Thông tin mới về tuyển sinh 2011

(Hiếu học)Tại Hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) năm 2011 tổ chức hôm 18-2, Bộ GD-ĐT cho biết trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 sẽ đổi lịch đăng ký dự thi, bỏ hồ sơ trúng tuyển và công khai dữ liệu xét tuyển ngay trong quá trình xét tuyển.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2011 (Ảnh: Huy Lân/NLD)

Các ý kiến thảo luận tại hội nghị nhất trí cao việc duy trì phương thức tuyển sinh ba chung, trong đó tổ chức riêng đợt thi CĐ. Các phương án tuyển sinh khác từng được bàn, các trường cho rằng chưa phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Một số điểm mới bổ sung vào quy chế thi năm nay cũng được đa số đại biểu nhất trí, nhiều ý kiến đề xuất thêm những vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.

Công khai số lượng NV2, NV3

Ông Vũ Việt Bình, phó trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội, có ý kiến: Bộ GD-ĐT không nên quy định đến “giờ G” các trường mới được công bố số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, NV3. Kể cả số lượng đăng ký dự thi (NV1) cũng không nên quy định cứng việc công bố. Việc “bí mật” này khiến thí sinh không có dữ liệu để lựa chọn, dẫn đến tình trạng không ít thí sinh có kết quả thi không tồi nhưng vẫn trượt vì đăng ký vào nơi không phù hợp.

Ông Bình đề xuất Bộ GD-ĐT nên yêu cầu các trường công khai số lượng đăng ký dự thi sớm, công khai việc xét tuyển NV2, NV3 ngay từ đầu trên trang web của trường và cập nhật thường xuyên. Ý kiến của ông Bình nhận được ủng hộ của đại diện nhiều trường ĐH, CĐ khác.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định ủng hộ đề xuất này của các trường. Ông cho rằng đây là việc làm hay, góp phần tăng cường sự giám sát của xã hội. Ông Ngô Kim Khôi, phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, cho biết sẽ nghiên cứu về mặt kỹ thuật để tránh những tiêu cực khi công khai dữ liệu xét tuyển ngay trong quá trình xét tuyển.

=> Xem thêm: Thí sinh được đề nghị rút lại hồ sơ đăng ký xét tuyển sau khi đã nộp.

Được chọn địa điểm dự thi

Về việc thí sinh có hộ khẩu thường trú trong khu vực quy định thi tại cụm có được dự thi tại địa điểm của trường đăng ký dự thi không. Về điều này, ông Ngô Kim Khôi nói rõ: “Để tạo điều kiện cho thí sinh trong việc đi lại, Bộ GD-ĐT tổ chức ba cụm thi ở Vinh, Quy Nhơn, Cần Thơ cho những thí sinh có hộ khẩu thường trú trong khu vực gần các cụm thi này. Những trường hợp thí sinh đã lên thành phố ôn thi và muốn dự thi tại trường vẫn hợp lệ. Việc thi tại trường hay theo cụm lệ thuộc vào điều kiện, nhu cầu của thí sinh”.

3 đợt thi, 4 môn trắc nghiệm

Năm 2011, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn duy trì phương thức ba chung với ba đợt thi. Đợt 1: thi khối A, V (ngày 4 và 5-7); đợt 2: thi khối B, C, D (ngày 9 và 10-7) và đợt thi cho các trường CĐ (15 và 16-7).

Các môn toán, văn, lịch sử, địa lý thi theo hình thức tự luận; các môn vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm. Đề thi do Bộ GD-ĐT ra theo hướng bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Giải thích về việc không đưa hướng dẫn thi trắc nghiệm vào quy chế, ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, nói: Vì quy chế không thể nêu chi tiết, cụ thể được trong khi việc thi trắc nghiệm có rất nhiều vấn đề phải hướng dẫn kỹ cả với thí sinh và giám thị, đơn vị tổ chức thi, nếu không sẽ gây thiệt thòi cho thí sinh. Như vậy năm nay, Bộ GD-ĐT vẫn duy trì hướng dẫn thi trắc nghiệm đi kèm với quy chế thi tuyển sinh ĐH, CĐ và TCCN.

Tuyển sinh 2011, thí sinh trúng tuyển sẽ không phải nộp hồ sơ trúng tuyển

GS.TSKH Bùi Văn Ga, thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, tuyển sinh năm 2011, Bộ GD-ĐT bỏ quy định “nộp hồ sơ trúng tuyển” khi thí sinh trúng tuyển đến nhập học, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính có thể gây phiền hà cho thí sinh. Ông Ga cũng cho biết thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV2, NV3 có thể nộp qua đường bưu điện, dịch vụ chuyển phát ưu tiên, hoặc nộp trực tiếp tại trường. Riêng các trường TCCN, để tạo điều kiện cho thí sinh, ngoài việc thí sinh nộp hồ sơ theo quy định trên, các sở GD-ĐT có thể tổ chức thu nhận hồ sơ của thí sinh trên địa bàn tỉnh, thành và chủ động bàn giao cho các trường theo yêu cầu của từng trường. Các trường TCCN được phép xét tuyển nhiều đợt trong năm (trừ ngành đào tạo năng khiếu) trên cơ sở kết quả học tập ở phổ thông hoặc kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ của thí sinh.

