(Hiếu học). Với các đề thi Toán – Lý – Hóa ĐH khối A năm nay, các chuyên gia nhận định: Trước hết đề thi năm nay thực hiện đúng cấu trúc mà Bộ GD – ĐT đã công bố. Đề thi toán năm nay đã bám sát cấu trúc của đề thi tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục Đào tạo. Nhìn một cách tổng quát đề không quá khó, so với đề thi toán năm 2009, đề năm nay có phần dễ hơn
Môn Toán:
Nhận định của TS Lê Thống Nhất.
Tuy đề thi không có những câu khó thuộc các phần mà học sinh thường “sợ” như : bất đẳng thức, ứng dụng đạo hàm để tìm giá trị lớn nhất (hoặc nhỏ nhất) nhưng đối với các em học sinh với học lực khá cũng có thể bó tay ở ít nhất một câu. Xin chia sẻ cụ thể với các em một số vấn đề đáng lưu ý.
1) Đối với câu I, phần 1 là một bài rất cơ bản, chỉ ở mức thi tốt nghiệp phổ thông. Có lẽ đây là câu mà phần lớn các em có thể kiếm 1 điểm cho mình.
2) Đối với câu I, phần 2 nhiều em sẽ nghĩ tới định lý Vi-et cho phương trình bậc ba nhưng kiến thức này lại không thuộc chương trình phổ thông và dù có kiến thức này thì các phép biến đổi cũng sẽ khá phức tạp. Nếu các em để ý phương trình f(x) = 0 luôn có nghiệm x = 1 thì có thể phương trình về dạng tích và chỉ cần sử dụng định lý Vi-et cho phương trình bậc hai. Tuy nhiên các em làm theo hướng này sẽ rất hay quên đặt điều kiện cho phương trình có 3 nghiệm phân biệt.
3) Đối với câu II, đáng chú ý là phần 2 là một bài toán bất phương trình vô tỷ. Nếu học sinh không để ý mẫu thức của vế trái luôn nhận giá trị âm ( dễ dàng chứng minh căn thức ở mẫu luôn lớn hơn 1) thì việc giải sẽ khá phực tạp. Đặc biệt là khi giải bài toán này cần phải biết sử dụng đạo hàm để xét bất phương trình. Nhiều học sinh sẽ không giải được bài toán này. Câu II, phần 1 chỉ cần lưu ý một chút các em có thể đưa phương trình về dạng tích với một thừa số là sinx + cosx hoặc rút gọn được vế trái.
4) Câu III là một bài tính tích phân khá cơ bản, các em chỉ cần tách tích phân thành tổng hai tích phân nhờ nhóm 2 số hạng ở tử của f(x) với thừa số chung. Với tích phân hàm đa thức là dễ dàng, còn tích phân còn lại chỉ cần đặt biến số t = 1 + 2là xong.
5) Câu IV là một bài toán hình học không gian khá cơ bản.
6) Câu V là một hệ phương trình vô tỷ , 2 ẩn mà khá nhiều học sinh sẽ bó tay. (Câu V là câu nhằm phát hiện được học sinh giỏi, chỉ những học sinh giỏi xuất sắc mới có khả năng đạt điểm 10)
7) Câu VI thuộc phần tự chọn là các bài toán cơ bản về phương pháp tọa độ và số phức, chỉ cần học sinh có học lực khá là làm được.
Đề thi phân loại tốt học sinh. Học sinh đạt điểm 10 xứng đáng xếp loại giỏi. Dải điểm tập trung nhiều nhất sẽ là từ 6 đến 7 điểm. Đề thi đúng tiêu chuẩn của một đề thi tuyển sinh khối A.
Môn Lý
Qua tiếp xúc với nhiều thí sinh dự thi vào Trường Học viện Tài chính, đa số thí sinh đều có cùng nhận xét: Đề thi môn vật lý dài và nhiều câu hỏi khó.
Theo ông Nguyễn Thường Chinh, giáo viên Trung tâm BDVH và Luyện thi ĐH Vĩnh Viễn (TPHCM), đề thi môn lý năm nay có mức độ khó cao hơn nhiều so với năm 2009. TS có học lực khá trở xuống khó có thể tính toán được thời gian làm bài. Đề chỉ có 15 câu lý thuyết, chiếm khoảng 30% số câu hỏi. Đề có khoảng 20 câu khó vàcơ bản rơi vào phần cơ và điện.
