Đề thi THPT môn Vật lý không quá khó

(Hiếu học) Sau buổi thi môn Lý, nhiều thí sinh rất phấn khởi vì đề dù có phần khó hơn năm ngoái nhưng lại khá dễ đối với nhiều học sinh

Nhóm học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đang trao đổi bài trước khi bước vào phòng thi môn lý buổi chiều tại hội đồng thi trường THPT Marie Curie – Ảnh: Như Hùng/TTO

– TP.HCM: Kết thúc buổi thi chiều 2.6, hầu hết TS tại các điểm thi ở TP.HCM đều tỏ ra phấn khởi do làm bài khá tốt.

“Đọc qua một lượt đề là em thấy nhẹ nhõm liền. Em làm xong bài khá sớm và sau khi dò lại kết quả từ nhiều bạn khác, ít nhất em cũng được 9 điểm”, thí sinh Đỗ Sĩ Đạt (HS trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1, TP.HCM) tự tin nói.

“Với đề Lý chiều nay thì HS có học lực mức trung bình cũng làm khá tốt. Môn Văn em không làm tốt cho lắm nhưng riêng môn Lý thì chắc chắn em được 10 điểm”, HS Nguyễn Quốc Cường, trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM cho biết.

Nhiều thí sinh Hà Nội thở phào với đề thi môn Vật lý không quá khó. (Ảnh: Hồng Hạnh/Dantri)

– Hà Nội: Tương tự ở TP.HCM, tâm trạng chung của thí sinh tại Hà Nội khá hớn hở sau buổi thi môn Lý

Đề tương đối dễ và không quá dài là nhận xét của đại đa số thí sinh. Tại hội đồng thi trường THPT Lê Quý Đôn (Q. Hà Đông, Hà Nội) nhiều thí sinh vui vẻ ra về với tâm lý thoải mái nắm chắc 8-9 điểm. “Môn Vật lý sẽ “gánh” điểm cho môn Văn sáng nay của em”, Nguyễn Ngọc Dung, học sinh trường Lê Quý Đôn chia sẻ.

Võ Quỳnh Vinh học sinh lớp 12 A6 trường THPT Nguyễn Tất Thành vui vẻ nói: “Em thấy đề thi rất vừa tầm với bọn em, các câu hỏi ra cơ bản, học sinh trung bình cũng phải làm được 60 – 70%. Còn em cũng phải cầm chắc làm đúng 90% vì em thi khối A”.

Với Lan Anh học sinh lớp 12 Trường THPT Đông Đô cho biết: “Em ôn thi khối C nên môn Lý không phải sở trường của em, đề thi này em làm được 80 % thôi. Phần bài tập em làm không được tốt lắm, nhưng em cũng rất mừng vì đề không quá “khoai”.

Nhưng khác với môn Văn trong buổi sáng nay, sau khi hoàn thành bài thi môn Vật lý, cũng có nhiều thí sinh chưa thật sự an tâm về bài làm trắc nghiệm của mình. Nhiều em vừa ra khỏi phòng thi đã vội lấy cặp sách tra lại các đáp án của đề thi cho chắc chắn.

Tại Đà Nẵng: các thí sinh kết thúc buổi thi thứ 2 môn Vật lý với tâm trạng khá phấn khởi. Nhiều học sinh nhận xét chỉ với sức học trung bình cũng có thể làm được 80%.

TS Văn Khang, học sinh trường THPT Nguyễn Hiền, thi tại HĐT THPT Trần Phú cho hay: “Đề thi trải dài kiến thức trong suốt cả năm học, nên chỉ cần nắm vững kiến thức từ đầu năm đến giờ thì có thể làm bài thi thông suốt. Trong phòng em các bạn đều làm bài thi tốt và tỏ ra rất thoải mái!”.

Ghi nhận tại Hội đồng thi THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, các thí sinh rời trường thi với tâm trạng phấn chấn, vui vẻ dù đến cuối buổi thi, thời tiết vẫn còn nắng nóng gay gắt. Thí sinh Trần Thị Ly, học sinh trường THPT Trần Phú dự thi ngay tại trường học cho biết: “Đề Lý có 40 câu hỏi trắc nghiệm tất cả. Hơn 80% nằm trong phần kiến thức cơ bản, tập trung nhiều câu hỏi về phần Điện. Học sinh ôn tập kỹ phần kiến thức căn bản trong chương trình ôn thi tốt nghiệp có thể dễ dàng làm bài thi đạt trên điểm trung bình. Nhiều bạn trong phòng em hoàn thành 40 câu trắc nghiệm trong đề thi khá sớm và đợi đến giờ được phép là rời phòng thi”.

Các thí sinh tại Đà Nẵng kết thúc buổi thi môn vật lý kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 với nhiều nụ cười. Đa số thí sinh được hỏi đều nhận định đề thi vật lý năm nay vừa tầm.

Đề thi khó phân loại học sinh

– Nhận xét về đề thi môn Lý, giáo viên Đồng Đỗ Đạt – GV trường THPT Võ Thị Sáu cho biết đề rải đều trong chương trình, không có câu khó, không đánh đố học sinh, không có câuthuộc lòng, nếu nắm chắc học sinh trung bình có thể làm tốt bài này. So với yêu cầu của đề tốt nghiệp, đây là đề vừa sức đối với học sinh.

– Nhận định về đề thi, thạc sĩ Đặng Đình Bình, trường THPT Đào Duy Từ – Hà Nội cho biết: “So sánh với đề thi tốt nghiệp năm trước thì đề thi năm nay khó hơn, phân loại học sinh. Tuy câu hỏi trong đề không lắt léo nhưng không đơn thuần để thí sinh “kiếm” điểm cao. Trung bình từ 5 – 6 điểm, điểm cao như 9 – 10 điểm sẽ không nhiều.

Đối với đề thi năm nay, phần lý thuyết không có câu nào lạ, tuy không khó nhưng học sinh dễ bị nhầm lẫn trong cách hỏi của đề. Cụ thể: trong mã đề 139, câu 10, nhầm lẫn tốc độ truyền sóng và bước sóng. Câu 11, học sinh dễ nhầm lẫn giữa tần số và chu kỳ; câu 18, học sinh dễ nhầm lẫn giữa 2 đầu cố định và 1 đầu cố định, đầu tự do.

Phần bài tập, cũng không quá khó nhưng học sinh phải phân tích và tính toán nhiều hơn. Năm trước phần bài tập, học sinh chỉ cần dựa trên một công thức là tính toán được, năm nay phải dựa trên 2 công thức mới làm được bài thi. Cụ thể, trong mã đề 139, câu số 8, học sinh sẽ dễ nhầm lẫn giữa giá trị hiệu dụng và giá trị cực đại”.

Riêng tại các điểm thi hệ GDTX, các thí sinh cho biết rất khó để đạt điểm cao trong môn Lý!

Khánh Hoa tổng hợp

Bài liên quan

Cùng chuyên mục