Ngay khi nộp hồ sơ đang ký dự thi (ĐKDT), thí sinh phải nộp luôn lệ phí tuyển sinh (tổng cộng 80.000 đồng/hồ sơ, gồm: 50.000 đồng phí ĐKDT và 30.000 đồng phí dự thi). Với những trường có sơ tuyển, có môn thi năng khiếu sẽ nộp mức lệ phí sơ tuyển đối với các ngành năng khiếu: 100.000 đồng/hồ sơ (với tất cả các môn), sơ tuyển đối với các ngành khác: 40.000 đồng/hồ sơ (với tất cả các môn). Lệ phí dự thi năng khiếu: 200.000 đồng/hồ sơ (với tất cả các môn).

Năm 2011, Bộ GD-ĐT cũng cho phép thí sinh quốc tịch nước ngoài có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ VN không phải dự thi tuyển sinh. Hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập THPT (học bạ), kết hợp với kiểm tra kiến thức và trình độ tiếng Việt của thí sinh theo quy định của trường để xét tuyển.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, thí sinh quốc tịch nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam, không phải dự thi tuyển sinh: “Hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập THPT (học bạ) kết hợp với kiểm tra kiến thức và trình độ tiếng Việt của thí sinh theo quy định của trường để xét tuyển”- Thứ trưởng Ga nói.

Còn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, “không nên quy định cứng là không thi mà giao cho hiệu trưởng các trường quyết định”.

Có thể hạ điểm sàn với những ngành khó tuyển

Cũng tại hội nghị tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, trong trường hợp cần thiết, sẽ hạ điểm sàn của những ngành khó tuyển trùng với những ngành mà đất nước đang ưu tiên.

Nhiều đại biểu còn đề cập đến vấn đề được ưu tiên trong tuyển sinh đối với những ngành khó tuyển. Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Phó hiệu trưởng Đại học Tây nguyên đưa ra thực tế những ngành rất quan trọng với đất nước, với vùng như Nông – Lâm – Ngư rất khó tuyển sinh (hầu như năm nào cũng hụt chỉ tiêu trầm trọng).

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, trong trường hợp cần thiết sẽ hạ điểm sàn với những ngành khó tuyển trùng với những ngành mà đất nước đang ưu tiên để vừa giải quyết khó khăn cho các trường, vừa tạo thêm điều kiện cho thí sinh.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, việc khuyến khích các ngành khó tuyển, trên tinh thần chung đồng tình với các kiến nghị, nhưng việc ưu tiên phải có chọn lọc. Đó phải là những ngành phù hợp với chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

Thêm bốn ngày cho mỗi đợt nộp hồ sơ dự thi

Thời hạn thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh được điều chỉnh khác năm trước để tránh trùng vào ngày thứ bảy, chủ nhật, từ ngày 14-3 đến hết ngày 14-4 (theo tuyến của sở GD-ĐT) và từ 15-4 đến hết ngày 21-4 (theo tuyến ĐH, CĐ).

Theo đó, thí sinh sẽ có thêm bốn ngày ở mỗi đợt nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Dự kiến, thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi sẽ bắt đầu từ ngày 14 – 3 – 2011 đến hết ngày 14 – 4 – 2011 (nếu theo tuyến của Sở GD&ĐT) và từ ngày 15 – 4 – 2011 đến hết ngày 21 – 4 – 2011 (nếu theo tuyến của các trường đại học, cao đẳng).

Thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào trung cấp chuyên nghiệp nộp hồ sơ và lệ phí tuyển sinh về trường đăng ký dự tuyển (qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc đến nộp trực tiếp tại trường).

Ngoài ra, tùy theo yêu cầu và tình hình cụ thể của việc thu nhận hồ sơ và công tác tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp tại địa phương, các sở GD-ĐT có thể thu nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trung cấp chuyên nghiệp của thí sinh trên địa bàn tỉnh, thành phố và chủ động bàn giao cho các trường theo kế hoạch và yêu cầu thu nhận hồ sơ của từng trường.

Kim Tuyến tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Quy chế tuyển sinh 2011: Siết chặt kỷ luật, mạnh tay với thi hộ

(Hiếu học)Theo quy định của Bộ GD-ĐT, những cán bộ, sinh viên, học sinh các trường kể cả trường trung học, tuy không tham gia công tác tuyển sinh nhưng nếu có các hành vi tiêu cực như: thi hộ, tổ chức lấy đề thi ra và đưa bài giải vào cho thí sinh, gây rối làm mất trật tự tại khu vực thi sẽ bị buộc thôi việc (nếu là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan doanh nghiệp Nhà nước), đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học (nếu là học sinh, sinh viên).

Thí sinh được rút lại hồ sơ ĐKXT sau khi đã nộp

(Hiếu học) Thông tin tuyển sinh ĐH, CĐ 2011: Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được rút lại hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) sau khi đã nộp, nếu thí sinh có nguyện vọng nộp hồ sơ vào trường khác và yêu cầu các trường phải tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh được rút hồ sơ ĐKXT (đợt 2 hoặc đợt 3).   

Cùng chuyên mục