháp dạy và học pháp luật theo hướng nâng cao tính chủ động, tích cực của người học và tính thực tiễn trong bài giảng của giáo viên, giảng viên…

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2010.

Nguồn: (GD-ĐT)

Bài liên quan

Đề án cho bậc Đại học và THPT chuyên

(Hiếu học) Bộ GD-ĐT tiếp tục đưa ra đề án cho bậc ĐH trong tuyển sinh, đào tạo và đề án trường chuyên cho bậc phổ thông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu xã hội.   

Cùng chuyên mục