Tăng tiết học ôn chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp.

Ngay những ngày đầu sau tết, học sinh khối 12tại nhiều trường THPT, đặc biệt là các trường ngoài công lập đã bước vào chương trình tăng tiết luyện thi hoặc học ôn để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp.

Học sinh THPT đang vào mùa ôn thi. (Ảnh: KỲ ANH)

Bắt đầu khẩn trương

Hiện tại, tùy theo điều kiện của mình, các trường đã lên kế hoạch ôn thi cho học sinh lớp 12, các trường THPT đều đã có kế hoạch triển khai ôn tập cho thí sinh và các trường THPT dân lập cũng rà soát trình độ học sinh, phân loại học sinh yếu kém, hổng kiến thức để tổ chức các lớp ôn tập riêng.

Lý giải điều này, đại diện lãnh đạo Trường THPT DL Nguyễn Khuyến (TPHCM) cho biết: Do là trường dân lập, nên chất lượng đào tạo là sự sống còn của trường, bên cạnh đó, chất lượng đầu vào của trường lại không đồng đều nên trường rất chú trọng cho việc dạy và học và cụ thể là phải chăm chút, thậm chí là rèn, ép từng HS để các em có kết quả học tập tốt nhất. Và khi kiến thức “thấm” từ từ, các em hiểu và sẽ nhớ lâu hơn, còn nếu chỉ thực hiệngấp gáp trong khoảng 2 tháng với tổng số lượng 6 môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp thì e rằng HS sẽ dễ rơi vào tình trạng “quá tải”, kiệt sức vào cuối mùa thi và thậm chí là lúc này đa phần HS phải học vẹt và hệ quả là chất lượng học không đạt.

Chính vì thế, việc trường triển khai ôn tập củng cố kiến thức cho các HS sớm ngay từ thời gian đầu là rất cần thiết. Đề cập thực trạng này, thầy Nguyễn Văn Hòa – Hiệu trưởng Trường THPT DL Nguyễn Bỉnh Khiêm (TPHCM) – cho hay:Trường đã tổ chức cho HS cuối cấp học thêm tiết đối với một số môn quan trọng như toán, lý, hoá, sinh, ngoại ngữ… với thời lượng học gần gấp đôi so với chương trình của HS trường công lập.

Nếu như các trường dân lập có lợi thế học 2 buổi/ngày nên có thể tăng tiết để củng cố kiến thức cho học sinh, thì trái lại, tại một số trường công lập và nhất là các trường chuyên, HS vẫn tiếp tục học theo chương trình của Bộ GDĐT. Thầy Võ Anh Dũng – Hiệu trưởng Trường chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) – cho biết: “Trường chuyên và hầu hết các trường công lập, HS vẫn đang học theo lịch của Bộ GDĐT,thực hiện ôn kiến thức từng môn theo cuối mỗi chương. Chương trìnhôn tập để củng cố kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp thì phải tuân theo chỉ đạo chung của bộ.

Tương tự, với Trường THPT Trần Khai Nguyên (TPHCM), chương trình dạy và học vẫn đang thực hiện bình thường theo tiến độ và quy định chung. Thời khoá biểu và số giờ học của tất các môn đều thực hiện theo quy định của bộ, cho đến khi bộ có thông báo các môn thi cuối cấp, trường sẽ có kế hoạch ôn luyện thêm cho HS những môn đó chứ không thực hiện ôn luyện trước. Tuy nhiên, với HS lớp 12 thì GV chủ nhiệm cũng đã thường xuyên nhắc nhở để các em ý thức và có kế hoạch ôn luyện cho riêng mình từ trước để không bị rơi vào tình trạng quá tải vào những ngày cận kỳ thi tốt nghiệp.

Nhiều “chiêu” ôn luyện

Để học sinh ôn thi tốt hơn, Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) sẽ thực hiện hình thức ôn thi khá độc đáo là thi vấn đáp. Ông Lê Hồng Vũ – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Nhà trường tổ chức hình thức thi này không phải để đánh giá kết quả của học sinh lớp 12, mà là để các em có động lực để ôn thi tốt hơn. Khi đã phải trực tiếp trả lời giáo viên, các em không thể trông chờ vào bạn bè được mà phải “tự thân vận động”. Khi đó các em sẽ nhận ra mình còn thiếu sót gì để tập trung bổ sung kiến thức”.

Bà Bùi Thị Minh Nga – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) – cho biết, sau khi kết thúc học kỳ I, kế hoạch ôn thi, thi thử cả đại học và tốt nghiệp THPT đã được nhà trường thông báo cho phụ huynh. Theo đó, trường đã chuẩn bị lịch thi thử ngay trong tháng 3 cho học sinh các khối và sẽ tổ chức thi thử vào một số ngày thứ bảy, chủ nhật. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh của trường đã bắt đầu chương trình học tập và ôn thi tốt nghiệp chứ không chờ đến cuối tháng 3 khi có thông báo về môn thi. “Năm học này, học sinh được học sớm 2 tuần cộng với việc bố trí thời gian dạy và học cùng các hoạt động ngoại khoá hợp lý, nhà trường có thể hoàn toàn chủ động về thời gian để dành cho học sinh lớp 12 ôn tập mà không vi phạm vào yêu cầu của bộ và sở về việc đảm bảo dạy đủ chương trình chính khoá” – bà Bùi Thị Minh Nga khẳng định.

Theo: Laodong.com

Bài liên quan

Cấu trúc đề thi 2011: Không thay đổi

Theo công bố mới nhất của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cấu trúc đề thi trong các kỳ thi quốc gia năm 2011 về cơ bản không thay đổi so với năm trước. Cục cũng không ban hành cấu trúc đề thi các môn. 

Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT 2011

(Hiếu học) Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011 dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12. Trong đó, sẽ có 50% điểm số dành cho yêu cầu thông hiểu và vận dụng kiến thức. 

Cùng chuyên mục