Bác sĩ tâm thần: Nghề mạo hiểm trong thế giới người điên

Chiếc taxi vừa dừng, anh Đông, bảo vệ Bệnh viện tâm thần TP HCM tiến đến mở cửa. Bệnh nhân chưa xuống xe đã nghe tiếng quát tháo; anh bảo vệ đưa tay đỡ nhận “bộp” ngay một chiếc giày cao gót vào vai.

Tại bệnh viện tâm thần, từ bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý đến bảo vệ đều cần phải sành tâm lý, giỏi chịu đựng, bởi họ thường phải hứng chịu những cú ra đòn khó đỡ kịp từ bệnh nhân – những người vốn không còn làm chủ được bản thân.

Sáng 22/5, một nữ bệnh nhân 31 tuổi mắc chứng trầm cảm nặng được người nhà đưa đến Bệnh viện tâm thần TP HCM khám.

Đang hướng dẫn bệnh nhân đến tái khám, thấy chiếc taxi đổ trước cổng bệnh viện, anh Đông bảo vệ bệnh viện lập tức rời khỏi bàn làm việc đứng lên tiến ra. Việc làm này ít khi thấy ở các bảo vệ của những bệnh viện khác. “Bệnh nhân hay quậy, phải chuẩn bị tư thế để giúp người nhà”, anh Đông nói.

Cảnh cửa taxi vừa mở ra, người trên xe chưa bước xuống đã nghe tiếng chửi bới quát tháo. “Con bị làm sao mà đưa đến bệnh viện tâm thần. Mọi người điên hết rồi. Con khỏe. Bực mình quá đi!”, giọng nói là của một phụ nữ trẻ với sắc mặt mệt mỏi, đôi mắt đỏ ngầu. Đi cùng cô có hai phụ nữ khác, một khoảng 50, một ngoài 30 tuổi.

Nhìn thấy bảo vệ, người phụ nữ lớn tuổi xưng mẹ của bệnh nhân vừa trình bày ý định muốn khám vừa muốn nhờ bảo vệ hỗ trợ. “Con gái tôi quậy từ đêm qua đến nay, ở nhà không ai chịu được”, bà nói. Không cần chờ hết câu, anh Đông đã gật đầu rồi tiến về phía xe. “Để tôi đưa cô vào khám”, người bảo vệ nói. Chẳng nói chẳng rằng, cô gái lập tức đáp lại anh Đông bằng chiếc giày cao gót. May mà anh đỡ kịp nên chiếc giày chỉ trúng vào vai.

10 phút sau, được các nữ hộ lý dùng lời ngon tiếng ngọt thuyết phục, bệnh nhân cũng chịu bước xuống xe. Tuy nhiên mới đi vài bước, cô lại tiếp tục la to, huơ tay đánh đấm vào những người đi cạnh. Dù đã vùng tránh nhưng một nữ điều dưỡng vẫn bị túm áo và “dính” một cái tát tai.

Mỗi ngày Bệnh viện Tâm thần TP HCM nhận hàng chục bệnh nhân cấp cứu, nên chuyện nhân viên y tế bị người bệnh phản ứng như trên không phải là hy hữu. Sau bệnh nhân nữ “cho” anh Đông chiếc giày cao gót, một nam bệnh nhân bị loạn thần do dùng chất gây nghiện được người nhà đưa đến trong tình trạng tay đã được cột chặt.

“Buông tao ra, không tao đánh chết tụi bây”, người đàn ông quát, mắt trừng trừng nhìn bảo vệ. Biết anh ta không bình tĩnh, những người đang đến tái khám vội dạt ra. Đoạn đường từ cổng vào đến phòng khám chừng 30 mét, bệnh nhân này đã có 4 lần dùng chân đá vào ghế và vào những gì trong tầm chân với, trong đó có một lần anh đá trúng chân của nữ hộ lý đang đi cùng.

Vất vả trầy trật gần 15 phút, việc thăm khám cho nam thanh niên này mới hoàn tất. Theo yêu cầu của gia đình và căn cứ vào bệnh trạng, các bác sĩ cho bệnh nhân này nhập viện để điều trị nội trú. Trên đường đi đến khu nội trú, anh ta tới đâu, tiếng la hét theo đến đấy. Anh này còn cố tình húc người vào một nam điều dưỡng và dùng tay chỉ trỏ những bệnh nhân đứng gần.

“Vậy chưa ăn thua gì đâu, nhiều bệnh nhân còn dùng tay đánh cả vào mặt bác sĩ đến chảy máu mũi hoặc cắn đến sứt da chảy máu”, điều dưỡng Bình nói. Điều anh Bình nói diễn ra ngay sau đó, khi một bệnh nhân đang không có biểu hiện bất thường bỗng vung tay tát ngang mặt một nữ hộ lý. May mà chị phản ứng kịp.

Chuyện bệnh nhân tâm thần quậy thầy thuốc xảy ra thường xuyên hơn ở khu điều trị nội trú. Bệnh viện có 2 khu riêng biệt dành cho bệnh nhân nam và bệnh nhân nữ. Hộ lý, điều dưỡng, bác sĩ và hơn 30 bệnh nhân tâm thần dạng nặng cùng ở một phòng.

