Thêm cơ hội cho thí sinh năm 2011

(hieuhoc_hieuhoc.com) Thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn nhờ chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2011 sẽ tăng 6,5% và cơ hội vào các trường tốp trên cũng rộng mở hơn với các hệ – tuyển sinh theo nhu cầu xã hội, – tuyển sinh riêng, – tuyển sinh theo chuyên ngành với điểm trúng tuyển thấp hơn điểm sàn…

Cửa giảng đường thêm rộng: Học sinh Tiền Giang tham dự buổi tư vấn tuyển sinh… (Ảnh: TTO)

1. Hệ tuyển sinh & đào tạo theo nhu cầu xã hội (ngoài ngân sách)

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 đang bắt đầu diễn ra và nhiều trường đã có dự kiến tuyển chỉ tiêu đào tạo “theo nhu cầu xã hội”. Cụ thể, các trường ĐH tốp đầu như ĐH Y Hà Nội, Học viện Tài chính, ĐH Ngoại thương, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông… đều dự kiến dành hàng trăm chỉ tiêu tuyển sinh ngoài ngân sách.

– Học viện Tài chính dự kiến dành 300 chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội cho những thí sinh có điểm cao nhưng trượt hệ chính quy.

– Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vẫn có 2 loại chỉ tiêu, gồm chỉ tiêu được cấp ngân sách Nhà nước và chỉ tiêu đào tạo “theo nhu cầu xã hội”. Trong tổng chỉ tiêu kể trên, mỗi ngành đào tạo ở cơ sở phía Bắc có 50 chỉ tiêu và cơ sở phía Nam có 30 chỉ tiêu được cấp ngân sách đào tạo. Số chỉ tiêu còn lại được đào tạo “theo nhu cầu xã hội” với mức học phí theo quy định do chính học viện đề ra. – Theo ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông, năm nay học viện sẽ dành nhiều chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội, những thí sinh trúng tuyển theo diện này sẽ phải đóng mức học phí theo quy định của học viện.

– Trường ĐH Ngoại thương dự kiến tuyển 3.000 chỉ tiêu hệ chính quy và cũng sẽ xét tuyển 300 chỉ tiêu đào tạo “theo nhu cầu xã hội” với mức điểm chuẩn cận kề với mức trúng tuyển vào trường.

– Trường ĐH Y Hà Nội tuyển 1.000 sinh viên chính quy và cũng tuyển hệ đào tạo “theo nhu cầu xã hội”, dự kiến 200-300 chỉ tiêu.

– TrườngĐH Y Dược TPHCM có tới 200 chỉ tiêu (CT) ngoài ngân sách ngành bác sĩ đa khoa, 50 CT ngành bác sĩ răng, hàm, mặt, 100 CT ngành dược sĩ, 50 CT ngành bác sĩ y học cổ truyền, 20 CT ngành bác sĩ y học dự phòng, 40 CT ngành điều dưỡng, 20 CT ngành xét nghiệm, 10 CT ngành vật lý trị liệu, 10 CT ngành kỹ thuật hình ảnh, 15 CT ngành kỹ thuật phục hình răng, 20 CT ngành hộ sinh, 20 CT ngành gây mê hồi sức.

– Trường ĐH Y Dược Cần Thơ dành 450 CT ngoài ngân sách Nhà nước cho các ngành bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng, hàm, mặt, dược sĩ, bác sĩ y học dự phòng. Đối với hệ ĐH liên thông, trường cũng tuyển 500 CT ngoài ngân sách cho các ngành bác sĩ đa khoa, dược sĩ, cử nhân điều dưỡng đa khoa, cử nhân xét nghiệm đa khoa, cử nhân điều dưỡng phụ sản…

2. Thấp hơn điểm sàn 3 điểm vẫn vào được ĐH KTQD

Khác với các hệ đào tạo theo nhu cầu xã hội (ngoài ngân sách) của một số các trường. Trường ĐH KTQD xét tuyển theo chuyên ngành đối với các chuyên ngành như: Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn (mã ngành 417); Thống kê kinh doanh (mã ngành 447); Tin học kinh tế (mã ngành 444); Luật kinh doanh (mã ngành 545); Công nghệ thông tin (mã ngành 146),;Kinh tế lao động (mã ngành 421). Năm 2010, điểm trúng tuyển vào các chuyên ngành này thấp hơn điểm sàn vào trường từ 2-3 điểm.

Đây là cơ hội cho nhiều học sinh vẫn có thể vào được ĐH KTQD với số điểm thấp hơn mặt bằng chung. Thí sinh trúng tuyển vào chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn đóng học phí như các sinh viên khác, không bị thu mức học phí cao như các hệ ngoài ngân sách của một số các trường. Như vậy, khi ra trường, sinh viên vẫn sẽ có tấm bằng có uy tín của trường ĐH KTQD mặc dù điểm đầu vào thấp hơn 3 điểm so với các sinh viên cùng khóa.

