(hieuhoc_hieuhoc): Tục ngữ có câu : “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, chẳng thế mà trào lưu du học đang lan tỏa thành một làn sóng mạnh mẽ trong cộng đồng những người Việt trẻ.
Đam mê và khát vọng vươn tới tầm cao, tầm xa của tri thức đã thôi thúc hàng triệu học sinh (HS), sinh viên (SV) bước chân vào con đường du học khi mà điều kiện kinh tế, xã hội của nước nhà ngày càng phát triển. Tuy vậy, trước khi trở thành du học sinh (DHS), các bạn cũng nên xem xét những khó khăn và thuận lợi của việc du học ở những quốc gia mà bạn sẽ đến để có thể có thể tránh khỏi bỡ ngỡ khi lần đầu đặt chân lên đất khách quê người.
Du học ở mỗi quốc gia đều có những thuận lợi và khó khăn riêng, bài viết tập trung vào những điểm mấu chốt nhất, chung nhất để các bạn có cái nhìn toàn cảnh về việc du học.
1. Khó khăn:
Khó khăn đầu tiên phải kể đến khi đi du học là chi phí cao. Đối với những sinh viên du học theo diện học bổng toàn phần có thể tương đối yên tâm do mức học bổng của các nước thường bao gồm học phí và sinh hoạt phí ở mức có thể đủ để trang trải cho cuộc sống. Tuy nhiên, đối với những sinh viên du học theo diện tự túc mà không hề nhận được bất kỳ sự hỗ trợ kinh tế nào từ các tổ chức sẽ phải tự xây dựng một kế hoạch tài chính cụ thể để có thể theo học cho đến cùng. Chi phí cho việc đi lại, nơi ăn chốn ở có thể sẽ rất đắt đỏ tùy thuộc vào mỗi quốc gia khác nhau. Chính vị vậy vấn đề chi tiêu hợp lý để đảm bảo được yêu cầu số một là học tập cần phải đặt lên hàng đầu.
Rào cản ngôn ngữ cũng là khó khăn lớn đối với du học sinh. Nhiều sinh viên có trình độ ngoại ngữ tương đối tốt ở nước nhà nhưng vì chưa có môi trường giao tiếp nên không tránh khỏi bỡ ngỡ khi tiếp thu bài giảng, giao tiếp, sinh hoạt. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, nhiều sinh viên mới đầu cảm thấy chản nản khi rơi vào tình trạng “họ nói mình không hiểu gì”, từ đó ảnh hưởng tới kết quả học tập. Phải mất một thời gian học tập, làm quen thì các bạn mới có thể bắt nhịp được với cuộc sống, thời gian đó ngắn dài tùy thuộc vào trình độ, khả năng và sự nỗ lực của mỗi người.
Bên cạnh đó, sống ở một đất nước khác, xa quê hương, xa gia đình có thể làm bạn cảm thấy nhớ nhà, gia đình và bè bạn và tất nhiên nếu có bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào ở quê nhà, cũng rất khó để bạn có thể trở về ngay lập tức. Bạn cũng sẽ phải tự xoay sở để có thể sống, học tập và làm việc tốt, phải tự chăm sóc bản thân và học tính tự lập.
2. Thuận lợi:
Khó khăn là vậy, song không ai có thể phủ nhận được sức hấp dẫn cũng như những lợi ích mà việc du học mang lại.
Hầu hết các du học sinh khi tham gia học tập tại các nước có nền kinh tế phát triển đều được tham gia vào môi trường học tập với những điều kiện học tập tương đối tốt. Điều này giúp bạn có cơ hội để tiếp cận với những kỹ thuật và khoa học tiên tiến một cách dễ dàng thông qua các trang thiết bị giảng dạy và học tập hiện đại.
Được tiếp xúc với một nền văn hóa mới với những nét độc đáo riêng sẽ giúp bạn mở mang nhiều kiến thức. Bạn sẽ không chỉ học tập được những kiến thức chuyên môn mà còn biết thêm nhiều điều về văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán của đất nước sở tại. Sự khác biệt về văn hóa sẽ mang lại cho bạn một cái nhìn mới mẻ, làm giàu thêm cách suy nghĩ cũng như vốn sống của bản thân. Việc tiếp cận và học hỏi từ văn hóa và con người của đất nước bạn tới du học sẽ không chỉ giúp bạn nâng cao vốn ngoại ngữ mà còn mang lại cho bạn nhiều cơ hội trong công việc sau này.
Sau khi du học bạn sẽ tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, trau dồi thêm vốn ngoại ngữ bên cạnh những kiến thức chuyên môn. Chính vì vậy cơ hội du học luôn là niềm mơ ước của những bạn trẻ năng động, ham học hỏi và sẵn sàng khám phá những chân trời mới của tri thức nhân loại.
Trang Bùi