“Bệnh nhân của chúng tôi là thế. Không ai biết trước họ phải làm gì nên mỗi khi họ quậy quá thái quá, cả nhóm hộ lý, điều dưỡng đều phải cùng nhau hiệp lực mới có thể khống chế được người bệnh. Chuyện điều dưỡng nữ bị bệnh nhân gạt tay đến chảy máu mũi, hay họ giật phá đồ đạc là bình thường. Bản thân tôi cũng một lần suýt bị bệnh nhân làm rơi chiếc máy tính mới mua”, một bác sĩ nói.

Theo một nam điều dưỡng có 26 năm làm việc tại bệnh viện, khó khăn hơn cả là khi phải đối phó với những bệnh nhân có sức khỏe tốt lại từng làm vệ sĩ hoặc có chút võ thuật. “Có lần một nhóm bệnh nhân cùng quậy phá đòi được thả ra khỏi khoa, chúng tôi buộc lòng phải gọi điện cầu cứu công an phường”, người điều dưỡng kể.

Hộ lý Tú Anh, người có 9 năm gắn bó với nghề cũng cho biết, có lần chị đang nói chuyện với người nhà của bệnh nhân thì người bệnh giật phăng một chai nước phang vào mặt. Một lần khác chị đang đẩy băng ca thì bị bệnh nhân đạp luôn vào bụng. “Vì họ làm trong cơn loạn thần nên mình đành chịu”, chị Anh nói.

Nghề vất vả là thế nhưng khi được hỏi, hầu hết các bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý Bệnh viện Tâm thần TP HCM đều cho rằng “làm mãi cũng quen và thấy yêu thương công việc”.

Bác sĩ trẻ Đỗ Chính Thắng, khoa Khám cho rằng, không chỉ chẩn đoán, điều trị và chăm sóc, với người bệnh tâm thần, nhân viên y tế phải là những người sành tâm lý, giỏi chịu đựng. “Với người mắc bệnh tâm thần, nếu không hòa vào cùng họ, không trò chuyện cùng họ bằng chính giọng điệu và suy nghĩ của họ thì họ khó lòng hợp tác”, bác sĩ Thắng nói.

Những điều bác sĩ Thắng nói thể hiện rõ trong cách mà anh khám cho bệnh nhân. Đêm 22/5, trước những câu nói ngô nghê và chống đối của một bệnh nhân bị loạn thần do dùng chất gây nghiện kéo dài, bác sĩ Thắng đã khéo léo trò chuyện khiến bệnh nhân trở nên ngoan ngoãn. Trước vài phút, bệnh nhân này gặp ai cũng đòi đánh.

Từng việc tại bệnh viện hơn 20 năm, anh Bình điều dưỡng thì cho rằng, với bệnh nhân tâm thần, ngoài những lúc quậy, phần lớn thời gian còn lại họ rất “dễ thương” và hiền từ. “Càng làm lâu, càng có kinh nghiệm chúng tôi dễ tránh được những cơn thịnh nộ của họ. Càng tiếp xúc, càng thấy họ rất cần chúng tôi, bởi khái niệm gia đình đối với họ gần như không còn nữa”, anh Bình tâm sự.

Người trong cuộc quen việc, yêu nghề thì nói thế, nhưng theo bác sĩ Phạm Văn Trụ, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM, ngoài chuyện người bệnh tâm thần bị kỳ thị, cả y bác sĩ làm việc trong ngành này cũng chưa được cộng đồng nhìn nhận đúng sự hy sinh của họ.

Theo bác sĩ Trụ, nhiều người cho rằng “làm bác sĩ tâm thần không oai, người thân không hãnh diện vì thu nhập thấp”. Thậm chí, suy nghĩ cùng học y khoa mà ra trường không được tiếp xúc với người bình thường, lại phải làm việc với những người “không nhớ mình là ai”, khiến ngành tâm thần vẫn ít được sinh viên lựa chọn.

“Câu nói ‘cả gia đình tôi là bác sĩ chuyên khoa tim’ nghe có vẻ ‘sướng’ hơn câu ‘cả nhà tôi là bác sĩ tâm thần’. Nhưng mọi người phải hiểu rằng, nếu trái tim lành lặn mà rơi vào cảnh ‘trí lẫn’ và không được bác sĩ tâm thần chữa trị thì xem như trái tim ấy cũng đã chết”, bác sĩ Trụ nói.

Nguồn: Tin Nhanh VN

Bài liên quan

Bác sĩ Giám định tâm thần

Hiện nay, số bác sĩ - giám định viên pháp y tâm thần tại TPHCM chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết là kiêm nhiệm.  

Ngành Tâm lý học.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Ngành Tâm lý học đào tạo như thế nào, học ở đâu là tốt nhất? Trường sư phạm có ngành tâm lý không, đào tạo như thế nào? Sau khi tốt nghiệp, ra trường làm việc ở đâu? Hành nghề tư vấn Tâm lý cần những tố chất gì ?

Nghề tâm lý: Dễ mà khó!

Nhìn bề ngoài, công việc của nhà tâm lý có vẻ như chỉ đơn thuần là trò chuyện và cho lời khuyên. Nhưng để làm thay đổi con người không dễ và nếu không được đào tạo tốt, nguy cơ mất lòng tin của khách hàng đối với chuyên gia tâm lý là rất lớn.

Cùng chuyên mục