Ngoài ra, trường ĐH KTQD triển khai thực hiện học cùng lúc hai chương trình. Theo đó, sinh viên đăng ký học cùng lúc hai chương trình là sinh viên đang học ĐH hệ chính quy của trường đang học chương trình thứ nhất (CT1) đăng ký học thêm một chương trình thứ hai (CT2) để được cấp hai văn bằng tốt nghiệp. Hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Sinh viên học CT2 sẽ không phải qua thi tuyển mà sử dụng hình thức xét tuyển. (Khi học CT2, sinh viên được bảo lưu điểm của những học phần đã tích lũy có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương).

Theo PGS. TS Phạm Văn Khôi: “Đây là điều kiện thuận lợi giúp nhiều học sinh sau khi vào các chuyên ngành có điểm sàn thấp hơn như Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, tin học kinh tế…sẽ vẫn có cơ hội được đăng ký chuyên ngành mà mình yêu thích. Khi ra trường, sinh viên có thể có cùng lúc 2 bằng cấp có giá trị của ĐH KTQD”.

Tuyển sinh riêng trước kỳ thi chung

Đại Học Việt – Đức: Tuyển sinh riêng trước kỳ thi đại học 2011 và cấp học bổng cho 60% tổng số tân sinh viên, không những cho năm đầu tiên mà còn trong suốt quá trình học. (Chương trình học bổng có cả cho bậc đại học lẫn bậc cao học).

Cũng như kỳ tuyển sinh năm 2010, học sinh có cơ hội thi tuyển vào ĐH Việt-Đức trước kỳ thi tuyển sinh đại học 2011. Học sinh có thể đăng ký ngay bây giờ và sẽ được chọn để đến giữa tháng 6/2011 tham gia bài kiểm tra đầu vào riêng của ĐH Việt-Đức. Kết quả trúng tuyển sẽ được công bố vào cuối tháng 6/2011. Bài kiểm tra của ĐH Việt-Đức là độc lập hoàn toàn với kỳ tuyển sinh đại học (sau khi tham gia xét tuyển vào ĐH Việt-Đức, học sinh vẫn có thể tham dự kỳ thi đại học quốc gia nếu thấy cần thiết) và bao gồm một bài kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề và kiểm tra tiếng Anh. Bài kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề được một viện chuyên khảo thí nổi tiếng ở Đức thiết kế, nhằm kiểm tra khả năng tư duy, nhận biết của thí sinh và không đòi hỏi thí sinh phải học thuộc lòng gì cả. Thí sinh quan tâm có thể đăng ký trực tuyến (online) trên trang web của trường: www.vgu.edu.vn/vi

ĐH Việt-Đức tuyển sinh cho 3 ngành bậc đại học: Kỹ thuật Điện và Công nghệ thông tin (trọng tâm Điện tử & Viễn thông), Quản trị Tài chính, Hệ thống Thông tin Kinh doanh.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều cơ hội, nhiều sự lựa chọn khác để bạn có thể lấy bằng Đại học như: Học liên thông từ CĐ nghề, trung cấp lên đại học hoặc học các chương trình liên kết. Hầu hết ở các trường ĐH hiện nay đều có chương trình liên kết đào tạo với các trường ĐH nước ngoài. Đầu vào của các chương trình đào tạo này cũng khá thoáng: Học sinh tốt nghiệp THPT hoặc có điểm thi ĐH, CĐ đều có thể nộp đơn xét tuyển vào học các chương trình này. Các bạn giỏi tiếng Anh sẽ là một lợi thế trong quá trình xét đăng ký tham gia các chương trình liên kết để có bằng ĐH (thay vì du học tự túc).

Hỗ trợ một phần kinh phí sau ĐH cho SV chương trình tiên tiến

Đến nay, trên cả nước đã có 23 trường ĐH hợp tác với 22 trường ĐH quốc tế để triển khai thực hiện 35 chương trình tiên tiến, trong đó có 20 chương trình thuộc khối ngành Kỹ thuật, công nghệ, 5 chương trình thuộc khối ngành Kinh tế, 1 chương trình thuộc khối ngành Khoa học sức khỏe, 6 chương trình thuộc khối Khoa học tự nhiên và môi trường, 3 chương trình thuộc khối Nông nghiệp. (Hầu hết các trường đối tác nước ngoài được xếp hạng trong tốp 200 theo bảng xếp hạng của US News).

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ sẽ dành một phần kinh phí của Đề án 322 cấp cho khoảng 5% số sinh viên tham gia học chương trình tiên tiến sau khi tốt nghiệp đi học tiếp trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường đối tác.

Trường Tây tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Cùng chuyên mục