Đề thi có những câu mà chương trình 12 cơ bản không có loại bài tập này (ví dụ câu 43 về con lắc dao động trong điện trường – mã đề 485). Đề thi môn vật lý năm nay có nhiều điểm mới lạ so với đề thi những năm trước, đòi hỏi sự suy luận cao của thí sinh, nếu chỉ học thuộc lòng kiến thức trong sách thì khó có thể làm được hết bài thi trong thời gian 90 phút. Số lượng câu hỏi phải tính toán chiếm tới 60% trong đề thi. Câu hỏi khó tập trung ở phần điện xoay chiều, sóng cơ, sóng ánh sáng”.
Đề thi môn vật lý có những câu hỏi khá “hóc búa” và chủ yếu những câu đó rơi vào phần vật lý hạt nhân, thế giới vĩ mô, vi mô. Đặc biệt nhiều câu đòi hỏi phải mất nhiều thời gian thí sinh mới có thể làm được rơi vào phần: Động cơ điện, máy phát điện, mà điển hình là câu số 41 (mã đề 136).
Nhìn chung, đề thi môn vật lý bám sát cấu trúc đề thi của Bộ Giáo dục Đào tạo. Tuy nhiên, điểm thi môn lý năm nay sẽ thấp do phần tính toán nhiều TS không làm kịp. Chỉ một tỉ lệ thí sinh rất nhỏ đạt điểm 10; những học sinh có học lực trung bình khá sẽ chỉ đạt điểm 5-6.
Môn Hóa.
Theo thầy Nguyễn Tấn Trung- Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn TPHCM, đề Hóa năm khó hơn năm trước, độ tính toán phức tạp hơn. Các câu hỏi ít có trong sách giáo khoa hơn mọi năm, mọi câu hỏi đều khó hơn một chút. Những câu hỏi trong sách giáo khoa nếu thí sinh khéo léo, dùng phương pháp loại trừ sẽ có thể giải nhanh ra đáp án.
Câu hỏi bài tập cần tính toán nhiều, chiếm hơn 60% đề thi còn lại là lý thuyết. Có câu đã được thi rồi như câu 18 trong mã đề 596 là đề thi khối A của ĐH năm 2009.
Theo thầy Trung, đề Hóa hơi khó, nhiều bài tập, có tính phân loại học sinh cao nhưng “tác giả” cho chứng tỏ đề được đầu tư kĩ. Câu hỏi không quá khó, nếu học sinh có kĩ năng làm bài sẽ dễ dàng có kết quả.
“Đề này, học sinh đạt 5-7 điểm sẽ chiếm hơn 50%, đạt 7-8 điểm phải là học sinh khá giỏi. Còn điểm 9-10 sẽ ít. Tuy nhiên, điểm Hóa sẽ cao hơn điểm Toán, Lý”- thầy Trung nhận xét.
Cùng với nhận định đó, nhiều thí sinh cũng cho rằng đề thi các môn Hóa, Toán, Lý đều khó hơn đề thi năm ngoái. Nhưng nhiều chuyên gia nhận định, ta khó thì người cũng khó, đề khó thì điểm chuẩn có thể sẽ thấp hơn mọi năm, cơ hội vẫn có cho thí sinh.
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT ngày 5/7, kết thúc đợt 1 kỳ thi tuyển sinh đại học 2010, cả nước có 104 thí sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó 81 em bị đình chỉ thi, 5 em bị cảnh cáo và 18 trường hợp bị khiển trách.
Từ ngày 4.7 cho đến hết ngày 10.7, Hiếu học sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về 2 đợt thi ĐH 1 và 2 với các môn toán, lý, hóa của khối A, các môn toán, hóa, sinh của khối B và toán khối D. Cùng những nhận định, đánh giá của các chuyên gia và bài giải gợi ý đáp án đề thi các môn tiếp theo.
Đáp án chính thức khối A – ĐH năm 2010
Trưa 5/7, Bộ Giáo dục Đào tạo đã công bố đáp án chính thức ba môn thi, kỳ thi tuyển sinh ĐH đợt 1 năm 2010. Hiếu học giới thiệu để các bạn tham khảo:
– Đáp án môn Toán Tuyển sinh ĐH đợt 1 năm 2010
– Đáp án môn Vật lý Tuyển sinh ĐH đợt 1 năm 2010
– Đáp án môn Hóa Tuyển sinh ĐH đợt 1 năm 2010
Tuấn Phong tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)