Du học sinh Trung Quốc thở phào vì nước này sắp mở cửa

Đọc tin Trung Quốc hạ cấp độ ứng phó với Covid-19, ngừng cách ly bắt buộc từ 0h ngày 8/1, Lăng Quang Du nói thở phào vì trút được áp lực tâm lý học online gần ba năm nay.

Quang Du, sinh năm 1995, tốt nghiệp thạc sĩ ngành Xây dựng, Đại học Nam Hoa, tỉnh Hồ Nam, năm 2020. Du theo học ngành giáo dục Hán ngữ quốc tế, Đại học Ngôn ngữ Bách khoa ở Bắc Kinh từ đó đến nay, bằng hình thức trực tuyến tại Việt Nam. Em cho biết, việc học ngôn ngữ chuyên sâu bằng hình thức này không hiệu quả, lại gây khó chịu cho mắt.

Theo Du, sinh viên quốc tế nhập cảnh Trung Quốc mà không phải cách ly sẽ bớt gánh nặng về kinh tế vì chi phí hiện khoảng 50 triệu đồng cho 5-14 ngày cách ly tập trung. Cách đây vài tháng, nhiều đại học đã gửi các giấy tờ liên quan để hỗ trợ sinh viên bay sang Trung Quốc. Tuy nhiên, số tiền này khiến nhiều du học sinh nản lòng, quyết định chưa lên đường.

Lăng quang du (áo xanh, bên trái ngoài cùng) cùng các bạn và giáo sư, tham gia hội thảo kiến trúc tại tỉnh hồ nam, năm 2020. Ảnh: nhân vật cung cấp
Lăng Quang Du (áo xanh, bên trái ngoài cùng) cùng các bạn và giáo sư, tham gia hội thảo kiến trúc tại tỉnh Hồ Nam, năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Hồng Ngọc, 30 tuổi, ở Đà Nẵng, cũng tương tự. Vé máy bay sang thành phố Quý Dương (tỉnh Quý Châu) và phí cách ly hiện tại gần 40 triệu đồng là khoản khá lớn, khiến chị chưa thể theo học thạc sỹ ngành Hán ngữ quốc tế tại Đại học Quý Châu mà chị bảo lưu từ năm 2021.

Lộc Văn Đàn, 23 tuổi, sinh viên Đại học Tài chính Kinh tế Trung ương, Bắc Kinh vừa trở lại Trung Quốc hồi tháng 10/2022, sau thời gian dài phải học và tốt nghiệp online, cho biết gần đây, vé máy bay từ Việt Nam sang khoảng 7 – 8 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với mức hàng chục triệu cách đây vài tháng. Tuy nhiên, để sang được Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, chi phí cách ly vẫn khá cao. Đàn từng mất 50 triệu, trải qua ba lần cách ly tại Việt Nam, Hàng Châu và Bắc Kinh trong 27 ngày.

“Một số sinh viên Việt Nam ở trường em vừa sang trong tháng này cũng tốn khoảng 50 triệu đồng. Các bạn phải cách ly 5 ngày tại sân bay rồi về trường cách ly 7 ngày nữa”, Đàn nói, cho biết một nhóm sinh viên Việt Nam mà em biết đã phải thi cuối kỳ tại nơi cách ly.

Sinh viên quốc tế tại Đại học bắc kinh đầu tháng 112022. Ảnh: peking university
Sinh viên quốc tế tại Đại học Bắc Kinh đầu tháng 11/2022. Ảnh: Peking University

Theo South China Morning Post, ba quan chức thuộc các cơ quan y tế và bệnh viện tại tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến và Giang Tô, cho biết họ đã nhận được thông báo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 26/12, yêu cầu chuẩn bị cho việc hạ cấp dịch Covid-19 xuống thành bệnh truyền nhiễm loại B từ ngày 8/1/2023. Động thái này được đánh giá là bước cuối cùng của Trung Quốc trong việc loại bỏ chính sách “zero-Covid” kéo dài ba năm qua, chuyển sang trạng thái sống chung với dịch. Kể từ năm 2020, Trung Quốc ứng phó với Covid-19 như một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ngang với bệnh dịch hạch và dịch tả. Ở cấp độ này, chính quyền phải áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt nhất như cách ly người mắc bệnh và người tiếp xúc gần, đồng thời phong tỏa một số thành phố.

Ba năm qua, nhiều học sinh trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã tạm dừng hoặc từ bỏ lựa chọn du học Trung Quốc, theo nhận định của ông Trần Ngọc Duy, Giám đốc Công ty tư vấn du học Trung Quốc Riba.

Ông Nguyễn Quốc Tư, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần giáo dục Hoa ngữ quốc tế, đánh giá chính sách bỏ cách ly, cùng việc một điểm thi chứng chỉ tiếng Trung HSK được mở lại ở Việt Nam sẽ gỡ vướng cho nhiều người có nhu cầu ứng tuyển học bổng Trung Quốc năm 2023. Trước đó, một số học viên của ông Tư chuyển hướng sang du học nước khác, giờ có khả năng sẽ quay lại.

Theo ông Tư, các trường vẫn sẽ duy trì việc học trực tuyến đến hết Tết Nguyên Đán, nên các du học sinh chưa cần chuẩn bị vội. “Tết của Trung Quốc trùng dịp Tết Nguyên Đán Việt Nam nên du học sinh cứ yên tâm ăn Tết. Các trường đại học Trung Quốc thường cho du học sinh sang vào thời điểm nhập học mùa mới, khoảng tháng 3/2023”, ông Tư nói.

Ông Duy cũng cho rằng các trường đại học nước này sẽ sớm công bố chính sách đón sinh viên quốc tế trở lại, với các hướng dẫn chi tiết.

Quang Du đã chuẩn bị lên đường sau dịp Tết Nguyên Đán. Nam sinh dự kiến di chuyển lên cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), sau đó tới Bằng Tường (Trung Quốc) rồi bắt xe đến ga tàu Nam Ninh, với tổng chi phí khoảng 5 – 7 triệu đồng. Trong trường hợp đi máy bay, Du ước tính chi phí 10 – 20 triệu đồng.

Còn Hồng Ngọc sẽ bắt đầu hành trình của mình tại Trung Quốc vào tháng 9/2023. Ngọc hy vọng tới lúc đó, chi phí sẽ giảm nhiều, có thể về gần mức trước khi có dịch Covid-19. Ngọc cho hay, em thường xuyên được cập nhật tin tức và các quy định cho du học sinh từ các thầy, cô ở trường và hội du học sinh Việt Nam. Trước đây, du học sinh ngày nào cũng được yêu cầu báo cáo tình hình sức khỏe, kiểm tra Covid-19 nhưng hiện tại các quy định đã được nới lỏng.

“Sinh viên Trung Quốc mắc Covid-19 cũng không bị hạn chế đi lại. Trường em hiện đã bước vào kỳ nghỉ đông nên sẽ dừng các hoạt động dạy và học đến đầu tháng 3/2023”, Ngọc cho hay. Trong thời gian chờ được sang trường, Ngọc tranh thủ đi làm thêm để tích lũy tiền.

Lệ Thu – Bình Minh – VnExpress

Cùng chuyên mục